Quốc hội thông qua Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội gần 350.000 tỷ đồng
12/01/2022 12:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với 424/426 ĐB tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 84,97%), chiều 11/1, tại Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, Nghị quyết xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); cải cách thể chế, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nghị quyết cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, về y tế, sẽ bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của các viện, BV cấp Trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19.
Cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 5.000 tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm. Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng.
Liên quan hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh, Nghị quyết nêu rõ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua. Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Đồng thời, Quốc hội nhất trí bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ NSNN để phát triển kết cấu hạ tầng: Giao thông, CNTT, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nghị quyết yêu cầu ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn. Trường hợp bố trí vốn cho các dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thì chỉ bố trí cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các KCN, KCX, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021)…
Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN; sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?