Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Nhiều kết quả nổi bật trong việc đảm bảo an dân, an sinh xã hội
13/01/2022 09:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 12/1, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị, Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Gói hỗ trợ an sinh thiết thực tạo sự đồng thuận xã hội
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021, đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.
Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, một mặt, Ngành LĐ-TB&XH đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, Bộ đã chủ động, quyết liệt và linh hoạt phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như: Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của TTg và Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.
Bộ trưởng cho biết thêm, toàn ngành đã dồn lực tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cục bộ, ổn định thị trường lao động, tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi các chính sách an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kết quả đạt được hiện nay là do sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương chăm lo tết Nguyên đán Nhâm Dần cho người dân, nguồn ảnh: Báo Dân sinh
Theo Bộ trưởng, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH, ngành BHXH, ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi nhanh chóng và bắt đầu tạo được “sức bật” mới cho thời gian tiếp theo.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực triển khai chưa đưa lại hiệu quả: Thị trường lao động biến động và chưa vững chắc. Một số chỉ tiêu chưa đạt kết quả như mong muốn; Kết quả vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích Tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu và chưa xứng với tiềm năng của ngành.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2021 cả nước vừa chống dịch, vừa nỗ lực duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, toàn ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong điều kiện khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.
Phó Thủ tướng cho biết, theo nghiên cứu của một số tổ chức tài chính quốc tế, trong hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (2020-2021), kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 1,8%, trong đó các nước phát triển tăng 0,7%, các nước đang phát triển 4,3%. Tại khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế lớn (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam) là 1,5% nhưng riêng Việt Nam đạt 5,49%.
Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều đổi mới trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về lương, đổi mới mạnh mẽ về cải cách hành chính…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần nhìn thẳng để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể, trong lĩnh vực người có công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm qua, dù đã có bước chuyển căn bản, song toàn ngành cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết tốt công tác xác minh hồ sơ, công nhận người có công; hỗ trợ, chăm sóc người có công, thân nhân tốt hơn nữa.
Trong công tác giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải là đầu mối tổng hợp, chủ trì việc phối kết hợp thật đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhất là cơ chế điều phối. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, triển khai tốt chương trình giảm nghèo đa chiều. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần có chính sách huy động các nguồn lực bên ngoài tham gia nhiều hơn vào hệ thống trợ giúp xã hội, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội…
Đối với công tác xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH vừa phát triển thị trường, vừa có các chính sách, tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Công tác đào tạo nghề cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối quản lý theo hướng “tự chủ, xã hội hóa, thống nhất đầu mối quản lý”, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng nhắc lại sự cố bảo hành trẻ em đau lòng, gây nhức nhối dư luận xã hội, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã theo Luật Trẻ em.
Qua thực tiễn chi trả các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Phó Thủ tướng mong muốn, trong năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ theo hướng quản lý tất cả các đối tượng bằng tin học hóa, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng; thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả cho một số ít người dùng tiền mặt, còn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Phó Thủ tướng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải liên tục đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động giải ngân, chi trả, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng.
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2022, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương chăm lo người dân đón Tết an toàn, ấm cúng, bên cạnh vật chất cần có nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ tinh thần, nhất là những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành trong năm 2022. Theo đó, để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm.
Cụ thể, duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. “Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và thiên tai, rủi ro. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu trên thị trường, hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2030 theo tiêu chí mới từ ngày 1/1/2022.
Cùng với đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa chất lượng lao động trình độ kỹ năng nghề giúp người lao động có cơ sở và cơ hội thuận lợi học tập nâng cao trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng cho thị trường lao động và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh bền vững: Xây dựng kịch bản, phương án và triển khai các chính sách xã hội đã ban hành bảo đảm an dân và an sinh xã hội đối với người dân, hộ người nghèo, người yếu thế và phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.
Nhấn mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với Trung ương, ban, ngành. Công tác chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chỉ thị số 35/TC-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp chăm lo chu đáo nhất để mọi người, mọi nhà, nhất là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và những người bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đầm ấm, vui tươi, an toàn, không để ai bị thiếu ăn, không ai không có Tết.
Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành tới tất các các đối tượng, người dân để duy trì ổn định đời sống kinh tế-xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường các hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, qua đó góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Các địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, đến đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhìn chung, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác an sinh xã hội vẫn được bảo đảm, đời sống nhân dân vẫn được giữ ổn định.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiểu cơ chế, chính sách, giải pháp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;
Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch.
Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?