“Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”

18/10/2018 09:40 AM


Ngày 17/10, tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018. Đây là Chương trình hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tham dự chương trình có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia; Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, các tập đoàn, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và phát động nhắn tin ủng hộ người nghèo.(Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, xóa đói, giảm nghèo luôn được Ðảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong sáu nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết. Trên cơ sở đó, giảm nghèo luôn được Ðảng, Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và trở thành một chủ trương lớn, một chương trình quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc để quyết tâm thực hiện, vì đó còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. Đến nay, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả nội bật góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm nhanh, xuống còn 6,7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, việc ban hành chính sách, pháp luật, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế tích cực tham gia các chương trình nhân ái, ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" hàng chục nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà "Đại đoàn kết", giúp hàng trăm nghìn người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia với nguồn lực lớn, hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Với tinh thần tiếp tục hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo", nhân Ngày quốc tế phòng chống đói nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam (17/10), thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam có hành động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các quốc gia, các đối tác, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng nhắn tin đến Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1409 để quyên góp ủng hộ người nghèo.

Tại Chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Chỉ tính từ tháng 10/2017 đến nay, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ vì người nghèo và Chương trình an sinh xã hội gần 3 ngàn tỷ đồng, trong đó Quỹ vì người nghèo các cấp tiếp nhận hơn 900 tỷ; ủng hộ an sinh xã hội hơn 2 ngàn tỷ. Cùng với việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo có thêm điều kiện để thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Ý nghĩa hơn là đã góp phần khơi dậy, phát huy lòng nhân ái, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố khối đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thah Mẫn ủng hộ người nghèo.(Ảnh: VGP)

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, đất nước ta nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; ở một số nơi người dân còn thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, gặp biến cố trong cuộc sống… mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ tái nghèo gia tăng, dù tỉ lệ giảm nghèo những năm qua đã đạt và vượt so với mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chính vì vậy trong năm 2017, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Chung tay vì người nghèo”.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết Chương trình vận động “cả nước chung tay vì người nghèo” đợt này sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên những vấn đề thiết yếu như nhà ở cho người nghèo, nhất là người nghèo vùng bị bão lũ; áo ấm cho người già, cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời, Chủ tịch Trần Thanh kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục ủng hộ giúp đỡ người nghèo với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tại chương trình, diễn ra nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc; trình chiếu phóng sự tổng hợp kết quả giúp đỡ người nghèo; giới thiệu các mô hình chăm lo người nghèo và những câu chuyện xúc động về những hoàn cảnh khó khăn của người nghèo trên cả nước. Chương trình cũng giới thiệu các chương trình ứng dụng "Cứu trợ từ thiện" và "Người bạn tốt" của các tác giả:  Phan Bá Mạnh, Nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa – dịch vụ trên Internet Dobody và Hoàng Đức Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wakeitup. Đây là các ứng dụng góp phần hỗ trợ các nhóm, tổ chức, cá nhân có thể phối hợp với nhau để công tác thiện nguyện ý nghĩa, hiệu quả hơn...

Thống kê của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tính từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 2.945 tỷ đồng qua Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và Chương trình an sinh xã hội.

Theo tổng hợp bước đầu của Ban Tổ chức Chương trình, tính đến 21h ngày 17/10/2018, đã có hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và Chương trình an sinh xã hội với số tiền là: 857.418.204.000 đồng. Trong đó ủng hộ, đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo với số tiền là 77.306.574.000 đồng; đăng ký ủng hộ Chương trình ASXH với số tiền là: 780.111.630.000 đồng.

Một số địa phương đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ người nghèo trong tháng cao điểm vì người nghèo đến nay là: thành phố Hà Nội: 77 tỷ;  Thành phố Hồ Chí Minh: 38 tỷ; tỉnh Bắc Giang: 47 tỷ; tỉnh Bắc Ninh: 11tỷ; tỉnh Quảng Bình: 21 tỷ, tỉnh Thái Nguyên 6,8 tỷ đồng... Đồng thời, đã có hơn 2.000 tin nhắn qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1409 với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng./.

PV