Công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường

26/06/2018 02:25 PM


Ngày 22/6/2018, tại Hà Nội, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với WHO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; TS. Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan, cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tham dự và đưa tin về Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trương Đình Bắc cho biết, chế độ ăn uống không hợp lý, với các thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, ăn ít rau, trái cây, thiếu vận động thể lực là yếu tố làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay. TS. Bắc nhấn mạnh: “Đồ uống có đường có thể giúp ăn ngon miệng, tuy nhiên, sử dụng nhiều đồ uống có đường sẽ làm dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như  thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tim mạch, loãng xương...  ”. Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số măc thừa cân, béo phì đang tăng nhanh. Tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% (năm 2000) lên 5,3% (năm 2015).

WHO khuyến cáo, mức tiêu thụ đường tốt cho sức khỏe là khoảng 25gam/1 ngày (ước khoảng 6 muỗng cà phê). Do vậy, nếu một trẻ em sử dụng 01 lon hoặc chai đồ uống có đường cùng có thể đã vượt mức khuyến cáo (01 lon nước ngọt phổ biển hiện nay cũng có khoảng 36 gam đường tự do). Người dân cũng cần lưu ý, đường tự do (bao gồm cả đường đôi và đường đơn) không chỉ có trong thực phẩm chế biến sẵn, mà còn có trong sản phẩm tự nhiên như mật ong, xi rô, nước ép trái cây, trái cây chứa nhiều đường như nhãn, thốt nốt...

TS. Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

TS. Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, để hạn chế ảnh hường không tốt do sử dụng sản phẩm chứa nhiều đường, Việt Nam nên thực hiện các giải pháp như: tăng cường truyền thông trong cộng đồng; kiểm soát các quảng cáo sản phẩm có hại cho sức khỏe; xây dựng, kiểm soát các quy định về dán nhãn, công bố hàm lượng chất có trong sản phẩm để người dân được biết và lựa chọn sản phẩm có lợi cho sức khỏe; thu một mức thuế phù hợp để giảm mức độ tiêu thụ, bên cạnh đó, giúp tăng thu ngân sách để tái phục vụ cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm. TS. Jun Nakagawa nhấn mạnh: “Bằng chứng cho thấy thuế đánh vào đồ uống có đường làm tăng giá đồ uống lên 20% sẽ đem lại kết quả giảm mức độ tiêu thụ cũng khoảng 20%”.

Theo T5g