BHXH - Thành tựu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách ASXH

24/08/2018 06:37 PM


Để người dân hiểu hơn về các chính sách BHXH, những định hướng mới trong việc cải cách chính sách BHXH thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, chiều ngày 24/8, BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Kết quả thực hiện và những định hướng cải cách chính sách BHXH”.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng tặng hoa các khách mời tham gia Tọa đàm.

Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình; Ông Bùi Ngọc Chương - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế; Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Mục đích tọa đàm nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến ĐBQH, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri trong triển khai chính sách pháp luật BHXH; khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH. Đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc, góp phần tìm giải pháp thực hiện mục tiêu an sinh xã hội lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Thành tựu quan trọng

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng, BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động... trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Như vậy, BHXH đã bao trùm những yêu cầu căn bản nhất về an sinh xã hội cho người lao động, cho người dân, chính sách tiến bộ, là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, đảm bảo đời sống an sinh và đề phòng rủi ro cho mọi người. BHXH đã có chuyển biến mạnh mẽ cả cách thức, nguồn lực huy động, cách thức chi trả tương xứng, kịp thời và cả số lượng người tham gia.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh kết quả đạt được của ngành BHXH thời gian qua có 4 điểm quan trọng.

Thứ nhất, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc và chưa bao giờ đây là việc riêng của ngành BHXH. Trong 5 năm qua, riêng về tin, bài, phóng sự là khoảng 5.000 hằng năm, đồng nghĩa với việc toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc. Hội thảo hôm nay cũng thể hiện điều đó.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tại cuộc Tọa đàm.

Thứ hai, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức song công tác phát triển đối tượng BHXH bước đầu có kết quả. Hằng năm, số đối tượng tham gia BHXH mới tăng thêm trên 600.000 người, khoảng 6,2%. Cả nước hiện mới có hơn 13,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động. Dù còn khiêm tốn song trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thì đây là kết quả tích cực.

Thứ ba, công tác chi trả và chế độ về BHXH với khối lượng rất lớn. Hiện, BHYT thanh toán một năm khoảng 170 triệu lượt người, giải quyết chế độ hưu trí và trợ cấp hàng tháng 3,2 triệu đối tượng/năm, chế độ trợ cấp một lần (ốm đau, thai sản…) khoảng 8,5 triệu người/năm. Cơ bản ngành BHXH đã phục vụ đầy đủ, an toàn...

Thứ tư, năng lực tổ chức thực hiện chính sách BHXH đã từng bước chuyên nghiệp, hiệu quả. Hiện nay, ngành BHXH đã thực hiện giao dịch điện tử ở toàn bộ các khâu, trên 90% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử về BHXH. Ngành BHXH cũng thực hiện kết nối 13.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến dài. Số lượng thủ tục hành chính trước đây là 115 thủ tục hiện còn 28 thủ tục, số giờ thực hiện thủ tục từ 335 giờ hiện xuống còn 51 giờ theo cách tính của BHXH Việt Nam, còn theo Ngân hàng Thế giới (WB) là hơn 100 giờ, theo cách tính nào cũng là giảm trên 60% số giờ. Trong cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin thì năm vừa qua, ngành BHXH đứng thứ 2 trong số các bộ ngành ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại cuộc Tọa đàm.

Khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHXH trong đời sống chính trị - xã hội, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, qua giám sát cho thấy thành tựu của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong vấn đề thực hiện chính sách an sinh xã hội trong đó có BHXH. Theo đó, có 4 điểm nhấn quan trọng.

Đầu tiên, việc thực hiện chính sách BHXH đã bám sát Luật BHXH năm 2014 trên tinh thần của Hiến pháp và các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng về bao phủ hệ thống an sinh xã hội. Độ bao phủ BHXH hiện nay là điểm rất đáng lưu ý.

Thứ hai, trong những năm vừa qua, thành công nhất của BHXH chính là góp phần làm chuyển biến nhận thức trong xã hội. “Tôi rất biểu dương các cơ quan thông tấn báo chí đã cùng với BHXH Việt Nam làm cho người dân bắt đầu có nhận thức rất đúng đắn và rất đúng hướng về BHXH. Đấy là điều rất đặc biệt.” – ông Bùi Sĩ Lợi nói.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính của BHXH như: Giảm thủ tục, giảm số giờ giao dịch giữa các tổ chức, người lao động với BHXH Việt Nam… Thông qua quá trình cải cách như vậy đem đến sự hài lòng của người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với chính sách BHXH.

Thứ tư, những năm trước đây, các cấp ủy đảng chính quyền địa phương ở các cấp cơ sở tác động rất chậm đến chính sách BHXH. Nhưng 3 năm vừa qua, sau khi Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, chuẩn bị nội dung để cải cách BHXH thông qua tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 về cải cách chính sách BHXH, các cấp chính quyền, các cấp ủy đảng và người dân đã đồng lòng và nhìn nhận ra vấn đề này. Nghị quyết 28-NQ/TW ra đời đã minh chứng rõ ràng cho sự chuyển biến cả về nhận thức, về quan điểm tư tưởng với một quyết tâm chính trị rất cao.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại cuộc Tọa đàm.

Bước đột phá trong xây dựng chính sách

Ở góc độ là tổ chức đại diện cho người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ, về mặt chính sách, BHXH đã khẳng định, phát huy được vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Là sự thay thế, bảo đảm bù đắp phần thu nhập bị mất hoặc gặp rủi ro của người lao động. Thủ tục tham gia, giải quyết cũng như hưởng những chính sách BHXH cho người lao động ngày càng tốt hơn, rút gọn hơn do những năm qua có nhiều chính sách cải cách.

 Nhiều chính sách BHXH mới, khi xây dựng luật, qua giám sát kiểm tra đã thấy đi vào cuộc sống. Ví dụ như chính sách nam giới tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản khi có vợ sinh con đã đi vào cuộc sống, có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động. Hoặc chính sách trả sổ cho người lao động để họ giám sát, nắm bắt tình hình tham gia BHXH. Đó là những thành tựu đã được khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tại cuộc Tọa đàm.

Với một góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Là một người vừa tham gia BHXH, vừa là người luôn luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về BHXH, đồng thời tham gia giám sát nhiều chương trình của BHXH tôi thấy rằng thời gian qua thực hiện chủ trương của Đảng, BHXH Việt Nam đã tích cực chủ động phát huy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hiệu quả, đáp ứng hài lòng của người dân. Đặc biệt, từ năm 1995 trở lại đây, BHXH Việt Nam đã tạo bước đột phá rất quan trọng trong việc xây dựng chính sách, góp phần tích cực trong việc ổn định chính sách an sinh của đất nước.

Phải khẳng định, vai trò đóng góp của BHXH Việt Nam giúp ổn định đời sống của người lao động; giúp người lao động giảm rủi ro lúc ốm đau, tai nạn, mắc bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp; giúp người lao động sớm trở lại trạng thái bình thường, sớm có việc làm và nâng cao đời sống, thúc đẩy sản xuất. BHXH là “công cụ” đắc lực nhất để phân phối lại sản phẩm, chia sẻ cho người khó khăn, góp phần tích cực nhằm ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội”.

BHXH Việt Nam đã tạo đà trong việc định hướng cho phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế lãng phí ngân sách cấp cho đối tượng gặp khó khăn. Nếu không có BHXH thì đối tượng gặp khó khăn khi tuổi già, hoặc đối tượng khi hết thời gian lao động, thất nghiệp rất lớn. Nhờ có BHXH có định hướng làm cho người dân hiểu được vai trò, tích cực tham gia đóng BHXH.

Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế tại cuộc Tọa đàm.

Đồng tình với những đánh giá trước đó về công tác BHXH, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh thêm: Điều quan trọng nhất khi thực hiện chính sách này là phải bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho người lao động, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc quá trình lao động.

Thời gian qua, chính sách BHXH đã được thực hiện rất tốt. Việc trả lương hưu đầy đủ, kịp thời bằng tiền và ATM, tiến tới trả toàn bộ qua ATM vừa bảo đảm nhanh chóng vừa bảo đảm phương thức quản lý không dùng tiền mặt. Ông Đỗ Văn Sinh cũng đánh giá cao hệ thống BHXH đã cải cách thủ tục hành chính, 5 năm qua từ 263 bộ thủ tục còn 28 bộ thủ tục, giảm 90%. Đồng thời, theo ông, cần phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Theo đó, sẽ xoá bỏ những rắc rối, phiền nhiễu trước đây...

Các đại biểu tham gia Tọa đàm cũng cùng trao đổi về những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật BHXH; Những vấn đề đặt ra để phát triển BHXH hiệu quả, bền vững.

Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin cùng bạn đọc./.

 

ĐH