TP.HCM: Từng bước kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
30/09/2021 05:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại buổi họp công bố thông tin vừa diễn ra sáng nay (30/9) tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Sau khoảng thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội nhiều mức độ, sau 30/9 nhịp sinh hoạt của người dân, DN sẽ dần trở lại theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt. Linh hoạt ở cả không gian (tùy độ an toàn của khu vực) lẫn thời gian (mỗi khu vực có lộ trình khác nhau). Ngoài ra, nguyên lý co giãn sẽ được đề cao, nơi nào an toàn hơn thì nới rộng nữa, nơi nào xuất hiện nguy cơ dịch bệnh thì co lại.
Chỉ còn 51 chốt kiểm soát
Đây là những chốt kiểm soát cửa ngỏ và giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh bạn. Các chốt kiểm soát bên trong TP.HCM sẽ được tháo dỡ để tạo thuận lợi tối đa cho người dân di chuyển. Người dân TP.HCM vẫn phải tuân thủ 5K và các biện pháp an toàn phòng dịch khác, song khi có việc cần thiết ra đường phải có ứng dụng thể hiện lịch sử tiêm ngừa Covid-19 và ứng dụng khai báo di chuyển. Giấy đi đường sẽ không còn sử dụng sau 30/9.
Các chốt kiểm soát bên trong TP.HCM sẽ không còn
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, việc tạo thuận lợi tối đa để người dân di chuyển bên trong TP.HCM là để phục vụ hoạt động kinh tế, việc làm, cải thiện cuộc mưu sinh tại chỗ... Do đó, vấn đề di chuyển bằng phương tiện cá nhân của người dân ra khỏi TP.HCM và ngược lại vẫn chưa được giải quyết. Ông Bình khuyến cáo, với 51 chốt kiểm soát khu vực cửa ngỏ và giáp ranh, cùng chốt kiểm soát từ phía các tỉnh bạn, người dân tự rời TP.HCM hoặc ngược lại bằng phương tiện cá nhân sẽ vi phạm quy định.
“Khát” lao động
Tại Chỉ thị mà ông Bình công bố, có đến 3 phụ lục quy định rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề được phép hoạt động. Đây là nỗ lực của TP.HCM trong vấn đề khôi phục đời sống kinh tế- xã hội. Ngay trong sáng nay (30/9), TP.HCM đã tái khởi động hơn 4 công trình giao thông trọng điểm bị ngừng trệ vài tháng qua. Theo ông Bình, số lượng công nhân thi công trở lại làm việc chưa vượt quá 50% so với trước đó. Đây chỉ là một điển hình của thực tế “khát” lao động ở TP.HCM vào thời điểm này.
Ông Lê Hòa Bình công bố Chỉ thị mới của TP.HCM
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã lên tiếng kêu gọi NLĐ tiếp tục “trụ” lại để tiếp cận cơ hội việc làm đang rộng mở, vừa tiếp tục cuộc mưu sinh cho bản thân, gia đình vừa giúp TP.HCM khôi phục kinh tế. Thời gian qua, cũng theo ông Bình, TP.HCM đã tổ chức đưa khoảng 35.000 NLĐ về quê theo nguyện vọng một cách an toàn trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19. Đó chỉ là con số chưa đầy đủ của vấn đề thất thoát nguồn nhân lực ở TP.HCM do Covid-19 ảnh hưởng nhiều tháng qua. Câu hỏi đặt ra là, để giải bài toán “khát” lao động thì TP.HCM phải làm gì để kéo NLĐ trở lại, khi vấn đề di chuyển liên tỉnh vẫn còn chưa thông?
Di chuyển theo “chương trình”
Ông Bình khẳng định, TP.HCM đã gửi văn bản đến 62 địa phương trên cả nước về vấn đề quay trở lại TP.HCM làm việc của những NLĐ từng gắn bó, mưu sinh ở đô thị này. Cũng vấn đề này, TP.HCM đã làm việc cụ thể với 4 tỉnh bạn lân cận là Long An, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương. Các bên đã nhất trí sẽ thực hiện chương trình đưa đón NLĐ, tương tự như trước đó, nhưng lần này không phải về quê mà trở lại làm việc. Theo ông Bình, các thủ tục liên quan đến chương trình này sẽ đơn giản tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Chương trình đưa đón NLĐ trở lại TP.HCM làm việc cũng sẽ dần mở rộng với tất cả các tỉnh, thành khác trong cả nước. Theo ông Bình, vấn đề không phục kinh tế của TP.HCM thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào lực lượng lao động và các DN. Vì vậy, chính quyền địa phương này sẽ tạo thuận lợi tối đa trong ngưỡng an toàn cho phép. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng dân cư TP.HCM tiếp tục đồng hành với chính quyền trong nỗ lực nới lỏng giãn cách để không bỏ lỡ cơ hội không phục kinh tế. Sự đồng hành đó chính là tuân thủ tối đa các quy định phòng dịch Covid-19. Bởi cộng đồng dân cư trên địa bàn TP.HCM chỉ cần lơ là, mất cảnh giác, quên các phương thức phòng vệ cho bản thân và gia đình, là dịch bệnh lại có nguy cơ bùng phát, đồng nghĩa với việc siết chặt giãn cách, kéo theo sự dừng lại của tiến trình không phục kinh tế.
Để Tết này được ấm no
Tại cuộc họp, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình đã có những sẻ chia về tiến trình bắt đầu khôi phục kinh tế của TP.HCM. Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương đã vào TP.HCM và đồng hành với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương này từ hạ tuần tháng 8 tới nay. Theo ông Hải Bình, công cuộc phòng, chống dịch ở TP.HCM và khôi phục kinh tế đi tới những thành tựu mới, hay đi lui về điểm xuất phát, theo kinh nghiệm quốc tế là 50- 50. Theo đó, nhiều quốc gia, thành phố lớn trên thế giới chỉ sau một thời gian ngắn nới lỏng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để tái thiết kinh tế đã phải co lại vì dịch bệnh tái bùng phát.
Ông Lê Hải Bình chia sẻ tại cuộc họp
Vì vậy, theo ông Hải Bình thì ý thức người dân là then chốt, là chìa khóa để tiến trình nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế ở TP.HCM đi tới hay đi lui. Phó Ban Tuyên giáo Trung ương vừa đặt vấn đề, vừa gợi mở thêm đối với cộng đồng dân cư, DN và cả chính quyền TP.HCM, rằng dịp Tết sắp tới sẽ no ấm hay vẫn khó khăn như những ngày qua, là tùy thuộc vào sự đồng lòng, chung sức, đoàn kết... của tất cả, những người đã làm nên sức mạnh của TP.HCM từ trước, từ trong cao điểm dịch bệnh Covid-19, và từ nay trở đi. Theo ông Hải Bình, đóng lại đã khó khăn, nay mở dần ra còn nhiều khó khăn, phức tạp hơn, nên chỉ có sự đồng lòng mới tạo nên hy vọng tươi sáng...
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?