Bổ sung dự toán thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT năm 2018

31/08/2018 03:04 PM


Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1076/QĐ-TTg về việc giao bổ sung dự toán thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin (CNTT) năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đó, giao bổ sung 67 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp văn hóa thông tin của ngân sách trung ương năm 2018 cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu CNTT năm 2018. Trong đó, giao bổ sung dự toán 21,4 tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ; 45,6 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo, thực hiện giao dự toán bổ sung cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông sắp xếp trong dự toán chi quản lý hành chính được giao năm 2018 để bố trí kinh phí quản lý Chương trình mục tiêu CNTT.

Ngày 30/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các Khu công nghệ thông tin trọng điểm và các sản phẩm CNTT trọng điểm.

Chương trình phấn đấu đến năm 2020, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng; hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương để kết nối các hệ thống dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng; trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Đồng thời, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế. 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung và tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giám sát an toàn thông tin mạng, trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách...

PV