Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
17/08/2018 06:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 17/8, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (Chỉ số APCI 2018). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính chủ trì Hội nghị.
Báo cáo Chỉ số APCI 2018 cho thấy nhóm thủ tục thuế hiện đang có chi phí thực hiện thấp nhất, trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng có chi phí cao nhất, trung bình lên tới hơn 64 triệu đồng.
(Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc. Theo các chuyên gia, với Chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm 1 công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, Báo cáo được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có tình trạng đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Theo một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí.
Theo Bộ trưởng, Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tham khảo các báo cáo về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời khảo sát thực tế trên các vùng miền cả nước. Mục tiêu là minh bạch, rõ ràng, công tâm và đánh giá tương đối chính xác.
Bộ trưởng nhấn mạnh 3 vấn đề cải cách trọng tâm. Thứ nhất, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và các bộ ngành cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ vào nhóm đứng đầu trong ASEAN mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể: rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cho đến nay, về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Thứ hai, những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai phương thức Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp của nhà nước, tăng tính minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy cơ quan nhà nước. Thứ ba, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi thủ tục hành chính. Chỉ số bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam; và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.
Theo Bộ trưởng, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tăng trưởng vượt mục tiêu 6,7% nhưng phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng thực chất với động lực từ cải cách, Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp, nói đi đôi với làm, tăng trưởng từ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, không phụ thuộc vào tăng sản lượng dầu thô, thu hút đầu tư cũng không phải chủ yếu bằng ưu đãi…
Nói về kỳ vọng khi công bố cáo báo, Bộ trưởng cho biết đây là lần đầu tiên Báo cáo được công bố nên chưa thể hoàn toàn “tròn trịa” và những năm tới sẽ thực chất hơn, kỳ vọng đầu tiên là tạo ra một bộ chỉ số đánh giá để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chủ động xây dựng thể chế, điều hành đất nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
Các ý kiến đại diện doanh nghiệp tại buổi lễ công bố đều cho rằng, Báo cáo với những số liệu cụ thể về chi phí tuân thủ theo các lĩnh vực và địa phương sẽ là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ, tìm cách kéo giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?