Nhân rộng mô hình hồ sơ sức khỏe điện tử

13/10/2018 05:07 PM


Nếu như trước đây mỗi lần đi khám bệnh lại phải mua sổ, hoặc lỉnh kỉnh sổ khám bệnh, thẻ BHYT và những giấy tờ liên quan khác thì hiện nay người dân ở 5 thành phố/tỉnh thí điểm …chỉ cần thông báo mã số hồ sơ sức khỏe điện tử ( HSSKĐT) là bác sĩ có thể nắm được ngay tiền sử bệnh tật của người đi khám.

Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bác sỹ cũng như nhà quản lý.

Nhiều tiện ích

Để thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia vào Đề án Y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 – 2020 (viết tắt là Đề án YTCS).

Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lập HSSKĐT cho người dân, góp phần khám và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Dù mới được triển khai từ tháng 2-2018, nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 85% người dân được quản lý sức khỏe thông qua mã số HSSKĐT. Mục tiêu mà ngành y tế địa phương đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, hơn 90% người dân của tỉnh có mã số HSSKĐT, liên thông dữ liệu giữa tất cả các cơ sở y tế từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh, đồng thời các bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Thực tế cho thấy hiện nay, trong 10 người có thẻ BHYT thì chỉ có khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở y tế cơ sở. Nhiều người dân chỉ đi khám bệnh khi bệnh trở nặng và không đi kiểm tra sức khỏe khi không có những dấu hiệu bất thường. Vì thế, khi phát hiện bệnh muộn sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí cho gia đình, xã hội và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó việc lập sổ quản lý sức khỏe, khám định kỳ cho người dân không chỉ đúng về mặt khoa học mà còn góp phần quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân từ tuyến y tế cơ sở, qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Thông tin bệnh nhân bảo mật

Lợi ích việc triển khai hồ sơ khám bệnh điện tử đem lại rất lớn, tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến lo ngại về tính bảo mật của bệnh án điện tử. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường khẳng định: “Việc quản lý hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, vấn đề thông tin của người bệnh được bảo mật theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một nội dung quan trọng, là yêu cầu kỹ thuật bắt buộc các phần mềm phải đáp ứng.

Cụ thể, theo quy định của luật khám, chữa bệnh, thông tin người bệnh được bảo vệ lưu trữ theo các cấp độ mật của Nhà nước. Khoản 4 Điều 59, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã quy định rõ những đối tượng được tiếp cận hồ sơ bệnh án và thông tin của người bệnh. Vì vậy, chúng tôi khẳng định, bệnh án điện tử cũng phải được bảo mật thông tin của người bệnh theo đúng các quy định trên”.

Thực tế tại Hà Tĩnh, mỗi cá nhân được cấp một mã định danh (ID) y tế duy nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân bảo đảm liên thông, đồng bộ, kết nối với các phần mềm khác từ các chương trình mục tiêu, các hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, hệ thống thông tin tiêm chủng, phần mềm khám, chữa bệnh.../.

Theo Báo ĐĐK