Những kỷ niệm sinh nhật sâu sắc trong cuộc đời Bác Hồ
18/05/2023 11:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Kể từ ngày 18/5/1946 khi các báo ở Thủ đô Hà Nội lần đầu thông tin với đồng bào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày 19/5/1890, cứ vào dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Người những tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhưng Bác luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các địa phương, cơ quan không nên tổ chức linh đình... Ôn lại kỷ niệm về những ngày sinh của Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời phẩm chất cao đẹp của một con người vĩ đại!
Bác luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các em thiếu nhi. Ảnh tư liệu
Ngày sinh nhật Bác quang vinh
Là ngày sinh nhật hồn xanh muôn người
Kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên: 19/5/1946
Ngày 19/5, nhân dân Thủ đô Hà Nội vô cùng hạnh phúc được thay mặt đồng bào cả nước đến chúc mừng sinh nhật Bác.
Ngay từ sáng sớm, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ đã tới chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cháu nhi đồng Tháng Tám, mũ ca-lô đội lệch, súng gỗ vác trên vai, kéo sang Bắc Bộ phủ. Bác Hồ cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp vẫy tay chào các cháu. Bác đề nghị mở cửa Bắc Bộ phủ cho các cháu vào.
Trong các em thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật Bác hôm ấy, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.
Quà của Bác Hồ cho các cháu bé là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!".
Các em thiếu nhi vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán ra thì một đoàn hơn 50 anh, chị là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc mừng sinh nhật Bác.
Trong phái đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng, người đại diện cho truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam. Chị kể lại trong hồi ký rằng, Bác đã xúc động nói: "Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay nước ta đang có nhiều khó khăn". Câu tiếp theo, giọng Bác càng xúc động hơn: "Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ"[1].
Cũng trong buổi sáng ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người, trong đó có đại diện của Tổng hội Công chức và Hội đồng Kiến thiết quốc gia; Ban vận động Trung ương Đời sống mới. Lực lượng Thanh niên Thủ đô thì tổ chức tuần hành mừng sinh nhật Bác Hồ.
Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, Bác nói: "… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi"[2].
Kỷ niệm sinh nhật Bác ở chiến khu Việt Bắc
Ở chiến khu Việt Bắc, công việc kháng chiến bề bộn nhưng Bác luôn tạo nên một không khí bình thản, tự tại, một cuộc sống đầm ấm mang nặng tình đồng chí, nghĩa đồng bào để vượt qua thử thách, gian nan, thiếu thốn.
Sinh nhật năm 1948 là kỷ niệm sinh nhật không bao giờ quên đối với Bác. Trước đó vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người phục vụ nấu ăn cho Bác cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng - vừa mới qua đời do sốt rét ác tính. Vì vậy mà kỷ niệm sinh nhật Bác diễn ra lặng lẽ.
Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác. Khi nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng, Bác xúc động rơm rớm nước mắt: "Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc". Thế là lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.
Ngày 19/5/1949, anh em cơ quan định tổ chức một bữa ăn "tươi" mừng sinh nhật Bác. Lúc này bác cháu đang ở tại một bản đồng bào Mán, thuộc tỉnh Thái Nguyên, giáp Bắc Kạn. Anh em chưa kịp nói gì thì Bác đã chủ động thân mật bảo: "Bác cảm ơn các chú, thôi để về Thủ đô tha hồ mà chúc". Rồi Bác phân công anh em, người sang bên "vô tuyến điện" để lấy tin tức, người làm nốt một số công việc ở cơ quan, người thì đi làm thêm dây câu cá để cải thiện... Bác vừa thân tình không để cho anh em chúc thọ, vừa thiết thực giao việc cho anh em làm. "Về Thủ đô tha hồ mà chúc!", câu nói giản dị, thân tình của Bác sao mà đúng tâm tình của anh em đến thế, nên đã càng thúc đẩy mọi người hăng say mọi mặt công tác để kháng chiến mau chóng thắng lợi còn về Thủ đô chúc thọ Bác Hồ!
Các chiến sĩ Điện Biên mừng sinh nhật Bác (19/5/1954). Ảnh tư liệu
Kỷ niệm sinh nhật giải phóng
Sau 9 năm gian lao kháng chiến, quân và dân ta giành được những thắng lợi to lớn, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đầu tháng 5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra đúng dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu, là món quà vô giá và đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người.
Có lẽ đây là kỷ niệm sinh nhật vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Bác Hồ. Hoà cùng với niềm vui chung của quân và dân ta, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, bức thư được đăng trên báo Nhân dân, số 184.
Trong thư, Người nhắc nhở không được chủ quan, khinh địch; phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để giành thắng lợi lớn hơn nữa. Người và Chính phủ dự định tặng thưởng cho các chiến sĩ và cán bộ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Số báo trên còn đăng bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ký bút danh C.B. Bài thơ ca ngợi tinh thần dũng cảm, gan dạ vượt nhiều gian khổ, khó khăn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng nhân dịp sinh nhật, Bác đã chiêu đãi những chiến sĩ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 19/5/1954, đoàn chiến sĩ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về mừng sinh nhật Bác. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người.
Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sĩ và động viên: Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn. Bác căn dặn các chiến sĩ: Phải tranh thủ học tập thật nhiều nâng cao trình độ văn hoá. Có học mới phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng [3]. Bác tự tay gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng De Castries. Gắn huy hiệu xong, Người đề nghị để đạo diễn Liên Xô Roman Karmen cùng chụp ảnh với các chiến sĩ. Người nói vui: "Phải cười tươi lên đấy! Ai cười to, Bác cưới cho vợ đẹp". Buổi tối, Người mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập công trong chiến thắng Điện Biên Phủ và các bạn Liên Xô [4].
Theo đồng chí Vũ Kỳ-Thư ký riêng của Bác: "Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc" - Ảnh tư liệu
Kỷ niệm sinh nhật, Bác viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật"
Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 là dịp hết sức đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như Người dự liệu trước được quy luật khắc nghiệt mà cuộc đời bất kỳ con người nào cũng phải trải qua nên Người bắt đầu viết "Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Sáng ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, vào lúc 9h sáng - giờ đẹp nhất của một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật".
Với đức khiêm tốn cao cả, Bác không gọi là "Di chúc", "Chúc thư" hay "Di huấn"... mà Bác gọi rất giản dị là "Tài liệu", là "Thư", là "Mấy lời… tóm tắt vài việc". Bác cũng không muốn cho nhiều người biết việc làm của một người sắp "đi xa", ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi trong hoàn cảnh cả nước đang đánh Mỹ, nên mở đầu bài viết, Bác ghi rõ "Nhân dịp 75 tuổi" và phía bên lề trái, Bác ghi chú thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật", có nghĩa tài liệu này sẽ chỉ được công bố khi Người "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác".
Những ngày tiếp theo của tháng 5/1965 hay những ngày trung tuần tháng 5 của những năm sau cũng vậy, Bác viết, sửa chữa, bổ sung tài liệu "Tuyệt đối bí mật" ở phòng làm việc Nhà sàn.
Theo đồng chí Vũ Kỳ-thư ký riêng của Bác: "Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc"[5]. Tại ngôi nhà sàn lộng gió thời đại, Bác ung dung, thư thái viết ra những điều Bác đã suy nghĩ, đúc kết những tư tưởng lớn lao, những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và dựng xây lại cho đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Di chúc của Bác do đó là tài sản tinh thần vô giá Bác trao cho thế hệ chúng ta hôm nay cũng như các thế hệ mai sau.
Kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ
Sang năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi "công tác xa" như những năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên trong 4 năm (1965-1969) Bác viết và sửa Di chúc muộn hơn, từ 9h30 đến 10h30 ngày 10/5/1969 (do Bác đi dự Hội nghị Trung ương ở nhà khách Hồ Tây về đến nhà sàn đã hơn 9h sáng).
Ngày hôm đó Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản Tin tham khảo đặc biệt (Việt Nam Thông tấn xã phát hành) số ra thứ 7 ngày 3/5/1969.
Bản viết này Bác viết bằng bút mực Cửu Long xanh đen, còn những chữ sửa lại, viết thêm thì Bác dùng bút mực đỏ, những chỗ gạch chân, chữ số, Bác dùng bút bi đỏ. Ngày 12/5, do buổi sáng Bác đi dự họp Bộ Chính trị nên Bác chuyển giờ viết Di chúc vào buổi chiều, từ 15h đến 16h. Những ngày này Bác chủ yếu sửa chữa đoạn mở đầu và viết thêm Di chúc năm 1968.
Chiều ngày 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Cả hội trường vang dậy những tràng vỗ tay vui mừng phấn khởi được đón Bác. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt các cán bộ và chiến sĩ toàn quân mang hoa đến chúc thọ Bác. Đồng chí xúc động bày tỏ: "Thưa Bác! Nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ chiến sĩ toàn quân, kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu. Toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác". Đồng chí Vương Thừa Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại đồng chí [6].
Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được kính dâng lên Bác nhân dịp sinh nhật. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, thay mặt các cán bộ văn phòng và những người giúp việc đứng dậy xúc động nói: "Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi".
Chiều cùng ngày, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản, đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc mừng sinh nhật Bác. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn "nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà".
Ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Bác cố gắng và kiên trì tập ném bóng vào chiếc giỏ đựng giấy để cách xa khoảng vài mét ở dưới nhà sàn. Bác bình tĩnh chuẩn bị ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn kiên nhẫn muốn có thêm thời gian, thêm sức khoẻ để ở lại với đồng bào, đồng chí, vì sự nghiệp cách mạng chưa trọn vẹn, miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất.
9h sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Bác thay đổi ba chữ trên trang đầu: Bác thêm chữ "rất" thay chữ "như thường" trong câu "Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường" để thành "Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt"; Bác thay chữ "tuổi" bằng chữ "xuân" trong câu "Khi người ta đã ngoài 70 tuổi" và Bác dùng từ "sẽ" thay chữ "phải" trong câu "phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác"[7].
10h30 Bác tiếp và mời cơm chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Người. Và bữa cơm trưa ngày 19/5 ấy, ngày 19/5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, đã diễn ra thật ấm cúng, thân tình: Bác ngồi ở đầu bàn, chị Quyên ngồi bên trái Bác, chị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế là gần đủ 3 thế hệ, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hôm ấy, Bác ăn ngon miệng, Bác vừa ăn, vừa nói chuyện rất vui.
14h, các bác sĩ đến kiểm tra sức khoẻ cho Bác. 14h30, Người lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu bò.
Đây là bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho thiếu nhi Việt Nam, trong thư có đoạn viết: "Các cháu tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của hợp tác xã". Trong ngày, Bác gửi tặng cán bộ nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Người. Phía dưới tấm ảnh Người viết: "Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân". Người cũng gửi tặng ảnh chân dung cho cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng và Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người[8].
Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Bác và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng.
Vũ Thị Kim Yến
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
[1] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, hồi ký, Nxb CTQG, H.2005, tập 2, tr.316
[2] Theo Bác đi kháng chiến, Nxb Thanh niên, H.1980, Tr.90-91
[3] Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu, Nxb Thanh Niên, tr.66
[4] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2016, t.5, tr.367
[5] Tưởng nhớ Bác Hồ viết Di chúc lịch sử. Tạp chí Văn hoá -Nghệ thuật. Số 8-1999. Tr 12.
[6] Bác Hồ viết di chúc, Nxb CTQG, H.1999, tr87,90,109
[7] Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H.2005, tr.235
[8] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2016, t.10, tr.300
Theo VGP
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?