Khai mạc Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

15/10/2018 03:58 PM


Sáng 15/10, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 28 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong chương trình làm việc của Phiên khai mạc, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về các Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. (Nguồn ảnh: Báo ĐBND)

Báo cáo tóm tắt đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức, nhưng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 cơ bản là tích cực và đúng hướng. Trong những tháng còn lại, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, không chủ quan, lơ là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm vào đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 01/NQ-CP; kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của lĩnh vực tư nhân, các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày có cho thấy, năm 2018, trong 12 chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực; quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỷ đô la Mỹ; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực cùng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút và giải ngân FDI tăng khá; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao… Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp ích cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau: Tăng trưởng GDP dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định. Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều, đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ. Cần làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế thống nhất với mục tiêu tổng quát nêu trong Tờ trình của Chính phủ là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Nguồn ảnh: Báo ĐBND)

Thẩm tra đánh giá Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trong số 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan. Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh. Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.

Về định hướng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2019-2020, Ủy ban Kinh tế tán thành với quan điểm của Chính phủ xác định cơ cấu lại nền kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành, cùng với đó là việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững cho giai đoạn sau năm 2020./.

PV (theo ĐBND)