Người dân làm chủ quyền lực thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
09/05/2021 06:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được tiến hành khẩn trương gấp rút hoàn thành. Tuy nhiên, bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của người dân. Người dân cần hiểu quyền, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ra sau 35 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố gây bất ổn đến an ninh quốc gia của Việt Nam. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải ra sức phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đặt ra.
Bầu cử là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử giúp người dân có điều kiện thể hiện quyền "làm chủ" của mình, nhất là trong việc lựa chọn ra những người đại diện cho tiếng nói, cho lợi ích của mình.
Ở nước ta, quyền bầu cử và ứng cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân. Từ Hiến pháp 1946 đã có quy định cụ thể tại Điều 18: "Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử", và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (Điều 54). Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân...".
Theo Điều 2 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 quy định: "Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này".
Bên cạnh đó, Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 cũng có quy định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp". Thông báo Kết luận số 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nêu rõ: đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hướng dẫn số 36-HD/BCHTW ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách; đồng thời bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự theo hướng việc giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quy trình thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong quy trình lựa chọn, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiểu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, tại Nghị quyết liên tịch Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đặc biệt quan tâm đến yếu tố tín nhiệm trong quá trình lựa chọn, sàng lọc. Nếu ở địa bàn, ở nơi công tác nếu cá nhân đó không được tín nhiệm thì bước đầu tiên sẽ không đưa vào giới thiệu nhân sự bầu cử.
Các quy định cụ thể của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng các văn bản hướng dẫn bầu cử… không chỉ khẳng định quyền bầu cử và ứng cử của người dân mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để người dân thực hiện được quyền của mình. Việt Nam không hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân, nếu họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Bên cạnh đó, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của công dân đối với vận mệnh đất nước, bản thân mỗi cử tri có vai trò quyết định trong việc lựa chọn cho mình những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.
Tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương tới địa phương ở nước ta nói riêng. Tham gia bầu cử chính là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946 được tổ chức thành công là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn của "thù trong, giặc ngoài", tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn. Tuy nhiên, đại đa số người dân tham gia bầu cử luôn xúc động và tự hào vì "... ngày mai mà một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình..." (Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, ngày 05/01/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ngày nay, trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu ngày càng phát huy vị trí, vai trò người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Các vấn đề được đưa ra thảo luận, quyết định trên diễn đàn Quốc hội hay Hội đồng nhân dân đều là những vấn đề thực tiễn cuộc sống, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được đảm bảo bởi chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Có được những kết quả tích cực trong hoạt động của cơ quan dân cử đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như mỗi địa phương là có vai trò của người đại biểu. Để chọn được người đại biểu xứng đáng thì không thể không nói đến tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc. Trong suốt quá trình bầu cử, người dân được hiện quyền làm chủ của mình từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu trong ngày bầu cử, thể hiện quyền lực nhân dân qua từng lá phiếu.
Ngay sau khi Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được ban hành, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử được tổ chức để kịp thời quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng tiến hành khẩn trương, nghiêm túc các công việc chuẩn bị bầu cử và lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử ở các cấp. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập theo đúng quy trình và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Việc chuẩn bị nhân sự ứng cử đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước; Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Do đó, thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Nếu như các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực vào cuộc để chuẩn bị các điều kiện cho một kỳ bầu cử thành công từ ứng cử viên đến cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình thủ tục, dự báo cáo các tình huống phát sinh để có hướng giải quyết kịp thời… thì yếu tố quyết định trong việc lựa chọn người đại diện cho tiếng nói của mình thuộc về nhân dân, trực tiếp thông qua những lá phiếu cử tri trong ngày bầu cử tới.
Theo Hội đồng bầu cử Quốc gia
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?