70 năm tác phẩm 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

15/10/2019 02:21 PM


Ngày 14/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và trao giải Cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.

Đồng chí Trần Quốc Vượng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội thảo. Nguồn ảnh: Báo Nhân dân

Hội thảo là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa Di huấn của Bác về công tác dân vận; giá trị lý luận, thực tiễn to lớn, vững bền của tác phẩm Dân vận, đồng thời nhìn lại công tác dân vận trong 70 năm qua.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tác phẩm “Dân vận” là sự khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”; là “cuốn sách giáo khoa” về công tác dân vận của Đảng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm cũng là sự kết tinh truyền thống dân tộc và tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân trong lịch sử. 70 năm qua, Đảng ta đã thực hiện công tác vận động quần chúng theo những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời dặn của Người, nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, xây dựng các giai cấp đã được Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, ngày càng hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. 

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Nguồn ảnh: TTXVN

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đã tham luận về việc triển khai công tác dân vận theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đa số các đại biểu khẳng định, tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự thật, bút danh XYZ từ 70 năm trước chỉ gần 600 từ, nhưng đó là một tác phẩm lớn, thể hiện tầm tư tưởng, đạo đức cao đẹp và phong cách đặc sắc của của Hồ Chí Minh, đã đang và sẽ mãi là cẩm nang vô giá về công tác dân vận của Đảng, bởi tác phẩm không chỉ nêu rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, mà còn chỉ ra ai phải làm dân vận và phải làm dân vận như thế nào.

Phát biểu tại Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác vận động nhân dân, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã kịp thời có những chủ trương, đường lối lãnh đạo công tác dân vận. Những kết quả của công tác dân vận đã góp phần tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn, ý nghĩa sâu sắc nội dung tác phẩm "Dân vận" của Bác, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị, cần tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", trong đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên tuyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức (gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội…), không để các thế lực thù địch chiếm lĩnh, gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá ta, tạo bất ổn xã hội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, việc nhận thức sâu sắc hơn những nội dung trong tác phẩm Dân vận của Bác là yêu cầu quan trọng trong tình hình mới. Từ đó, công tác vận động các tầng lớp nhân dân cần đi vào thực chất hơn nữa, lấy sự hài lòng, niềm tin của nhân dân là thước đo cho kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Niềm tin đó chính là sức mạnh để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao giấy chứng nhận tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Nguồn ảnh: TTXVN

Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp trao giải Cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019 cho 50 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu vào vòng chung khảo cuộc thi giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, Ban tổ chức phát động cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2020, gắn với tổng kết cuộc thi giai đoạn 2017 - 2020./.

PV