Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình
11/10/2018 04:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế (TYT) xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 TYT điểm các tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Việc triển khai TYT xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc là: liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng. Mô hình điểm TYT theo nguyên lý y học gia đình được thực hiện với các nội dung: Truyền thông giáo dục và nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số, kế hoạch hóa gia đình; đảm bảo tối thiểu theo gói dịch vụ y tế cơ bản; bảo đảm chi lương các hoạt động; kết nối thanh toán BHYT; quản lý TYT và báo cáo kịp thời…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, y tế cơ sở là tuyến đầu, là “người gác cổng” của hệ thống y tế. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến hiện tượng người dân vượt tuyến KCB một cách không cần thiết, tạo nên tình trạng quá tải tại các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh, thậm chí cả tuyến Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang có hệ thống y tế cơ sở rất tốt, trải đều đến tận thôn bản. Cụ thể, cả nước hiện có 11.793 TYT (kể cả TYT ngành); 91,8% thôn bản có nhân viên y tế với 49.544 giường bệnh và 42.169 nhà thuốc. Vì vậy, thời gian tới, cần phải tận dụng triệt để hệ thống y tế cơ sở này để chăm sóc một cách tốt nhất sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay hầu hết các TYT chưa tạo được niềm tin cho người dân; nhiều TYT chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa quan tâm đến công tác dự phòng; phần lớn TYT chưa quản lý tốt bệnh mạn tính; số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Hầu hết các TYT xã, phường chỉ thực hiện được 50-70% số dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến… Nguyên nhân chủ yếu là do nhân lực thiếu và yếu, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, nhiều cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến hệ thống y tế cơ sở… Trước thực trạng trên, thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và chọn 26 TYT (thuộc 8 tỉnh trên cả nước) để tiến hành thí điểm nâng cao chất lượng theo nguyên lý y học gia đình.
Tại 12 TYT thuộc 4 tỉnh phía Nam được chọn thí điểm (Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM, Long An), kết quả khảo sát cho thấy, các phòng công năng hầu hết phải cải tạo, nâng cấp; trang thiết bị thiếu, cũ nên cần phải bổ sung…
Quang cảnh Hội nghị.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 86,4% bệnh nhân tăng huyết áp, có hơn 71% bệnh nhân đái tháo đường chưa được điều trị. Đây là những bệnh không lây nhiễm, thời gian tới cần được quản lý, điều trị tại các TYT xã. Các TYT xã phải triển khai được dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, được BHYT thanh toán, trong đó ưu tiên cho quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường...
Phát biểu tại hội nghị, Ths. Trần Văn Tuyên, cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, bắt đầu từ đầu năm 2019, Bộ Y tế sẽ triển khai lắp đặt hệ thống y tế từ xa tại 26 TYT xã, phường điểm trong cả nước nhằm kết nối các TYT với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến tỉnh, sở y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương và Bộ Y tế.
Theo đó, chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng internet có sẵn, cán bộ y tế TYT xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên.
Bên cạnh đó, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể tham gia hội chẩn, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa các ca bệnh tại TYT, không cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương, bộ ngành cần chung tay vào cuộc để nâng cấp hệ thống TYT; chú trọng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cần khoán định suất cho TYT xã, phường; cùng với ngành Y tế chỉ đạo BV tỉnh, BV huyện chuyển thuốc thuộc danh mục theo Thông tư 39 cho TYT xã, phường; TYT xã, phường được phép mở quầy thuốc để bán thuốc…
Ngoài ra, đến hết năm 2018, sẽ hoàn thành mô hình 26 TYT xã, phường điểm. Các TYT chưa làm điểm, các tỉnh không có TYT điểm phải được triển khai, không chờ kết quả của các TYT làm điểm. Đặc biệt, mỗi tỉnh phải chọn 1 đến 2 huyện và một số TYT xã, phường để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng./.
PV (t/h)
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?