Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể của tổ chức Công đoàn

11/10/2018 04:28 PM


Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể của tổ chức Công đoàn tại tòa án là nhiệm vụ đòi hỏi cần sớm có giải pháp để đáp ứng yêu cầu thực tế đang đặt ra.

Nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của tổ chức Công đoàn

Phát biểu tại Hội thảo gặp mặt các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn với các thẩm phán Tòa Lao động và đại diện người sử dụng lao động về “Các cơ chế và biện pháp khắc phục, bồi thường vi phạm quyền lao động của doanh nghiệp” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Liên minh Châu Âu và Viện Friendrich Ebert tổ chức, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu thực tế, mặc dù được Quốc hội trao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng do một số vướng mắc như: hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; phải có ủy quyền của tập thể người lao động... nên vấn đề nợ BHXH vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

“Làm thế nào để nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của tổ chức Công đoàn, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể của tổ chức Công đoàn tại tòa án trong thời gian tới là nhiệm vụ cần thiết, rất cần sự đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm từ các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn với các thẩm phán Tòa Lao động và đại diện người sử dụng lao động”, ông Hiểu nói.

Số liệu thống kê trong 2 năm 2016-2017 cho thấy, nhu cầu được bảo vệ quyền lợi của người lao động ngày càng tăng cao.

Thông tin về công tác tư vấn pháp luật và khởi kiện của tổ chức Công đoàn trong hai năm 2016-2017, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Trần Thị Thanh Hà cho hay, số vụ tư vấn pháp luật, đặc biệt là số người được tư vấn pháp luật từ tổ chức Công đoàn tăng gấp 4 lần. Các hoạt động tư vấn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực lao động, công đoàn. Cụ thể, năm 2016, số vụ tư vấn trong lĩnh vực này là 33.272 vụ với 45.532 người, năm 2017 là 37.055 vụ với 168.488 người.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ bảo vệ người lao động tại tòa trong hai năm cũng tăng gấp rưỡi (từ 2.181 người năm 2016 lên 3.858 người năm 2017). Điều này cũng cho thấy nhu cầu được bảo vệ quyền lợi của người lao động ngày càng tăng cao.

Về vấn đề Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, theo bà Trần Thị Thanh Hà, tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến tòa không thụ lý hồ sơ của tổ chức Công đoàn, tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Công đoàn các cấp vẫn thu thập chứng cớ để tiến hành gửi hồ sơ ra tòa án.

2 năm qua, tổ chức Công đoàn đã tiến hành khởi kiện 230 doanh nghiệp nợ BHXH. Quá trình tiến hành thủ tục, số doanh nghiệp đã trả nợ hoàn toàn là 903 doanh nghiệp; số doanh nghiệp trả nợ một phần là 901 doanh nghiệp và tổng số tiền doanh nghiệp đã trả nợ là 1.016 tỷ đồng.         

100% các vụ án tòa đã thụ lý giải quyết là tranh chấp lao động cá nhân

Theo báo cáo, số lượng các vụ tranh chấp lao động mà tòa án các cấp đã thụ lý giải quyết trong năm 2016 và 2017 vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, 100% các vụ án tòa đã thụ lý giải quyết là tranh chấp lao động cá nhân. Tranh chấp đưa đến tòa tập trung chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm, kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Về loại việc tranh chấp, ngoài hai loại tranh chấp chủ yếu là chấm dứt hợp đồng lao động và sa thải, số vụ việc tranh chấp liên quan đến quyền lợi BHXH tăng đáng kể. Tranh chấp đòi bồi thường chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 674 vụ năm 2015 lên 871 vụ năm 2016 và 1.031 vụ năm 2017.

Báo cáo của tòa án nhân dân các tỉnh, các vụ án tranh chấp lao động cá nhân có tổ chức Công đoàn tham gia bảo vệ quyền lợi hoặc đại diện theo ủy quyền cho người lao động ngày càng tăng; trong đó đa phần yêu cầu khởi kiện của người lao động đều được tòa chấp nhận.

Thời gian qua, chất lượng giải quyết các vụ án lao động đã được nâng lên. Các thẩm phán giải quyết vụ án lao động nhận được sự quan tâm của Tòa án nhân dân tối cao thông qua công tác tập huấn nghiệp vụ, công tác trao đổi, rút kinh nghiệm hằng năm.

Qua xét xử các vụ án, người lao động và người sử dụng lao động đã nhận thức và được giải thích, trang bị thêm kiến thức về pháp luật lao động để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mỗi bên. Việc giải quyết, xét xử các tranh chấp lao động còn góp phần giữ vững tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại các địa phương, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo.

Tuy nhiên, dù pháp luật quy định Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp lao động tập thể nhưng theo ông Phạm Công Bảy, Vụ trưởng Vụ Giám đốc, kiểm tra III (Tòa án nhân dân tối cao) do chưa có văn bản hướng dẫn và tòa án cũng chưa thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp lao động tập thể nào nên nếu có tranh chấp và có yêu cầu tòa án giải quyết, việc thụ lý vụ án để giải quyết chắc chắn sẽ không dễ dàng. “Đó là câu chuyện của luật pháp chứ không phải do tòa án”, ông Bảy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) cho rằng, hệ thống pháp luật dù ngày càng hoàn thiện nhưng hiện còn chưa đồng bộ, cách hiểu pháp luật chưa thống nhất. Các vụ án tranh chấp lao động thường kéo dài, việc án hủy còn nhiều trong khi đó, nhiều thẩm phán chưa am hiểu sâu pháp luật lao động...

Ông Vũ Ngọc Hà kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần xây dựng mô hình thống nhất hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động thông qua công ty luật Công đoàn; tăng cường chế độ ưu đãi cho người làm công tác tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người lao động./.

Theo Báo ĐTĐCS