Kinh tế 2018 khởi đầu ấn tượng, kỳ vọng tăng trưởng cao

07/02/2018 04:08 PM


Đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 1 tích cực, có nhiều chỉ tiêu tốt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với đà này, có thể nhận định rằng kinh tế Việt Nam năm nay, nếu phấn đấu quyết liệt, giải quyết đồng bộ các biện pháp thì chúng ta đạt được cận trên ở mức cao, 6,7%.

Trong tháng 1, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra cuối tuần qua, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, nhìn chung, trong tháng 1, các bộ ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ theo đúng tinh thần vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Nhờ đó và tiếp đà thành công của năm 2017, tình hình KT-XH nước ta tháng 1/2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, có thể nói rằng chúng ta đã mở đầu một năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017; ấn tượng mạnh mẽ hơn về việc một số chỉ tiêu đạt tốc độ tăng cao.

Trong tháng 1/2018, Chỉ số quản trị nhà mua hàng tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Trong khi bình quân của ASEAN chỉ 50,2 điểm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 0,7%, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng Một như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành và tăng với mức cao nhất 23,8% (cùng kỳ 2017 tăng 4,7%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn cũng bật tăng mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15% (cùng kỳ tăng 3,8%); Hà Nội tăng 14,7% (cùng kỳ tăng 4,3%); Bắc Ninh tăng 47,2% (cùng kỳ giảm 6,1%); Thái Nguyên tăng 15,8% (cùng kỳ tăng 13,6%); Hải Phòng tăng 31,3% (cùng kỳ tăng 12%); Quảng Ninh tăng 29% (cùng kỳ giảm 3,6%); Quảng Nam tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 1,4%)…

Sản xuất nông nghiệp nhìn chung ổn định, diện tích rừng trồng tập trung tăng 3,5% (cùng kỳ giảm 1,3%), sản lượng thủy sản tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 0,8%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì tăng 8,38% (cùng kỳ tăng 6,7%). Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt (cùng kỳ trên 1 triệu), tăng 42% (cùng kỳ tăng 23,6%).

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15,4 nghìn doanh nghiệp (cùng kỳ có 14,6 nghìn DN). Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng 13,9%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%.

Đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6% xấp xỉ mức tăng 33,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Kết luận phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 1 tích cực, có nhiều chỉ tiêu tốt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với đà này, có thể nhận định rằng kinh tế Việt Nam năm nay, nếu phấn đấu quyết liệt, giải quyết đồng bộ các biện pháp thì chúng ta đạt được cận trên ở mức cao, 6,7%.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, lơ là mà phải có nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt do tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi phức tạp.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú ý theo dõi tình hình, đề xuất, phản ứng chính sách nhanh hơn, tốt hơn trước biến đổi của thế giới, bao gồm việc tạo dựng thị trường, những biện pháp phòng vệ thương mại, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…

“Như lần trước tôi đã nêu, phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường. Chúng ta có cơ hội phát triển tốt nhưng khả năng hiện thực đến đâu chính là phụ thuộc vào sự đổi mới sáng tạo, quyết tâm vượt lên chính mình của tất cả chúng ta”, Thủ tướng nói. Chúng ta làm kiểu cũ, cứ bình bình, nước chảy bèo trôi thì khó có thể vươn lên.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách, tiếp tục rà soát, phát hiện cơ chế chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển để tập trung sửa sớm. Phải tạo môi trường mới trong đầu tư kinh doanh, có đột phá về động lực phát triển.

Năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, phấn đấu ngay từ quý I rà soát để giảm lãi suất cho vay; giảm các loại phí trong đó có cước phí vận tải, phí logistics.

Từ kinh nghiệm 2017, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực trong cả nước theo quý, có kế hoạch, giải pháp, phân công thực hiện cụ thể, báo cáo Thủ tướng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất (16/2/2018).

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từng ngành, lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2018, "từ định hướng đến số lượng cụ thể", chứ không chỉ nói tương đối mà không có số tuyệt đối, để Thủ tướng có thể biết được tình trạng sản xuất kinh doanh, thu chi tài chính, ngân sách nhà nước cụ thể ra sao.

Theo VGP