Quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

12/03/2021 09:15 AM


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 17/2021/NĐ-CP ngày 09/3 quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

 

Nghị định này áp dụng với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

Nguyên tắc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện để thanh niên tham gia tổ chức thanh niên xung phong, hoạt động tình nguyện theo quy định của pháp luật. Chính phủ, chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật tôn vinh, biểu dương, ghi nhận hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng thanh niên xung phong có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ; thanh niên tình nguyện có nhiều cống hiến, đóng góp cho hoạt động tình nguyện.

Ảnh: Internet

Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nghị định nêu rõ chính sách, thanh niên xung phong được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được cấp trang phục thanh niên xung phong tối thiểu mỗi năm 2 bộ, thẻ đội viên thanh niên xung phong. Thanh niên xung phong được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp; tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật; được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành…

Chính sách đối với thanh niên tình nguyện trong quá trình thực hiện chương trình, đề án, dự án: Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký hợp đồng lao động; được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thanh niên tình nguyện được hưởng các chế độ tiền lương hoặc tiền công, phụ cấp, trợ cấp, công tác phí và chế độ, chính sách khác quy định trong chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được trang bị phương tiện làm việc và phương tiện bảo hộ cá nhân cần thiết, bảo đảm an toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hoạt động tình nguyện…

Sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, thanh niên tình nguyện được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện cấp Giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện theo thẩm quyền; được cấp có thẩm quyền, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian hoạt động tình nguyện và có nhu cầu tiếp tục ở lại địa phương công tác; được hỗ trợ một lần bằng một nửa tiền lương hoặc tiền công tháng hiện hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao; được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

Thanh niên tình nguyện có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư./.

PV