Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT ngày 14/12/2017 [Kết thúc]

14/12/2017 08:29 AM


Nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên cả nước một cách đầy đủ và kịp thời về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Khách mời tham gia Chương trình giao lưu là đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...

Chương trình giao lưu đã kết thúc với 122 câu hỏi của bạn đọc được trả lời trên tổng số gần 140 câu hỏi gửi về Ban Tổ chức chương trình. Các câu hỏi còn lại Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam sẽ tổng hợp, phân loại và gửi các đơn vị nghiệp vụ trả lời và đăng tải trên chuyên mục Hỏi đáp của Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Dưới đây là nội dung Chương trình giao lưu. Nội dung được sắp xếp theo thứ tự mới ở trên để quý bạn đọc tiện theo dõi. (Vui lòng nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất):

Câu 122: Bạn đọc từ mail xuanhoadn84@gmail.com hỏi:

Cho hỏi chức danh công việc có ảnh hưởng gì đến việc hưởng chế độ bảo hiểm và độc hại sau này hay không? (ví dụ trước kia em làm chức danh trãi vãi trong ngành may mặc và sau thời gian được chuyển lên thợ cắt may công nghiệp, nhưng trong sổ BHXH vẫn còn ghi chúc danh trãi vãi cho đến nay). Vậy cho hỏi như vậy có ảnh hưởng gì sau nay không? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 96 Luật BHXH năm 2014, sổ BHXH là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH. Do vậy, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào chức danh, công việc ghi trên sổ BHXH để xem xét tính hưởng chế độ BHXH đối với bạn.

Nếu chức danh nghề công việc ghi trên sổ BHXH của bạn chưa đúng, đề nghị bạn cung cấp hồ sơ để cơ quan BHXH xem xét, điều chỉnh lại thông tin trên sổ BHXH. Nếu bạn có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành, được ghi nhận trên sổ BHXH thì bạn sẽ được hưởng quyền lợi theo quy định.

Câu 121: Bạn đọc từ mail tuandmcn@hotmail.com hỏi:

Tôi là nữ có thời gian tham gia BHXH như sau:

Từ năm 2012 -> 2015 tôi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Công ty đóng BHXH cho tôi).

Từ năm 2016 -> 2017 tôi nghỉ việc tại công ty cũ và không tham gia đóng BHXH.

Từ năm 2018 tôi muốn tham gia đóng BHXH tự nguyện (tôi làm tự do) có được không? Trong trường hợp được đóng thì khi đến tuổi nghỉ hưu, việc tính lương hưu cho thời gian tham gia bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc có phân biệt gì không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ thì trường hợp của bạn được tham gia BHXH tự nguyện.

- Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng BHXH một lần.

- Điều kiện hưởng lương hưu: Người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

+ Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH năm 2014.

- Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

- Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính theo công thức sau:

Câu 120: Bạn đọc từ mail hoangsen3@hotmail.com hỏi:

Công ty em có thắc mắc về thời gian được hưởng bảo hiểm thai sản của nhân viên, mong anh (chị) tư vấn giúp ạ! Nhân viên bên em đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 01/2017, hiện đang có thai và dự sinh vào thời gian cuối tháng 01/2018. Công ty em đã báo giảm nhân viên đó từ tháng 11/2017 (nhưng chốt sổ từ tháng 10/2017) để chuyển qua chi nhánh khác. Vậy theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội nhân viên đó có thể hưởng bảo hiểm thai sản không ạ?

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh. Trường hợp của bạn dự sinh vào cuối tháng 01/2018, thời gian 12 tháng trước khi sinh được tính từ tháng bạn sinh con trở về trước. Trong khoảng thời gian này bạn đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Câu 119: Bạn đọc từ mail minhnhat31390@gmail.com hỏi

Tôi có câu hỏi cần sự hỗ trợ từ phía quý cơ quan. Mong sớm nhận được hồi âm.

Tháng 9.2017 có ngày nghỉ lễ 02.9.2017 rơi vào ngày thứ 7 nên các cơ quan nhà nước nghỉ bù vào ngày thứ 2 tức 04.9.2017.

Đơn vị tôi là doanh nghiệp tư nhân. Áp dụng chế độ tuần làm việc 6 ngày chỉ nghỉ ngày chủ nhật.

Ngày 02.9.2017 là ngày nghỉ lễ nên công ty cho người lao động nghỉ ngày này. Đến ngày 04.9.2017 thì quay trở lại làm việc bình thường (Không nghỉ 04.9.2017)

Khi đơn vị làm danh sách đề nghị giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động thì cơ quan bảo hiểm có thông báo theo quy định ngày 04.9.2017 là ngày nghỉ bù ngày lễ nên không giải quyết chế độ ốm đau đối với ngày này.

Xin hỏi cơ quan BHXH giải quyết như thế có đúng hay không?

Trân trọng cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong 1 năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Đơn vị bạn là DNTN, áp dụng chế độ tuần làm việc 6 ngày chỉ nghỉ ngày Chủ nhật. Ngày 2/9 (thứ 7) là ngày nghỉ lễ, đơn vị đã cho người lao động nghỉ do vậy ngày 04/9/2017 là ngày làm việc bình thường.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 110 Bộ Luật Lao động năm 2012 ngày nghỉ hàng tuần được ghi trong nội quy lao động. Do vậy, nếu đơn vị bạn đã có thỏa ước lao động ngày nghỉ hàng tuần là ngày chủ nhật và đã đăng ký thời gian việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động thì NLĐ đơn vị bạn bị ốm đau trong thời gian làm việc được hưởng chế độ ốm đau.

Câu 118: Bạn đọc từ mail ngnhuy21@gmail.com hỏi:

Tôi có một số câu hỏi về thẻ bảo hiểm y tế như sau:

1. Mua bảo hiểm y tế ở khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú được không.

2. Trường hợp trong gia đình tôi một số người đã có bảo hiểm y tế, vậy tôi muốn mua mà nhân viên yêu cầu tất cả mua theo hộ gia đình thì tôi phải làm như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định người tham gia BHYT theo hộ gia đình bao gồm:

- Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và người đã khai báo tạm vắng;

- Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Do vậy, bạn có thể tham gia BHYT ở nơi thường trú, tạm trú.

2. Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC nêu trên thì người tham gia BHYT hộ gia đình không bao gồm người đã tham gia BHYT tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư liên tịch này.

Theo Công văn số 1018/TTg-KGVX ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT thì bạn nên tham gia BHYT cho 100% thành viên hộ gia đình trong năm tài chính để được giảm mức đóng theo quy định.

Câu 117: Bạn đọc từ mail nguyenanhk99@gmail.com hỏi:

Tôi là Giáo viên, là người dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc tại vùng kinh tế khó khăn. Vậy thẻ bảo hiểm y tế của tôi có được chuyển đổi mã quyền lợi từ mã 4 sang mã 2 hay không? Tôi xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm 2 Khoản 15 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2014 quy định “Trường hợp 1 người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Trường hợp của bạn hiện đang là giáo viên, nếu đồng thời có tên trong danh sách tham gia BHYT thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (hoặc có hồ sơ chứng minh theo quy định tại Phụ lục số 03 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) thì bạn được đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT theo quyền lợi của đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có ký hiệu là số 2 (được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT).

Câu 116: Bạn đọc từ mail misschuhanh@gmail.com hỏi:

Con tôi sinh ngày 24/7/2017, sau khi sinh tôi đi làm giấy khai sinh và nộp bản sao cho cán bộ xã Uy Nỗ để làm BHYT cho con tôi vào ngày 2/8/2017. Tuy nhiên sau rất nhiều lần đến hỏi lấy thẻ cho con tôi thì chỉ nhận được câu trả lời là hẹn chị ngày hôm khác đến. Sau 2 tháng vẫn chưa thấy có thẻ tôi đi gặp trực tiếp người phụ trách làm thẻ ở xã thì chị này yêu cầu tôi điền vào tờ khai thông tin trong đó có thông tin của cả gia đình tôi. Sau khi khai xong lại hẹn tôi 20 ngày sau đến lấy thẻ. Vậy mà 1 tháng sau tôi đến thẻ vẫn chưa có lại còn yêu cầu tôi khai lại một lần nữa. Như vậy là sau 3 tháng con tôi vẫn chưa có thẻ, mỗi lần đi viện đều phải lấy giấy khai sinh bản sao đi. Vậy tiền làm giấy khai sinh bản sao để nộp như vậy thì ai chi trả cho tôi? Tôi cũng không hiểu lý do là gì mà bên bảo hiểm lại yêu cầu tôi làm lại nhiều đến vậy, tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ lời giải thích hoặc thông báo nào. Hơn nữa mỗi lần yêu cầu khai như vậy thì tôi lại phải nộp lại bản sao giấy khai sinh của con. Vậy bảo hiểm xã hội có phải là làm mất hồ sơ của con tôi không, những giấy tờ mà tôi nộp trước đấy đâu? Thông tin khai thì chỉ có vậy mà sao tôi phải khai nhiều lần thế? Đề nghị cơ quan bảo hiểm giải thích rõ ràng cho tôi, tiến hành giải quyết nhanh chóng tránh làm mất thời gian của người dân như tôi?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khi bạn đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con bạn thì UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách cho cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT thời hạn trong 10 ngày làm việc nếu đầy đủ hồ sơ theo quy định. Nếu phải hoàn thiện hồ sơ thì thời hạn giải quyết kéo dài thêm không quá 2 ngày làm việc.

Về thành phần hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi: Cơ quan BHXH không yêu cầu bản sao giấy khai sinh, chỉ có Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

Theo phản ánh của bạn thì bạn làm thủ tục khai sinh tại UBND xã Uy Nỗ. Do vậy, cần kiểm tra UBND xã lập danh sách và chuyển đến cơ quan BHXH cấp thẻ chưa để làm rõ trách nhiệm của BHXH huyện.

Câu 115: Bạn đọc từ mail ducluantuls@gmail.com hỏi:

Điểm a, Khoản 1, Điều 7, Thông tư Số: 95/2016/TT-BQP, ngày 28 tháng 06 năm 2016 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sỹ quan, binh sỹ phục vụ tại ngũ, xuấy ngũ và thân nhân của hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ.

a) Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

Tôi xin hỏi:

1- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ vào thời điểm nào thì được được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH?

2- Nếu xuất ngũ vào thời điểm từ tháng 12/1995 trở về trước có được tính không?

Trân trọng cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ: Hạ sỹ quan, binh sỹ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ từ ngày 01/01/2016 hoặc nhập ngũ trước ngày 01/01/2016 được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi xuất ngũ thì thời gian phục vụ tại ngũ được tính là thời gian đóng BHXH để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.

- Trường hợp xuất ngũ từ tháng 12/1995 trở về trước không thuộc đối tượng thực hiện theo Nghị định số 27/2016/NĐ-CP và Thông tư số 95/2016/TT-BQP, ngày 28/06/2016 của Bộ Quốc phòng.

Câu 114: Bạn đọc từ mail tuongvy160913@gmail.com hỏi:

Tôi làm giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Tôi tham gia đóng BHXH từ năm 2015 với mức đóng: 2.889.000 (mức tối thiểu vùng). Tháng 2/2017 tôi mổ đẻ một em bé. Đến nay (tháng 9/2017) tôi chưa được hưởng tiền nghỉ đẻ. Vậy tôi muốn hỏi tôi được hưởng những khoản trợ cấp nào (VD: trợ cấp mất sức sau sinh, trợ cấp tã lót...) cụ thể là bao nhiêu? Do Trường thiếu nhân viên nên tôi phải đi làm từ khi con tôi được 2 tháng tuổi. Vậy nhà trường có phải trả lương tôi không và nếu phải trả thì là bao nhiêu?

BHXH Việt Nam trả lời:

1- Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là: Lao động nữ khi sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh. Nếu bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì bạn được hưởng chế độ thai sản.

 - Các khoản trợ cấp bạn được nhận khi sinh con như sau:

+ Chế độ thai sản: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

+ Trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

+ Dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi sinh: Mức hưởng 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

2- Khoản 2, 3 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định:

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định nộp cho cơ quan BHXH.

- Trong thời hạn 10 ngày kề từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ.

Trường hợp của bạn sinh con từ tháng 2/2017 đến tháng 9/2017, nếu bạn đã nộp đủ hồ sơ theo quy định cho đơn vị sử dụng lao động, mà chưa nhận được tiền trợ cấp thai sản, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH để được giải quyết.

3- Điều 40 Luật BHXH năm 2014 quy định, lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có đủ các điều kiện sau:

- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng.

- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Ngoài tiền lương của những ngày làm việc lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.

Điểm c Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định: Kể từ thời điểm đi làm đến khi hết thời hạn nghỉ sinh con, NLĐ và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT.

Câu 113: Bạn đọc từ mail trungthong.cr@gmail.com hỏi:

Anh/chị có thể cho tôi biết thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo quyết định 595 mới được không?!Cả thay đổi và không thay đổi thông tin!

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Hiện nay theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 đối với trường hợp không thay đổi thông tin trên thẻ BHYT khi gia hạn sử dụng thẻ đã cấp theo mã số BHXH (cấp nối tiếp giá trị sử dụng) thì cơ quan BHXH thực hiện gia hạn sử dụng thẻ trên phần mềm và thông báo cho đơn vị, người tham gia tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã cấp bằng danh sách D10a-TS kể từ ngày gia hạn sử dụng (không in thẻ mới). Trường hợp có thay đổi thông tin trên thẻ BHYT thì người tham gia sẽ nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH gửi cơ quan BHXH để được đổi thẻ BHYT mới.

Câu 112: Bạn đọc từ mail chung2604.hrm@gmail.com hỏi:

Công ty tôi có thông báo về việc đóng bảo hiểm trên toàn bộ lương, tuy nhiên tổng lương của tôi hiện tại có 2 phần như sau: 1 là lương cứng hưởng nguyên hàng tháng 2 là lương kinh doanh theo doanh số (biến động) Vậy thì mức bảo hiểm tôi phải đóng trên lương nào hay cuối tháng mới xác định Xin được giải đáp!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Khoản 1,Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/ 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao độngghi trong HĐLĐ, cụ thể:

- Mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

- Phụ cấp lương các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Đề nghị Ông/Bà căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.

Câu 111: Bạn đọc từ mail duongtrungviet91@gmail.com hỏi:

Tôi có 2 thẻ bảo hiểm y tế, 1 thẻ là thẻ người khuyết tật, được hưởng 100% chi phí và được cấp từ đầu năm 2016 và vừa bị cắt đầu tháng 12. Thẻ còn lại là thẻ HC được cấp khi tôi mới đi làm cũng khoảng đầu năm 2016 đến 30/12/2017. Nay tôi muốn hỏi, trong thời gian qua tôi có đi khám vài lần bằng thẻ người khuyết tật khi thẻ người khuyết tật chưa cắt, nay thẻ đã bị cắt thì tôi có bị truy thu các chi phí đã khám chữa bệnh không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp Ông sử dụng cả 2 thẻ BHYT để đi KCB đối với cùng một bệnh thì phải hoàn trả phần chi phí đã được quỹ BHYT thanh toán do trùng chi phí.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT đối với trường hợp1 người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì tham gia theo nhóm đối tượng được xác định đầu tiên và mức hưởng theo nhóm đối tượng có quyền lợi hưởng cao nhất. Đề nghị Ông đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn thay đổi mức hưởng trên thẻ BHYT.

Câu 110: Bạn đọc từ mail hoaquanghoa@gmail.com hỏi:

Cho tôi hỏi trước đây tôi có tham gia đóng bảo hiểm tại công ty cũ từ tháng 8/2011- 5/2012. Sau đó tôi nghỉ việc đến tháng 6/2013 tôi đi làm tại công ty mới. Và do lúc đó tôi chưa đi lấy sổ bảo hiểm ở công ty cũ đưa cho công ty mới nên công ty đã làm cho tôi một sổ mới và tôi tham gia sổ mới từ tháng 8/2013-3/2016. Vừa rồi tôi có ra công ty lấy sổ về thanh toán bảo hiểm một lần. Thì bên bảo hiểm trả lại hồ sơ vì họ tra trên hệ thống thấy tôi có hai sổ. Bảo tôi đi lấy sổ ở công ty cũ về và làm thủ tục gộp sổ mới thanh toán cho tôi. Sau đó tôi có ra công ty cũ đầu tiên đóng BHXH xin sổ BHXH để về gộp sổ. Thì người phụ trách bảo hiểm của công ty nói là do hồi đó chứng minh thư của tôi chỉ có năm sinh mà không có ngày tháng. Nên tôi chưa được cấp sổ mà chỉ cấp tạm cho tôi một mã số để tôi đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi tôi trình bày lí do muốn xin sổ về để gộp sổ thanh toán bảo hiểm một lần. Thì họ hưỡng dẫn tôi làm đơn xin được nối tiếp từ số BHXH mà công ty cấp tạm thời nhưng không được cấp sổ sang sổ BHXH ở công ty mới vì lý do tôi chưa được cấp sổ bảo hiểm ở công ty cũ. Mà chỉ có mã số tạm thời. Vậy tôi làm như vậy có hợp lý và đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm một lần không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của bạn, để được giải quyết chế độ BHXH một lần bạn phải liên hệ và đề nghị công ty cũ cấp sổ BHXH và ghi xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN tại đơn vị cũ đến thời điểm nghỉ việc. Sau đó bạn lập hồ sơ và gửi cơ quan BHXH để gộp sổ BHXH. Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Sổ BHXH tại đơn vị cũ và sổ BHXH tại đơn vị mới.

Câu 109: Bạn đọc từ mail thangcanglong@yahoo.com.vn hỏi:

Đơn vị chúng tôi là công ty mới thành lập và thuộc đối tượng tham gia BHXH huyện Đức Hoà.

Vào kỳ báo tăng lao động tháng 8/2017, công ty chúng có làm thủ tục tham gia và báo tăng lao động nộp cho BHXH Đức Hoà.

Do sơ suất nên định dạng (ngày tháng) của máy vi tính không đồng bộ (1 bên định dạng ngày/tháng/năm) và 1 bên (tháng/ngày/năm) dẫn đến file danh sách gửi cho BHXH Đức Hoà (File Excel) bị sai ngày/tháng sinh. Tuy nhiên trên tờ khai TK1-TS thì hoàn toàn khai đúng với giấy CMDN (do là file Word).

Sau khi đơn vị đã đóng đủ tiền và được cấp sổ, thẻ thì phát hiện có 4 trường hợp sai ngày, tháng sinh (ngày đổi thành tháng và ngược lại).

Ngay sau đó, đơn vị có liên hệ với BHXH Đức Hoà để xin điều chỉnh lại thông tin ngày tháng sinh cho đúng thì được BHXH Đức Hoà hướng dẫn làm thủ tục điều chỉnh trong đó bắt buộc phải cung cấp giấy khai sinh của người lao động. Nhưng do điều kiện họ ở xa (quê miền trung) nên không về trích lục giấy khai sinh được.

Đơn vị cũng có cung cấp CMND và sổ Hộ khẩu (bản gốc) của 4 lao người động đó nhưng BHXH Đức Hoà vẫn không chịu điều chỉnh. Bắt buộc phải có giấy khai sinh mới điều chỉnh.

Theo đơn vị biết là trên phiếu giao nhận hồ sơ 302 (file dính kèm) điều chỉnh thông tin cá nhân thì chỉ cần giấy khai sinh hoặc CMDN (bản sao). Mặc khác hiện nay trong 4 lao động đó có 1 bạn bị bệnh rất cần thẻ BHYT để được giảm tiền viện phí (hoàn cảnh bạn này rất khó khăn).

Nếu BHXH Đức Hoà bắt buộc phải có giấy khai sinh thì đơn vị chúng tôi đành báo giảm chọ họ vì tham gia mà không được hưởng quyền lợi vì cả (do thông tin sai ngày/ tháng sinh).

Nếu trong thực tế có nhiều trường hợp như vậy thì sẽ gây thất thu cho quỹ BHXH vì những trường hợp này không tham gia được.

Qua sự việc trên, kính mong BHXH Long An xem xét và có hướng giải quyết thuận lợi hơn để cho người lao động được tham gia BHXH đầy đủ và kịp thời, giúp cho họ an tâm lao động sản xuất.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp ngày, tháng, năm sinh trên sổ BHXH, thẻ BHYT chưa in đúng với Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (Mẫu số TK1- TS) bạn đã nộp cho cơ quan BHXH do sai sót về định dạng ngày, tháng, năm sinh trong dữ liệu, cơ quan BHXH có trách nhiệm điều chỉnh lại thông tin trên thẻ BHYT, sổ BHXH đã cấp theo đúng thông tin trên Tờ khai, bạn không cần phải bổ sung thêm các giấy tờ khác để chứng minh.

Câu 108: Bạn đọc từ mail Hongvinhcorporation@gmail.com hỏi:

Năm 2012 tôi làm việc tại công ty 4 oranges Việt Nam và được công ty đóng bảo hiểm sau đến năm 2015 tôi nghỉ làm và không lấy sổ BHXH, đến tháng 11/2017 tôi quay lại làm tại công ty 4 oranges Việt Nam vậy giờ công ty sẽ tiếp tục đóng BHXH cho tôi theo sổ cũ hay sổ mới, và làm sao để biết số sổ BHXH của mình, mong cơ quan giải đáp?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định người lao động khi tham gia BHXH được cấp và bảo quản một sổ BHXH duy nhất để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHTN và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH. Vì vậy, trường hợp của bạn công ty 4 oranges Việt Nam tiếp tục đăng ký tham gia BHXH cho bạn bằng sổ BHXH cũ.

Để có thể tra cứu mã số BHXH (số sổ BHXH) của mình, bạn có thể tra cứu thông tin tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn

Câu 107: Bạn đọc từ mail chuc30061985@gmail.com hỏi:

Năm nay em 33 tuổi, em muốn đóng bảo hiểm tự nguyện để sau này hưởng chế độ hưu trí. Cho em hỏi mức đóng thấp nhất /tháng là bao nhiêu ạ. Sau 20 năm thì em sẽ nhận bao nhiêu lương/ tháng ạ?

Em xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhấp bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Hiện nay, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ là 700.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay bằng 22% x 700.000 đồng là 154.000 đồng/tháng.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014, từngày 01/01/2018, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức lương bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH (đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi) và 15 năm đóng BHXH (đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi). Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Luật BHXH, thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Câu 106: Bạn đọc từ mail thusannam@gmail.com hỏi:

Cháu tôi làm công nhân may công nghiệp đã nghỉ việc do sức khỏe yếu. Thời gian đóng BHXH là 19 năm 9 tháng. Hiện nay cháu đã 47 tuổi. Cháu có thể tự đóng thêm 3 tháng để đủ thời gian đóng BHXH là 20 năm để giám định sức khỏe về nghỉ hưu không? Nếu được thì thủ tục thế nào? Đóng tiền ở đâu? Rất mong nhận được lời tư vấn của các Anh(Chị). Xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXh còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp 1 lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp cháu của Ông/Bà 47 tuổi thì chưa đủ điều kiện về tuổi đời để được đóng một lần cho số tháng còn thiếu thông qua đơn vị.

Do đó, để đủ điều kiện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời thì Cháu của Ông/Bà nên tiếp tục làm việc và đóng BHXH bắt buộc thêm 03 tháng hoặc tham gia BHXH tự nguyện.

Câu 105: Bạn đọc từ mail ngoclan.ducnoi@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 4/2017. Tháng 10/2017, tôi nghỉ việc nên cắt BHXH bắt buộc. Sau khi cắt BHXH bắt buộc, tôi mua BHXH tự nguyện. Dự kiến 15/12/2017 tôi sinh con thì tôi được hưởng những chế độ gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Quy định tại Khoản 2, Điều 31 Luật BHXH năm 2014, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và Điều 38 Luật BHXH quy định được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp của bạn, nếu bạn sinh con trong thời gian 12 tháng tính từ thời điểm đóng BHXH bắt buộc (tháng 4/2017) thì bạn được hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con.

Câu 104: Bạn đọc từ mail bichvanc@gmail.com hỏi:

Tôi có thể BHYT tại bệnh viện 30/04 ở TP.HCM, tôi muốn đến trạm y tế xã (Phường) của TP.HCM khám bệnh thì có được xem là đúng tuyến không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Luật BHYT người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh; mức hưởng là 100% chi phí KCB theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT của đối tượng.

Do Bệnh viện 30/4 là bệnh viện tuyến tỉnh nên khi Bạn đăng kí KCB ban đầu tại đây thì không được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB khi đến KCB tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn Thành phố HCM.

Câu 103: Bạn đọc từ mail buithithuy0810@gmai.com hỏi:

Tôi có thẻ BHYT tại bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an, nhưng tôi muốn sinh con tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình. Vậy tôi có được hưởng BHYT không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Bệnh viện ĐK tỉnh Thái Bình là bệnh viện tuyến tỉnh nên khi Bà tự đi sinh con tại đây sẽ được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú.

Để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, đề nghị Bà xin Giấy chuyển tuyến từ BV YHCT Bộ Công an về BV ĐK tỉnh Thái Bình.

Câu 102: Bạn đọc từ mail dieuvan4896@gmail.com hỏi:

Xin cho hỏi, phương thức chi trả BHYT theo tổng ngân sách là như thế nào ạ? Và xin cho biêt ưu nhược điểm của phương pháp này với các phương pháp chi trả khác?

BHXH Việt Nam trả lời:

Câu hỏi của Bạn chưa rõ ràng, hiện nay không có  phương thức chi trả BHYT theo tổng ngân sách.

Câu 101: Bạn đọc từ mail k39kdnn@gmail.com hỏi:

Hiện tại cơ quan em có 03 cán bộ là diện được đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài.

Theo quyết định thì 03 cán bộ vẫn hưởng 40% lương từ NSNN và đóng BHXH (trừ BHYT).

Em muốn hỏi là tỷ lệ đóng BHXH, BHYT của 03 cán bộ trên là tính như thế nào ạ

1. 27% lương của 40 % lương hưởng trong lúc đi học

2. Hay là đóng 27% của 100% lương

Xin trân trọng cảm ơn ạ!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp người lao động, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương trong nước thuộc diện tham gia BHXh bắt buộc, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định người được cử đi học tập ở nước ngoài hưởng 40% lương và phụ cấp phải đóng BHXH theo mức 40% lương hưởng trong lúc đi học. Do đó, trường hợp trường hợp cơ quan Ông/bà có 3 cán bộ được cử đi học ở nước ngoài thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc là 100% tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm.

Câu 100: Bạn đọc từ mail dao.linh79@gmail.com hỏi:

Chồng tôi năm nay 47 tuổi (đã tham gia BHXH + BHYT tại công ty từ năm 2000), ngày 12/6/2017 chồng tôi đi khám tại viện huyết học và truyền máu TW và được chẩn đoán bị rối loạn sinh tủy, có chỉ định ghép tế bào. Do chưa tìm được tế bào phù hợp nên tháng nào chồng tôi cũng phải vào viện 7 ngày để truyền máu và thải sắt, mỗi lần như thế chúng tôi phải 3 triệu đồng (đã trừ 80% BHXH chi trả), chưa tính tiền thuốc mua theo đơn. Vậy cho tôi hỏi trường hợp của chồng tôi có được coi là bệnh dài ngày không? Chồng tôi có thuộc diện được cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm" không?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT thì các bệnh, nhóm bệnh liên quan đến tủy sống được  sử dụng Giấy chuyển tuyến trong năm tài chính bao gồm:

- Suy tủy;

- Tăng sinh tủy – Suy giảm miễn dịch bẩm sinh do thiếu hụt gamaglobulin;

- Tăng sinh tủy – Suy giảm miễn dịch bẩm sinh do thiếu Sắt.

Do đó, trường hợp chồng của Bà thuộc 1 trong các bệnh, nhóm bệnh trên thì sẽ được cấp Giấy chuyển tuyến sử dụng trong năm tài chính.

2. Chồng Bà sẽ được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm khi có đủ các điều kiện sau:

- Thời gian tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên;

- Có chi phí đồng chi trả trong năm tài chính (kể từ thời điểm đủ 5 năm liên tục) lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, hiện nay là 7.800.000 đồng.

Câu 99: Bạn đọc từ mail nguyenhuong1411bn@gmai.com hỏi:

Tôi được biết, nguyên tắc khi trả BHXH một lần cho NLĐ, cơ quan BHXH sẽ thu hồi sổ BHXH của người đó và quá trình tham gia BHXH của người này sẽ bị xóa hết. Khi đăng ký tham gia BHXH tại nơi mới cần trình bày trường hợp của mình cho công ty biết để làm sổ BHXH mới khi đi làm.

Vậy tại sao khi công ty tôi có trường hợp đã hưởng cả 2 loại trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp 1 lần nhưng bên BHXH vẫn trả về số sổ trên và yêu cầu người lao động cung cấp quyết định hưởng trợ cấp để in lại bìa sổ. Trường hợp người lao động đã lấy 1 trong 2 loại trợ cấp trên, không còn giữ sổ thì BHXH yêu cầu người lao động về lại cơ quan BHXH hội nơi thu sổ BHXH xác nhận lại thời gian chưa hưởng trợ cấp và cấp lại bìa sổ, tuy nhiên cơ quan BHXH nơi thu giữ sổ của người lao động chỉ xác nhận thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp và không in lại bìa sổ cho người lao động, trong khi đó cơ quan BHXH hiện đang quản lý cũng không chịu in bìa sổ cho người lao động?  Như vậy người lao động phải làm thế nào để được cấp lại bìa sổ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định về mẫu sổ BHXH thì người tham gia được cấp và bảo quản 01 sổ BHXH duy nhất. Trường hợp người lao động đã giải quyết chế độ BHXH 1 lần bị thu hồi sổ BHXH sau đó tiếp tục đi làm, để được cấp lại bìa sổ BHXH, người lao động lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK-TS) đề nghị cơ quan BHXH cấp bìa sổ BHXH mới.

Câu 98: Bạn đọc từ mail trinh.vu@pizza4ps.com hỏi:

Doanh nghiệp tôi có mã đơn vị là TA9492A thuộc quản lý của BHXH Quận 1. Từ khi công văn mới được ban hành, tôi không nhận được Danh sách người lao động chưa có mã số BHXH (MS1) để cập nhật bổ sung.

Ngoài ra vì tôi mới chỉ đổi địa chỉ nhận thông báo của BHXH cách đây 2 tuần nên không thể biết được BHXH có gửi danh sách qua mail hay không. Khi liên lạc CBT thì được báo là hiện không kiểm tra có gửi hay chưa được.

Vui lòng tư vấn cho tôi cách giải quyết để có thể thực hiện theo quy định của Nhà nước đúng hạn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo hướng dẫn tại Công văn số 3799/BHXH-BT ngày 28/8/2017 của BHXH Việt Nam về việc hoàn thiện, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT, cơ quan BHXH có trách nhiệm gửi danh sách người tham gia BHXH, BHYT chưa có mã số BHXH (Mẫu MS1); Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1 – TS) và Thư ngỏ của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho đơn vị sử dụng lao động thông qua bưu điện.

Trường hợp doanh nghiệp của bạn mới thay đổi địa chỉ nên chưa nhận được mẫu MS1 thì bạn thông báo với BHXH Quận 1 về địa chỉ thay đổi để cơ quan BHXH gửi MS1, TK1, Thư ngỏ đúng địa chỉ và kịp thời.

Câu 97: Bạn đọc từ mail hentaioujichan@gmail.com hỏi:

Hiện nay tôi đang sử dụng thẻ BHYT có thời hạn ghi trên thẻ đến 31/12/2017, nhưng bên dưới lại có dòng "thời điểm đủ 5 năm liên tục từ ngày 01/02/2021". Vậy dòng này có nghĩa là sao, liệu có phải tôi đã được nhà nước đóng BHYT 5 năm liên tục không , vì tôi có hộ khẩu sinh sống tại xã vùng II đặc biệt khó khăn nên được nhà nước chi trả tiền BHYT. Và nếu là như vậy thì tôi có phải làm thẻ cho năm 2018 không. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, người bệnh (thuộc đối tượng cùng chi trả chi phí KCB BHYT) có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB. Vì vậy, thẻ BHYT được in thời điểm đủ 05 năm liên tục để bạn thuận tiện theo dõi quá trình tham gia BHYT trước đó. Vì thẻ BHYT cũ có giá trị sử dụng đến 31/12/2017, nếu sang năm 2018 bạn vẫn có tên trong danh sách người tham gia BHYT sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn thì sẽ được cấp thẻ BHYT mới.

Câu 96: Bạn đọc từ mail nguyenphuonghblc@gmail.com hỏi:

Xin cho hỏi, tôi mới thành lập công ty, bây giờ muốn tham gia đóng BHXH, vậy xin cho hỏi công ty mới thành lâp thì cần làm những thủ tục gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Người lao động:

- Đối với người lao động chưa được cấp mã số BHXH: kê khai tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); đối với trường hợp đã được cấp mã số BHXH thì chỉ cần ghi mã số vào mẫu biểu tương ứng.

- Giấy tờ chứng minh hưởng quyền lợi BHYT cao hơn nếu có.

2. Đối với đơn vị:

- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS)

- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).

Câu 95: Bạn đọc từ mail tam.hoangthi@hff-group.com hỏi:

Em xin hỏi chút ạ. Công ty em (với gần 20.000 lao động) đã đủ điều kiện nhận kinh phí CSSKBĐ thông NĐ 105, TTLT 41.

Thời điểm bắt đầu đủ điều kiện là 3/2014. Công ty e chưa đề nghị trích chuyển lần nào cho đến nay.

Vậy em xin hỏi: Bây giờ công ty em làm bản đề nghị trích chuyển kinh phí CSSKBĐ có được không? (cho năm 2014.2015.2016). Vì công ty xây dựng, sắm sửa cho phòng y tế của công ty khá đầy đủ...)

Kính mong anh chị phối hợp, hồi âm sớm cho công ty em ạ?

Em xin cám ơn

BHXH Việt Nam trả lời:

Ngày 14/9/2016 BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3524/BHXH-TCKT hướng dẫn BHXH các tỉnh về việc trích chuyển kinh phí CSSK ban đầu cho người lao động. Theo đó, thời điểm trích chuyển kinh phí CSSK ban đầu như sau:

- Định kỳ, trước ngày 31/10 hằng năm các đơn vị gửi Bản đề nghị trích chuyển kinh phí CSSKBĐ mẫu số 01/BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của BHXH Việt Nam quy định về tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế trong KCB để làm căn cứ cho cơ quan BHXH thực hiện trích, chuyển kinh phí CSSKBĐ của đơn vị;

- Thời điểm xác định trích chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các đơn vị được tính từ thời điểm đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC (yêu cầu đơn vị ghi rõ ngày bắt đầu đủ điều kiện tại mẫu 01/BHYT);

- Cơ quan BHXH có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị gửi mẫu số 01/BHYT, mẫu số 01/TCKT kịp thời và đúng thời gian quy định;

- Trường hợp các đơn vị nộp mẫu 01/BHYT, mẫu 01/TCKT chậm so với thời gian quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nêu rõ nguyên nhân đơn vị chậm nộp và thực hiện trích chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các đơn vị có đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định đề đảm bảo việc quyết toán kinh phí CSSKBĐ theo đúng niên độ của năm tài chính.

Đề nghị chị liên hệ với BHXH tỉnh nơi công ty có trụ sở để được hướng dẫn giải quyết.

Câu 94: Bạn đọc từ mail cokhiqt@yahoo.com.vn hỏi:

Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Quang Trung, xin hỏi:

Người lao động tại Doanh nghiệp đang trong thời gian nghỉ ốm hưởng BHXH (thanh toán tiền ốm) và đồng thời vẫn đi làm việc bình thường tại Doanh nghiệp có hưởng lương, vậy có đúng không? Và doanh nghiệp phải báo tăng giảm như thế nào?

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH 2014, điều kiện để hưởng chế độ ốm đau với người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp người lao động đang trong thời gian nghỉ ốm có hưởng chế độ ốm đau và đồng thời vẫn đi làm việc bình thường tại doanh nghiệp có hưởng lương là không đúng quy định của pháp luật.

Câu 93: Bạn đọc từ mail vdlp@foster.com.vn hỏi:

Tôi muốn hỏi về việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trường hợp cụ thể như sau:

Đơn vị tôi có chị Hoàng Thị Lê Trang, số sổ BHXH 4810014225. Chị Trang bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2012. Đến tháng 07/2016 chị Trang phát hiện mình bị ung thư và có làm đơn xin tạm hoãn HĐLĐ để điều trị bệnh.

Từ 06/2016 đến 10/09/2017 giấy tờ điều trị ung thư của chị đề được cơ quan BHXH duyệt chế độ ốm đau dài ngày.

Ngày 11/09/2017 do không còn đủ sức khỏe để quay lại công ty tiếp tục làm việc, chị Trang đã làm đơn xin nghỉ việc và được Công ty chấp thuận.

Đơn vị là báo giảm hẳn và chốt sổ cho chị Trang tháng 09/2017.

Sau khi chốt sổ BHXH chị Trang có mang đến trung tâm nhưng không được giải quyết do không đảm bảo được điều kiện đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng (Từ 06/2016->08/2017 báo OF; 09/2017: GH).

Cho tôi hỏi việc đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng  được tính tại thời điểm bắt đầu tạm hoãn/nghỉ ốm đau hay thời điểm bắt đầu nghỉ việc? Trường hợp bị bệnh hiểm nghèo không có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc và đã có thời gian tham gia trước khi điều trị bệnh được 4 năm như vậy có được giải quyết thất nghiệp không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm: NLĐ Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn; Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Đối chiếu với quy định trên, trường hợp Chị Trang không đủ 12 tháng đóng BH thất nghiệp trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động nên hiện tại Chị Trang không đủ điều kiện hưởng trợ cấp BH thất nghiệp. Thời gian đã đóng BH thất nghiệp của Chị Trang sẽ được bảo lưu (quy đinh tại Khoản 5 Điều 21 Thông tư số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015), cộng dồn với thời gian tham gia BHTN sau này để làm căn cứ tính hưởng BH thất nghiệp khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.

Câu 92: Bạn đọc từ mail thuhuyen073@gmail.com hỏi:

Tôi hiện làm việc tại Công ty ngoài Hà Nội, và đang đóng đủ các loại bảo hiểm trong đó có BHYT. Nhưng sau khi lấy chồng ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì được xã cấp thêm cho 1 thẻ BHYT nữa của vùng xã đảo K3 mà không cần đóng phí bảo hiểm. Tôi muốn hỏi có thể hợp nhất 2 thẻ này thành 1 được không? Vì theo tôi được biết mỗi người chỉ được cấp 1 thẻ BHYT thôi mà 2 thẻ này của tôi số thẻ lại khác nhau. Và nếu 1 trong 2 thẻ BHYT của tôi đã không phải đóng phí tham gia BHYT thì có phải tôi không phải đóng khoản này tại công ty nữa không? Vì từ hồi có 2 thẻ BHYT tôi vẫn đang đóng phí của 1 BHYT tại Công ty là 422.000, còn lại Công ty đóng khoảng 800-900.000. Mong sớm nhận được trả lời. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm 2 Khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định “Trường hợp 1 người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.

Theo quy định nêu trên, bạn phải đóng BHYT theo đối tượng người lao động. Đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi công ty đang đóng BHYT để được hướng dẫn bảo quản thẻ BHYT cấp trùng theo quy định.

Câu 91: Bạn đọc từ mail nhunglt128@gmail.com hỏi:

Chào anh chị ạ.

Em là Nhung kế toán công ty xuất nhập khẩu Nguyên Phát. Em đang có thắc mắc muốn nhờ anh/chị giải đấp giúp em ạ:

Công ty em có 1 bạn kế toán đang làm việc đóng bảo hiểm từ tháng 12/2016 đến tháng 10/2017 công ty do làm ăn ko được nên chấm dứt hợp đồng làm việc với bạn ý, mà bạn ý hiện đang mang bầu dự kiến sinh 14/01/2018.

Vậy bạn ý đóng bảo hiểm được 10 tháng và giờ bị cho thôi việc, thì đến khi sinh bạn ý có được hưởng trợ cấp thai sản không ạ?

Em cảm ơn ạ!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản là: NLĐ quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nuôi con nuôi.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bạn đã đóng BHXH được 10 tháng (từ tháng 12/2016 đến tháng 10/2017), công ty chấm dứt hợp đồng làm việc và đổi chốt sổ BHXH cho bạn thì bạn được hưởng chế độ thai sản.

Câu 90: Bạn đọc từ mail myhanh178@gmail.com hỏi:

Chào anh/chị! Cho em hỏi, bên em có 1 nhân viên đầu tháng 10 nghỉ thai sản. Vì vậy em muốn hỏi em sẽ báo giảm cho bạn nhân viên đó là ngày nào của tháng theo quyết định 595. Em muốn biết báo tăng, giảm nhân viên theo QĐ 595 thì mình sẽ được báo trong thời gian nào? Và em muốn hỏi cách làm hồ sơ thai sản cần những giấy tờ gì và nộp qua bưu điện như thế nào? Để bạn đó sinh con được hưởng BHXH. Em cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó, do đó người lao động tại Công ty Ông/Bà đầu tháng 10 nghỉ thai sản thì Ông/Bà lập hồ sơ đề nghị báo giảm lao động trong tháng 10.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014 bao gồm: bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định thì đơn vị lập mẫu C70a-HD gửi cho cơ quan BHXH hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.

Câu 89: Bạn đọc từ mail trungbd59@gmail.com hỏi:

Tôi tên là Bạch Định Trung, làm việc tại Nhà máy Ô tô Đồng Vàng I, thuộc Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang. Tôi xin trình bầy với quí BHXH - VN một việc như sau:

Thang 08/1978 > 03/1981 tôi tham gia quân đội

Thang 03/1981 > 05/1987 tôi xuất ngũ, chuyển nghành sang Tổng cục Dầu khí và được cử đi học tập tại Tiệp khắc .

Tháng 05/1987 > 06/1988  tôi chờ phân công tác

Tháng 06/1988 > 09/1989 tôi làm việc tại nhà máy Giầy Da XK Hà Nội

Tháng 10/1989 > 01/2004 tôi làm việc tự do

Tháng 02/2004 > cho đến nay tôi tham gia BHXH tại nhà máy Ô tô Đồng Vàng I thuộc BHXH huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Qua nghiên cứu các nghị định, các thông tư của Thủ tướng Chính phủ, về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tôi đã làm đơn đề nghị với cơ quan BHXH Huyện Việt Yên, kèm theo các quyết định, các giấy tờ của các cơ quan chủ quản đã xác nhận tôi chưa hưởng được chế độ Bh, xin được nối thời gian công tác, nhưng không hiểu vì lý do gì? Cơ quan BHXH Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lại trả hồ sơ về và yêu cầu tôi xin xác nhận bên cục dậy nghề (không có công văn trả lời, chỉ báo mồm qua người phụ trách bảo hiểm đơn vị)

Mặc dù vậy tôi cũng cố gắng lên cục dậy nghề xin xác nhận, họ xem các giấy tờ và nói giấy tờ của anh quá đầy đủ, và cho tôi thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015, điều 35 để mang về cho BHXH huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang xem, nhưng BHXH huyện Việt Yên, Bắc Giang vẫn không chấp nhận.

Tôi nghĩ các các qui định, các thông tư của Thủ tướng Chính phủ cũng như quy định của BHXH -VN

Thì các cấp BHXH phải nắm rõ và phải có trách nhiệm thực hiện đúng theo nghị định, luật BHXH - Việt Nam.

Tôi là một công dân đã tham gia quân đội bảo vệ Tổ quốc,  đi học tập ở tiệp khắc cũng đóng góp cho đất nước, vậy tại sao tôi lại bị từ chối? BHXH huyện Việt Yên, Bắc giang trả hồ sơ về, và cũng không có công văn trả lời cho tôi bằng văn bản.

Rất mong BHXH-VN xem và hướng dẫn cụ thể cho tôi, để tôi được hưởng chế độ theo qui định của  của BHXH - VN (dưới đây là file đính kèm các giấy tờ)

Tôi xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp ông Trung có thời gian công tác trong quân đội từ tháng 8/1978 đến tháng 3/1981 được xuất ngũ chuyển về Tổng cục Dầu khí; từ tháng 4/1981 đến tháng 4/1987 được Tổng cục Dầu khí cử đi học tập tại Tiệp Khắc cũ (theo Giấy báo tập trung số 426/DK ngày 20/3/1981 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí); từ tháng 5/1987 đến tháng 5/1988 nghỉ chờ phân công nhiệm vụ (theo Giấy Xác nhận số 1214/GXN-DKVN ngày 16/6/2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); từ tháng 6/1988 đến tháng 9/1989 nhận nhiệm vụ mới tại Nhà máy Giầy da Xuất khẩu Hà Nội (theo Quyết định số 623/QĐ-TCCBLĐ ngày 20/5/1988 của Tổng cục Dầu khí Việt Nam); đến tháng 10/1989 do công việc ít, thu nhập thấp ông Trung đã làm đơn xin thôi việc để tìm công việc khác. Theo quy định tại Tiết c, Điểm 12, Mục II Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước: “những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc, quân nhân xin giải ngũ vì hoàn cảnh riêng, sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc giải ngũ không được tính là thời gian công tác liên tục mà chỉ được tính là thời gian công tác nói chung (thời gian nghỉ việc không tính)…”. Vì vậy, thời gian công tác trước khi nghỉ việc (trước tháng 10/1989) của ông Trung không được cộng nối với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.

Câu 88: Bạn đọc từ mail haudn1977@gmail.com hỏi:

Tôi xin hỏi BHXH một việc như sau, mẹ tôi tham gia Hợp tác xã Quyết Tiến thuộc TCN Tiên Sơn từ năm 1965 đến năm 1988 thì nhận được Quyết Định nghỉ mất sức dài hạn số 21/QĐ ngày 15/7/1998 của Ban chủ nhiệm LHX. TCN - TCN tỉnh Hà Bắc. Thời gian thực tế công tác ghi trên QĐ là 23 năm công tác Liên tục. Khi nhận QĐ trợ cấp thì mẹ tôi chỉ được nhận QĐ, còn sổ mất sức thì mẹ tôi không nhận được, mẹ tôi đã được hưởng chế độ đến năm 1989 thì bị cắt chế độ, nay tôi được biết TTg chính phủ ra QĐ số 613/2010 QĐ/TTg về việc cho hưởng lại trợ cấp, vậy tôi xin hỏi mẹ có có thuộc đối tượng được hưởng lại chế độ không, và nếu được hưởng thì phải làm những thủ tục gì? Và làm ở đâu? Tôi xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo nội dung bạn trình bày thì không có sự thống nhất về hồ sơ và các mốc thời gian đóng - hưởng, đề nghị bạn cung cấp hồ sơ cho cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn.

Câu 87: Bạn đọc từ mail quynhanh8981@gmail.com hỏi:

Công ty tôi mới thành lập và tham gia đóng bảo hiểm lần đầu. Xin bảo hiểm xã hội trả lời giùm tôi là tỷ lệ trích nộp bảo hiểm cho doanh nghiệp và người lao động hiện nay là bao nhiêu ạ?

Rất cám ơn bảo hiểm xã hội!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; Luật BHYT; Điều 57 Luật Việc làm năm 2013, Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì từ ngày 1/6/2017, hàng tháng công ty phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động bằng 32% trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH trong đó: Người sử dụng lao động đóng bằng 21,5% (17%  BHXH + 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp + 3% vào quỹ BHYT + 1 % vào quỹ BHTN); người lao động đóng bằng 10,5% (8% BHXH + 1,5% vào quỹ BHYT +1 % vào quỹ BHTN).

Câu 86: Bạn đọc từ mail Phamthuan.ubnd@gmail.com hỏi:

Chồng tôi là Nguyễn Văn Hùng làm tại Công ty UDIC Kim Bình, Phủ Lý, Hà Nam từ tháng 02/2013-5/2015, nhưng công ty mới đóng bảo hiểm đến hết tháng 4/2014 (Chưa đóng cho tôi 13 tháng). Từ tháng 6/2015 tôi đã chuyển làm cho công ty khác. Đến nay, tháng 9/2017 tôi vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm tại công ty UDIC Kim Bình để tôi nộp sổ cho công ty mới làm các thủ tục khác theo quy định. Tôi đã liên hệ nhiều lần với lãnh đạo công ty UDIC Kim Bình nhưng vẫn chưa được giải quyết vì công ty này đang đóng cửa không còn hoạt động nữa. Tôi đến bảo hiểm xin chốt sổ đến tháng 4/2014 (Công ty đóng đến đâu tôi chốt đến đó) để lấy sổ về cũng không được giải quyết và hẹn đợi công ty UDIC Kim Bình thanh toán hết nợ bảo hiểm mới được chốt. Tôi xin BHXH Việt Nam xem xét, hướng dẫn để chồng tôi được chốt sổ bảo hiểm kịp thời để chồng tôi nộp sổ bảo hiểm về cơ quan mới để làm các thủ tục khác.

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Điều 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định cấp và quản lý sổ BHXH như sau: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐ làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy, đề nghị bạn liên hệ và yêu cầu Công ty UDIC Kim Bình đề nghị cơ quan BHXH xác nhận quá trinh đóng BHXH, BHTN tại công ty đến thời điểm công ty đóng đủ BHXH, BHTN. Trường hợp công ty không còn tồn tại thì bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK-TS) và nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

Câu 84: Bạn đọc từ mail phuongtd@taimuihongsg.com hỏi:

Bên tôi là đơn vị y tế là Phòng khám đa khoa thuộc tuyến Quận/Huyện tại TP.HCM. Hiện tại Tôi có một thắc mắc muốn được giải đáp để giải thích cho khách hàng khi KCB tại đơn vị của Tôi như sau: Khách hàng có thẻ BHYT đang ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Huyện của tỉnh Khánh Hòa khi đến khám bệnh thông tuyến trong TP.HCM thì được thông tuyến tại các Bệnh viện Quận/Huyện và được xử lý KCB. Cũng thẻ BHYT đó khi đến các cơ sở y tế là Phòng khám đa khoa tư nhân thì không được thông tuyến khám (Phòng khám đa khoa tư nhân thuộc tuyến Huyện) Xin Ban lãnh đạo BHXH VN cho biết Quy định này nằm trong Quyết định nào, Công văn nào để giải thích khách hàng.

Chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Luật BHYT người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh; mức hưởng là 100% chi phí KCB theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT của đối tượng.

Vì vậy, khi đăng ký KCB ban đầu tại Khánh Hòa thì không được KCB thông tuyến tại các Phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 83: Bạn đọc từ mail synhien@gmail.com hỏi:

Tôi có hộ khẩu thường trú ở Quảng Ngãi, tôi mới ra Đà Nẵng làm việc, có mua bảo hiểm y tế ở Quảng Ngãi theo hộ gia đính, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Nghĩa Hành.

Từ đầu năm đến nay tôi đã khám bệnh 2 lần ở bệnh viện Quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, bệnh viện vẫn thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bình thường. Đến ngày 23/10/2017, tôi bị đau và có tới khám tại bệnh viện Quận Hải Châu, và bị từ chối khám vì lý do BHYT của tôi là ở Quảng Ngãi. Các tỉnh khác thì được, nhưng riêng Quảng Ngãi thì không nhận.

Ngày 24/10/2017, tôi có gọi lên sở y tế Đà Nẵng, được trả lời lý do là do BHXH tỉnh Quảng Ngãi có gửi công văn 1131 yêu cầu là bệnh nhân có BHYT ở Quảng Ngãi chỉ được khám ở Quảng Ngãi, nếu khám ngoại tỉnh thì phải thanh toán bình thường, rồi đem giấy tờ chứng từ về BHYT Quảng Ngãi thanh toán lại. Tuy nhiên, Bệnh Viện Hải Châu sợ thủ tục rườm rà, rắc rối nhiều thứ nên không chấp nhận bệnh nhân của Quảng Ngãi.

Tôi thực sự rất bức xúc về vấn đề này, vì có bệnh thì mới đi khám, mà khám phải bốc số ngồi chờ rất lâu mới tới lượt khám, mà vô bị từ chối khám với lý do hết sức vô lý.

Thứ nhất, nếu muốn thu hút người dân khám bệnh trong tỉnh thì phải xem lại đội ngũ y bác sĩ, chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện mình. Chứ làm như vậy là thiệt thòi cho người dân, có thẻ mà không được khám bệnh.

Thứ 2, vì theo luật bảo hiểm là liên thông tuyến, mà giờ phát hành công văn không cho họ đi khám thì liên thông kiểu gì.

Thứ 3, nếu nói là đi khám rồi trả về bảo hiểm thanh toán lại như vậy là bất cập vì: Họ không có tiền mới mua bảo hiểm y tế khám để giảm bớt phần nào chi phí mà biểu họ thanh toán trước rồi về trả lại là vô lý, như những trường hợp ngoại tỉnh mua bảo hiểm ở quê, không lẽ mỗi lần khám bệnh là về quê khám? Không lẽ mỗi lần khám ở ngoại tỉnh là phải chạy về quê thanh toán tiền, thủ tục rườm rà, mất thời gian, tốn tiền xe cộ ai sẽ chịu những khoản đó?

Nếu có bảo hiểm mà không được khám như vậy thì có trái luật bảo hiểm không?

Xin cho tôi một câu trả lời thỏa đáng

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Thuật ngữ “thông tuyến” không được ghi trong các văn bản quy phạm pháp luật về KCB BHYT.

Khi Bà đi KCB tại các Bệnh viện quận thuộc thành phố Đà Nẵng là KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu, không có giấy chuyển tuyến , không trong tình trạng cấp cứu được xác định là một trong các trường hợp KCB không đúng quy định.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2016, người bệnh có thẻ BHYT tự đi KCB tại các bệnh viện tuyến huyện không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu được hưởng 100% chi phí có nghĩa là quyền lợi của họ được hưởng đầy đủ 100% như khi họ đi KCB đúng tuyến nhưng vẫn phải xác định đây là các trường hợp KCB không đúng thủ tục theo quy định của Điều 28 Luật BHYT.

Do đó, Bà được quyền đi KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện thuộc Đà Nẵng và được hưởng 100% chi phí KCB theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT  nhưng sẽ được thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ.

Để thuận tiện cho việc đi KCB BHYT, đề nghị Bà đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu về nơi Bà hiện đang sinh sống và làm việc.

Câu 82: Bạn đọc từ mail nguyennhuquynh101995@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi. Em đang mang thai tháng thứ 5 đóng bảo hiểm xã hội với mức 5 triệu. Nhưng em đã nói công ty cho em đóng bảo hiểm với mức 7 triệu và em sẽ làm hồ sơ lùi về 2 tháng nữa. Để được 6 tháng đóng bảo hiểm 7 triệu. Và 4 tháng sau em sinh thì sẽ đc hưởng 100% lương đóng bảo hiểm là 7 triệu. Như vậy có được không ạ. Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định từ 1/1/2016  đến 31/12/2017 thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động, từ 1/1/2018 là mức lương + phụ cấp lương + bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trên hợp đồng lao động.

Đối chiếu với quy định nêu trên, bạn trao đổi lại với công ty để đóng bảo hiểm với mức lương 7 triệu (khác với tiền lương ghi trên hợp đồng lao động) và truy hưởng lại 2 tháng nữa là không đúng quy định của pháp luật về lao động.

Câu 81: Bạn đọc từ mail tranngoclan.hvnh@gmail.com hỏi:

Xin cho hỏi, xét nghiệm pap smear có nằm trong danh mục xét nghiệm được bảo hiểm y tế chi trả hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Xét nghiệm pap smear là xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung nên không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Câu 80: Bạn đọc từ mail leqt09@gmail.com hỏi:

1.Em tham gia BHYT tại Công ty TNHH BVĐK Hoàn Hảo, Tp.Hồ Chí Minh và đăng ký KCB ban đầu ở Tp.Hồ Chí Minh, nhưng em về quê Thanh Hóa sinh. Vậy em có thể sử dụng thẻ BHYT này để KCB và sinh con ở những bệnh viên tuyến huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa không?

2. Em làm thủ tục báo giảm nghỉ không lương tháng 11/2017 nhưng vẫn đóng BHYT, ngày 01/12/2017 em đến bệnh viên tuyến huyện ở Thanh hóa khám thì bệnh viện báo thẻ BHYT của em đã bị khóa. Cũng trong ngày 01/12/2017 Công ty em có báo giảm thai sản cho em. Vậy cho em hỏi em có được BHYT thanh toán lại chi phí khám bệnh của ngày 01/12/2017 không? Và làm thủ tục gì để được thanh toán lại nếu được.

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Thẻ BHYT của chị được sử dụng để đi KCB và sinh con các bệnh viên tuyến huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.

2. Khi chị báo giảm nghỉ không lương thì công ty của chị làm thủ tục báo giảm tham gia BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan BHXH nên thẻ BHYT bị khóa. Vì vậy, trong thời gian báo giảm chị đi KCB sẽ không được quỹ BHYT chi trả.

Khi công ty báo giảm thai sản thì quỹ BHXH sẽ đóng BHYT cho chị nên chị sẽ được hưởng quyền lợi KCB BHYT. Các chi phí KCB BHYT phát sinh trong thời gian hưởng thai sản sẽ được thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Thủ tục thanh toán trực tiếp gồm:

- Giấy đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT.

- Thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ.

- Giấy ra viện.

- Bản chính các chứng từ: hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan.

Câu 79: Bạn đọc từ mail hoangthingoclan.vhk7@gmail.com hỏi:

Anh (chị) cho em hỏi chút ạ. Trước em làm ở công ty cũ sau khi nghỉ việc công ty trả lại sổ bảo hiểm với số sổ là 1915101327. Nhưng sau khi em chuyển sang công ty mới lại số sổ khác. Như vậy có ảnh hưởng gì đến quá trình đóng bảo hiểm của mình những năm trước không ạ? Anh (chị) giúp em ạ!

BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn lập hồ sơ và gửi cơ quan BHXH để gộp sổ BHXH, thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK-TS).

- Các sổ BHXH đề nghị gộp.

Câu 78: Bạn đọc từ mail tramy1512hl@gmail.com hỏi:

Doanh nghiệp tôi báo tăng lao động mới, bị sai ngày tháng năm sinh của NLĐ. Vậy doanh nghiệp tôi phải làm những thủ tục gì để chỉnh lại thông tin trên sổ cho NLĐ. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do thay đổi ngày, tháng, năm sinh trên sổ BHXH gồm:

- Tờ khai tham gia.

- Giấy khai sinh hoặc trích lục Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu.

- Trường hợp là đảng viên theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Câu 77: Bạn đọc từ mail dao.tan886@yahoo.com.vn hỏi:

Tôi là con liệt sỹ, tôi được cấp thẻ BHYT nơi đang ký KCB ban đầu là trạm y tế xã.Tôi bị bệnh tim phải chữa trị dài ngày ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Tôi đề nghị cán bộ TBXH xã làm thẻ đăng ký cho tôi nơi KCB ban đầu là bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng được trả lời là quy định chỉ làm được KCB ban đầu tại TTYT huyện, như vậy năm nào tôi cũng phải xin giấy chuyển tuyến. Xin hỏi trường hợp của tôi có được đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện tỉnh không? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Ông được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc KCB ban đầu theo quy định của Giám đốc Sở Y tế sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh;

- Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh.

- Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khoẻ ;

- Người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên;

- Trẻ em dưới 6 tuổi;

- Người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu.

Nếu Ông thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến tỉnh.

Câu 76: Bạn đọc từ mail thekhien@gmail.com hỏi:

Tôi đi bộ đội tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc tại Bảo Lộc, Lạng Sơn từ tháng 02/1982 đến 09/1985 nay đã xuất ngũ và đang công tác, đã được cộng nối thời gian công tác theo QĐ 62. Nay tôi đổi mã thẻ quyền lợi BHYT thì cơ quan BHXH địa phương yêu cầu phải có thẻ hội viên hội Cựu chiến binh nhưng tôi không có (lý do tôi chưa vào hội) vậy cơ quan BHXH yêu cầu như vậy có đúng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2 Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Trường hợp của bạn đã xuất ngũ và đang công tác tại cơ quan, đơn vị khác, nếu có quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc các giấy tờ khác (như: lý lịch quân nhân, hồ sơ đảng viên…) ghi rõ thời gian, địa điểm nơi đóng quân theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì bạn thuộc đối tượng được đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT theo mã quyền lợi của đối tượng cựu chiến binh có ký hiệu là số 2 (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT).

Câu 75: Bạn đọc từ mail dxn2207@gmail.com hỏi:

Tôi đóng bảo hiểm xã hội từ nguyện được 5 năm, nay tôi xin vào làm tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tôi có tháng đóng bảo hiểm cho tôi có lúc không,vì khi nào đi đấu thầu thì đóng còn không thì thôi như vậy có đúng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2017, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn lao động hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên (từ ngày 01/01/2018) là hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên) thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy trường hợp của bạn đang làm việc mà công ty có tháng đóng BHXH, có tháng không đóng BHXH tùy thuộc vào việc xác nhận đấu thầu là không đúng quy định.

Câu 74: Bạn đọc từ mail hongtuyet200390@gmail.com hỏi:

Em làm công ty A được 4 năm do có chuyện đột xuất nên em nghỉ ngang không báo với công ty, nhưng em có tham gia bảo hiểm, nay em chuyển qua công B làm được 5 tháng, Anh/chị cho em hỏi sổ bảo hiểm của em công ty A có còn giữ không ạ? Do ở xa không tiện về công ty A lấy sổ bảo hiểm được thì công ty A có chuyển sổ em về cơ quan tham gia bảo hiểm không ạ.

Chờ sự hồi đáp, xin trân trọng và cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định về mẫu sổ BHXH thì người tham gia được cấp và bảo quản 01 sổ BHXH duy nhất. Vì vậy, bạn cần liên hệ với công ty cũ để được nhận sổ.

Câu 73: Bạn đọc từ mail thanhnhanevn8@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi khi nộp giấy tờ để hưởng chế độ thai sản cho vợ thì khoảng thời gian Bao lâu thì vợ nhận được tiền thai sản vậy?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, NLĐ có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 101 Luật BHXH năm 2014 cho người sử dụng lao động.

Khoản 2 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Khoản 3 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhập đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ.

Câu 72: Bạn đọc từ mail dunglth12@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia bảo hiểm từ 5/2002 đến nay được 15 năm. Hiện tôi sắp nghỉ việc, tôi muốn biết cách tính tiền trợ cấp BHXH một lần được hưởng khi tôi nghỉ và trợ cấp thôi việc mà công ty phải trả (khi chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp). Số sổ BHXH 0202091898 Nguyễn Thị Ngọc Sương, sinh ngày 08/01/1975. Số chứng minh nhân dân mới 079175001202, Số chứng minh nhân dân cũ 022911285.

BHXH Việt Nam trả lời:

Về BHXH một lần do cơ quan BHXH giải quyết và chi trả:

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Đề nghị Bà đối chiếu quy định nêu trên với trường hợp cụ thể của bản thân để nắm được.

- Về trợ cấp thôi việc:

Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Nội dung này không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH, đề nghị Bà liên hệ cơ quan quản lý lao động tại địa phương để được trả lời.

Câu 71: Bạn đọc từ mail manptqd@yahoo.com.vn hỏi:

Tôi năm nay 53 tuổi (nam), là giáo viên đã đóng BHXH được 30 năm, hệ số lương là 6,1 từ ngày 01/01/2017, tôi đóng BHXH bao gồm tiền lương, phụ cấp đứng lớp (40% lương), phụ cấp thâm niên (27% lương). Hiện nay sức khỏe của tôi không đảm bảo để giảng dạy, tôi muốn về hưu trước tuổi. Đề nghị tư vấn giúp.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014 thì điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn như sau:

+ Từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

+ Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành”.

BHXH Việt Nam cung cấp nội dung quy định nêu trên để Ông được biết về điều kiện hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi. Để được giải đáp cụ thể hơn, đề nghị Ông cung cấp hồ sơ, liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được xem xét trả lời.

Câu 70: Bạn đọc từ mail phuong61969@gmail.com hỏi:

Em tôi là giáo viên công tác được 35 năm và bị bệnh hiểm nghèo đã mất, vậy người lao động được hưởng chế độ một lần như thế nào và thủ tục giải quyết sau bao lâu thì được hưởng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thì “người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế” được hưởng BHXH một lần.

Tuy nhiên, theo nội dung thư thì em của Bạn là giáo viên, có thời gian công tác 35 năm, bị bệnh hiểm nghèo đã mất nên chế độ BHXH được hưởng là chế độ tử tuất giải quyết cho thân nhân hưởng bao gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Theo quy định tại Điều 111 Luật BHXH năm 2014, hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng BHXH và người bảo lưu thời gian đóng BHXH bao gồm:

- Sổ BHXH;

- Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

- Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;

- Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông; bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn cụ thể về lập thủ tục hồ sơ theo quy định.

Câu 69: Bạn đọc từ mail vuminhhoang130893@gmail.com hỏi:

Người lao động tham gia BHXH từ tháng 7/2016 đến tháng 11/2016 tại Công ty A, đến tháng 5/2017 tham gia BHXH tại Công ty B từ tháng 5/2017 đến tháng 7/2017 thì nghỉ thai sản. Vậy trường hợp này người lao động có được nhận trợ cấp thai sản không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/TT-BLĐTXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau: Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Đối với người lao động Bạn nêu tại câu hỏi, nếu tháng 7/2017 người lao động này nghỉ thai sản sinh con thì trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh (được xác định từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017 hoặc từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2017) người lao động có 07 tháng đóng BHXH. Do đó, người lao động này đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 68: Bạn đọc từ mail phanmo@siflec.com.vn hỏi:

Tôi có đăng ký và hưởng chế độ BHTN từ tháng 03/2013 và đến tháng 4/2013 tôi bắt đầu được hưởng chế độ BHTN 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2013), cũng thời điểm hiện tại tôi đi làm và bắt đầu tham gia BHXH từ tháng 5/2013. Vậy tôi xin hỏi đến thời điểm hiện tại tôi có phải đi hoàn lại số tiền BHTN mà tôi đã được hưởng của tháng 5, 6/2013 không ạ (vì tôi nhận được thông báo từ cơ quan bảo hiểm tỉnh là trường hợp của tôi cần đi xác nhận và hoàn trả lại số tiền đã nhận của tháng 5, 6/2013) ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn là năm 2013 được áp dụng theo quy định cũ về BHTN của Luật BHXH năm 2006. Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 87 Luật này thì khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng mà có việc làm mới (hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên) thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng và sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị còn lại của trợ cấp thất nghiệp được hưởng theo quy định.

Nhưng do Bạn không thực hiện khai báo việc làm với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là không đúng quy định nên cơ quan BHXH thực hiện thu hồi lại tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng mà Bạn đã hưởng chưa đúng.

Đề nghị Bạn liên hệ với Trung tâm Giới thiệu việc làm để được xem xét, giải quyết theo quy định. Cơ quan BHXH sẽ chi trả trợ cấp thất nghiệp một lần cho Bạn (nếu có) theo quy định.

Câu 67: Bạn đọc từ mail phammaily92@gmail.com hỏi:

Năm 2012 em đóng BHXH được 04 tháng, sau đó em nghỉ đến năm 2016 em đóng được 2 tháng, sang năm 2017 em đóng BHXH được 8 tháng. Vậy liệu em có được hưởng BHTN không ạ? Em xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm quy định một trong những điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ hoặc HĐLĐ từ 12 tháng trở lên; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp của bạn không đủ 12 tháng đóng BHTN trong thời gian 3 năm trở lại đây nên hiện tại không đủ điều kiện hưởng TCTN. Thời gian đóng BHTN của bạn sẽ được bảo lưu, cộng dồn với thời gian tham gia đóng BHTN sau này để làm căn cứ tính hưởng BHTN khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.

Câu 66: Bạn đọc mail trangkt69@gmail.com hỏi:

Vợ có tham gia BHXH, chồng cũng tham gia BHXH, vậy khi vợ sinh bình thường chồng sẽ được nghỉ 5 ngày nhưng công ty vẫn phải trả lương? Và được hưởng trợ cấp 5 ngày đúng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH quy định lao động nam đang đóng BHXH  khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường.

Khoản 2 Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ BHXH, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, lao động nam được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản 05 ngày làm việc khi vợ sinh con trong trường hợp sinh thường và trong thời gian lao động nam nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản người sử dụng lao động không phải trả lương.

Câu 65: Bạn đọc từ mail lyvtm@bidv.com.vn hỏi:

Cho tôi hỏi với chức danh kiểm ngân viên phòng giao dịch khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng ABC có được xem là nghề nặng nhọc, độc hại không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì chức danh Kiểm ngân, thủ quỹ ngân hàng là lao động loại IV thuộc ngành Ngân hàng thuộc chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 96 Luật BHXH năm 2014, sổ BHXH là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động; nếu hồ sơ làm việc của Bạn thể hiện đúng chức danh nghề nêu trên thì chức danh nghề này sẽ được ghi nhận trên sổ BHXH và là căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

Câu 64: Bạn đọc từ mail hoanghovietha@gmail.com hỏi:

Em trai tôi làm việc cho Công ty Cổ phần Hàng hải Hoàng gia, bị cướp biển bắt cóc và sát hại tại Philippine, vậy gia đình em trai tôi được quyền lợi gì từ BHXH và các quyền lợi khác?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động tham gia BHXH nếu đang đóng BHXH mà bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất.

Chế độ tử tuất đối với thân nhân người lao động bao gồm: Trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân đủ điều kiện hoặc trợ cấp tuất một lần.

- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết (đối với người có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên).

- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Đề nghị Bạn đối chiếu hồ sơ thực tế của em trai Bạn, nếu em Bạn thuộc đối tượng đang đóng BHXH mà bị chết thì thân nhân nộp hồ sơ theo quy định cho đơn vị sử dụng lao động để nộp cho cơ quan BHXH giải quyết chế độ tử tuất đối với thân nhân người lao động, đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH.

Về các quyền lợi khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH, đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan quản lý lao động tại địa phương để được trả lời cụ thể.

Câu 63: Bạn đọc từ mail ngocthuy.vvn@gmail.com hỏi:

Tôi là Đặng Thị Ngọc Thùy, tham gia BHXH tại quận Nam Từ Liêm từ đầu năm 2014. Ngày 1/3 tôi làm đơn nghỉ trước sinh 01 tuần. Đến ngày 07/3 bác sỹ nói con tôi bị lưu và cho đẻ chỉ huy. Hiện nay, công ty đang làm thủ tục thai sản, nhưng khi nộp hồ sơ để hưởng chế độ thai sản, BHXH quận Nam Từ Liêm chỉ chấp nhận Tôi được hưởng bảo hiểm từ 7/3 (nộp hồ sơ từ 1/3 bị trả lại, còn để từ 7/3 thì nhận) mà không cho hưởng từ 1/3. Quá bức xúc trước cách làm việc tắc trách của BHXH quận Nam Từ Liêm, tôi nhờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét làm rõ vấn đề cho người lao động.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của Bạn, BHXH quận Nam Từ Liêm đã giải quyết chế độ thai sản đối với bạn là 56 ngày kể từ ngày 01/3/2017 đến hết ngày 25/4/2017 (gồm 50 ngày tính từ thời điểm thai chết lưu ngày 7/3/2017 và 06 ngày nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh từ ngày 01/3/2017 đến ngày 06/3/2017) với mức trợ cấp là 7.352.800 đồng tại Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu C70b-HD) đợt 01 tháng 6/2017 trả cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 703. Đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị để nhận trợ cấp.

Câu 62: Bạn đọc từ địa chỉ email aimykttc@gmail.com hỏi:

Hiện tại em đang có một trường hợp thắc mắc muốn nhờ quý cơ quan, anh chị giải đáp giúp. Cụ thể là trường hợp sinh con ngày 09/10/2016, hình thức sinh mổ và có nghỉ dưỡng sức sau sinh. Vậy bây giờ còn làm được chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh này không? Và làm như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH thì lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tối đa 07 ngày đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.

Như vậy, nếu bạn được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (trong trường hợp đơn vị đã thành lập công đoàn cơ sở) và người sử dụng lao động quyết định cho nghỉ dưỡng sức và thực tế bạn đã nghỉ dưỡng sức trong thời hạn quy định nêu trên thì bạn đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh.

Về thủ tục hồ sơ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH; trường hợp đơn vị nộp chậm hơn so với thời hạn nêu trên thì phải có văn bản giải trình lý do nộp chậm.

Câu 61: Bạn đọc từ mail mr.hunghvktqs@gmail.com hỏi:

Em là Hùng. Em vừa nộp đơn nghỉ việc đầu tháng 9 và hiện tại đã nhận được sổ BHXH. Cuối tháng này em đi nước ngoài làm việc 5 năm, nên em muốn làm thủ tục BHXH một lần thì có được không? Và thủ tục như thế nào?

Hiện tại hộ khẩu của em là ở Tây Nguyên, nhưng em muốn làm thanh toán BHXH một lần ở Hà Nội thì có được không?

BHXH Việt Nam trả lời:

- Tại Điểm c Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014, Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội và Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế quy định điều kiện hưởng BHXH một lần như sau:

+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; những bệnh khác mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục.

+ Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu nhận BHXH một lần.

+ Ra nước ngoài để định cư.

- Theo quy định tại Điều 109 Luật BHXH năm 2014, hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm:

1. Sổ bảo hiểm xã hội

2. Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần;

3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

BHXH Việt Nam cung cấp thông tin về quy định của pháp luật nêu trên để Bạn được biết về điều kiện hưởng BHXH một lần. Để được giải đáp cụ thể hơn, đề nghị Bạn cung cấp hồ sơ, liên hệ với bất kỳ cơ quan BHXH nào cũng sẽ được trả lời cụ thể.

Câu 60: Bạn đọc từ địa chỉ email: yenngotthi1991@gmail.com hỏi:

Lao động nữ đang làm việc bình thường trước đó họ tham gia BHXH lúc nghỉ việc rồi nối tiếp được hơn 3 năm sau đó nghỉ và làm việc tại công ty gần đây nhất tham gia được 9 tháng BHXH rồi và bắt đầu mang bầu nhưng khi đi khám thai họ bảo người lao động phải ở nhà giữ thai không được đi làm.

Trường hợp 1: Công ty thấy lao động không đi làm được cắt nghỉ luôn như vậy người lao động có được hưởng chế độ thai sản như bình thường không ạ và họ phải làm như thế nào ạ?

Trường hợp 2: Khi lao động bị như vậy, công ty báo off cho người lao động thì người lao động có được hưởng chế độ thai sản như bình thường không (cái này nếu được thì công ty đi làm chế độ đúng không ạ)?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định người lao động đủ điều kiện quy định nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp người lao động Bạn nêu, khi mang thai có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nghỉ việc để dưỡng thai, nếu tại thời điểm sinh con người lao động đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì được hưởng chế độ thai sản (kể cả đang làm việc hoặc đã thôi việc trước thời điểm sinh con)

Điều 102 Luật BHXH quy định đối với người lao động đang làm việc sinh con thì nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động để lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH. Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con thì người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú.

Câu 59: Bạn đọc từ địa chỉ email thanhnhanevn8@gmail.com hỏi:

Cho mình hỏi Luật BHXH đối với chế độ thai sản thì bao lâu mình nhận được tiền trợ cấp thai sản?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 3 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định:

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Câu 58: Bạn đọc từ mail: thuy.achau.bmt@gmail.com hỏi:

Em có thắc mắc về hưởng chế độ BHXH một lần nhờ anh, chị tính giùm em với:

Em bắt đầu tham gia BHXH

Từ tháng 9 đến tháng 12/2008 mức đóng BHXH là: 700.000 đồng;

Từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2009 mức đóng là: 700.000 đồng;

Năm 2010 mức đóng bảo hiểm là: 810.000 đồng;

Từ tháng 01/2011 đến tháng 9/2011 mức đóng là: 1.050.000 đồng;

Từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2011 mức đóng là: 1.550.000 đồng;

Năm 2012 mức đóng là: 1.850.000 đồng;

Năm 2013 mức đóng là: 2.050.000 đồng;

Năm 2014 mức đóng là: 2.350.000 đồng;

Năm 2015 mức đóng là: 2.568.000 đồng.

Em nhờ anh/chị tính giùm em là em được hưởng chế độ BHXH một lần.

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật BHXH năm 2014, người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Trong đó tiền lương tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ.

- Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của các năm 2008; 2009; 2010; 2011; 2012; 2013; 2014; 2015 lần lượt là 1,73; 1,62; 1,48; 1,25; 1,15; 1,08; 1,03; 1,03.

Đối chiếu các quy định nêu trên, nếu Bạn đủ điều kiện và hưởng BHXH một lần trong năm 2017 thì mức hưởng BHXH một lần của Bạn được tính như sau:

- Mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng để tính hưởng BHXH một lần:

+ Từ tháng 09/2008 đến tháng 12/2008,

700.000 x 1,73 x 4 (tháng) = 4.844.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2009:

700.000 x 1,62 x 12 (tháng) = 13.608.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2010:

810.000 x 1,48 x 12 (tháng) = 14.385.600 đồng;

Từ tháng 01/2011 đến tháng 9/2011:

1.050.000 x 1,25 x 9 (tháng) = 11.812.500 đồng;

+ Từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2011:

1.550.000 x 1,25 x 3 (tháng) = 5.812.500 đồng;

+ Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2012:

1.850.000 x 1,15 x 12 (tháng) = 25.530.000 đồng;

 + Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013:

2.050.000 x 1,08 x 12 (tháng) = 26.568.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2014:

2.350.000 x 1,03 x 12 (tháng) = 29.046.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2015:

2.568.000 x 1,03 x 12 (tháng) = 31.740.480 đồng;

Tổng thời gian: 4+12+12+9+3+12+12+12+12 = 88 tháng

Tổng số tiền: 4.844.000đ + 13.608.000đ + 14.385.600 + 11.812.500 +

5.812.500 + 25.530.000 + 26.568.000 + 29.046.000 + 31.740.480 = 163.347.080 đồng;

Lương bình quân là: 163.347.080/88 = 1.856.217 đồng         

- Mức hưởng BHXH một lần

+ Nếu thời gian đóng BHXH của Bạn liên tục thì Bạn có thời gian đóng BHXH là 07 năm 04 tháng (trong đó 05 năm 03 tháng đóng BHXH trước ngày 01/01/2014); 03 tháng lẻ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014 trở đi. Như vậy, số tháng đóng BHXH để tính BHXH một lần của bạn được tính là 05 năm trước năm 2014 và 02 năm 03 tháng đóng BHXH giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 2,5 năm):

+ Ta có cách tính cụ thể như sau:

Mức hưởng đối với thời gian đóng BHXH trước năm 2014:

1.856.217 x 5 x 1,5 tháng = 13.921.627 đồng.

Mức hưởng đối với thời gian đóng từ năm 2014 trở đi (02 năm)

1.856.217 x 2,5 x 2 tháng = 9.281.085 đồng.

Tổng số tiền hưởng trợ cấp là: 13.921.626 + 9.281.084 = 23.202.710 đồng.

Câu 57: Bạn đọc từ mail haudn1977@gmail.com hỏi:

Tôi xin hỏi BHXH Việt Nam một việc như sau, mẹ tôi sinh năm 1947 tham gia Hợp tác xã Quyết Tiến thuộc TCN - TCN Tiên Sơn đóng trên địa bàn thị trấn Từ Sơn - huyện Tiên Sơn - tỉnh Hà Bắc cũ từ năm 1964, đến năm 1987 thì nhận đươc quyết định nghỉ mất sức dài hạn, số thời gian thực tế ghi trên quyết định là 23 năm công tác liên tục; mẹ tôi đang hưởng thì bị cắt, mẹ tôi nay tuổi cao, sức yếu. Qua tìm hiểu tôi được biết Nhà nước có chính sách cho những người đã bị cắt trợ cấp được hưởng lại chế độ mất sức, tôi xin hỏi trường hợp mẹ tôi có được hưởng lại không? và nếu được hưởng lại thì phải làm những thủ tục gì. Tôi xin cám ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Điều 1, Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995 của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp mất sức lao động dài hạn trợ cấp thêm đối với người hưu trí cô đơn và công nhân viên chức là quân nhân chuyển ngành về hưu quy định: Bổ sung đối tượng trợ cấp mất sức lao động dài hạn là những người nghỉ việc, đã hoặc đang hưởng trợ cấp mất sức lao động nếu có thời gian công tác đủ 20 năm trở lên (không tính quy đổi theo hệ số).

Những người thuộc diện này đang được hưởng trợ cấp mất sức lao động thì sau khi hưởng trợ cấp đến 1/2 thời gian công tác quy đổi, được tiếp tục hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trường hợp của mẹ Bạn chưa rõ lý do và thời điểm thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động, mặt khác việc xem xét về hưởng lại trợ cấp mất sức lao động phải căn cứ vào hồ sơ hưởng trợ cấp mất sức lao động nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ trả lời cụ thể. Đề nghị mẹ của Bạn cung cấp hồ sơ liên hệ cơ quan BHXH địa phương để được trả lời cụ thể.

Câu 56: Bạn đọc từ địa chỉ email minhncclc@gmail.com hỏi:

Chồng tôi là công nhân công tác tại Công ty Cầu Lào Cai từ năm 1991 đến năm 2010, làm các công việc sau: Thợ hàn tại đội xe máy, thợ hàn tại các công trình xây cầu, bán xăng dầu. Trong thời gian công tác tại công ty Cầu, chồng tôi hay bị đau đầu, ù tai, tức ngực. Tôi đưa chồng tôi khi đi khám tại các bệnh viện Trung ương, được khám và kê đơn thuốc, trong đó có chỉ định mổ tai, vá màng nhĩ, chồng tôi đã vào bệnh viện Tai mũi họng trung ương để điều trị và và màng nhĩ nhưng đến nay màng nhĩ không kín được hết lỗ thủng, bệnh tình ngày càng nặng hơn, năm 2011 chồng tôi chuyển sang làm tại công ty khác. Trước đây do không nắm được chính sách nên khi ở Công ty cầu chồng tôi không đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp. Nay tôi nghe đài báo thấy tuyên truyền về chế độ cho những người làm việc tại nơi độc hại, vì vậy tôi đề nghị quý cơ quan hướng dẫn và trả lời cho tôi biết:

1. Chồng tôi có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi làm các công việc độc hại tại các công ty cầu không?

2. Thủ tục, hồ sơ, quy trình giải quyết như thế nào?

3. Cơ quan sử dụng lao động của chồng tôi trước đây hay cơ quan hiện nay giải quyết?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp (BNN) là:

- Bị BNN thuộc Danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.

Như vậy, để được hưởng chế độ BNN thì trước hết chồng bà phải được xác định là bị BNN thông qua việc khám BNN.

Về hồ sơ: Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc quy định hồ sơ hưởng chế độ BNN đối với người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển việc khác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp gồm:

a) Sổ BHXH đối với người lao động đang làm việc hoặc bản sao quyết định hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động đã nghỉ hưu;

b) Hồ sơ khám BNN;

c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;

d) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ BNN.

Với quy định trên, chồng bà cần liên hệ với đơn vị nơi chồng bà làm việc trước đây để hoàn thiện hồ sơ làm căn cứ đi khám BNN và giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động. Sau khi hoàn thiện hồ sơ thì nộp cho cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

Câu 55: Bạn đọc từ mail thanhnamngn@yahoo.com hỏi:

Cho em hỏi là em nghỉ việc từ 20.09.2016. Giờ em muốn lãnh tiền BHXH một lần, thì em đến nơi đóng BHXH ở nơi đóng hay là phải tới BHXH theo sổ hộ khẩu. Cho em số tiền có thể nhận được khi em lãnh BHXH một lần.

Em có làm thời gian thế này:

08/2012-12/2013 (lương 3.720.000),

01/2014-11/2014 (lương 3.720.000),

12/2014-12/2015 (lương 3.700.000),

01/2016-09/2016 (lương 4.000.000)

Tổng thời gian BHXH bắt buộc là 4 năm 2 tháng.

Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 62 Luật BHXH năm 2014, người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Trong đó tiền lương tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ.

- Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của các năm 2012; 2013; 2014; 2015; 2016 lần lượt là 1,15; 1,08; 1,03; 1,03; 1,0.

Đối chiếu các quy định nêu trên, mức hưởng BHXH một lần của Bạn được tính như sau:

- Mức bình quân tiền lương tháng để tính hưởng BHXH một lần:

+ Từ tháng 8/2012 đến tháng 12/2012:

3.720.000 x 1,15 x 5 (tháng) = 21.390.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013:

3.720.000 x 1,08 x 12 (tháng) = 48.211.200 đồng;

+ Từ tháng 01/2014 đến tháng 11/2014:

3.720.000 x 1,03 x 11 (tháng) = 42.147.600 đồng;

+ Từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2014:      

3.700.000 x 1,03 x 1 (tháng) = 3.811.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2015:

3.700.000 x 1,03 x 12 (tháng) = 45.732.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2016 đến tháng 9/2016:

4.000.000 x 1,0 x 9 (tháng) = 36.000.000 đồng

Tổng thời gian: 5+12+11+1+12+9 = 50 tháng

Tổng số tiền: 21.390.000 + 48.211.200 + 42.147.600 + 3.811.000 +

45.732.000 + 36.000.000 = 197.291.800 đồng;

Lương bình quân là: 197.291.800/50 = 3.945.836 đồng

- Mức hưởng BHXH một lần

+ Bạn có thời gian đóng BHXH là 04 năm 02 tháng (trong đó 01 năm 05 tháng đóng BHXH trước ngày 01/01/2014); 5 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng BHXH để tính BHXH một lần của Bạn được tính là 01 trước năm 2014 và 02 năm 09 tháng đóng BHXH giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 3.5 năm):

+ Ta có cách tính cụ thể như sau:

Mức hưởng đối với thời gian đóng BHXH trước năm 2014:

3.945.836 x 1 x 1,5 = 5.918.754 đồng.

Mức hưởng đối với thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi:

3.945.836 x 3.5 x 2 = 27.620.852 đồng.

Tổng số tiền hưởng trợ cấp là: 5.918.754 + 27.620.852 = 33.539.606 đồng

Câu 54: Bạn đọc từ địa chỉ email loannguyen5893@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH ở Công ty cũ từ tháng 9/2016 đến tháng 11/2016 tại BHXH thành phố Hải Phòng. Do áp lực công việc cộng với việc chậm lương, nên tôi quyết định nghỉ việc và đã được công ty chốt sổ BHXH.

Tôi trở về Hưng Yên quê tôi để làm việc, tôi làm việc cho một công ty tư nhân, nhưng không có hợp đồng lao động, tôi thử việc 03 tháng từ tháng 01/2017 đến hết tháng 3/2017 thì phát hiện có thai được 01 tháng. Do tôi làm được việc nên giám đốc giữ lại để làm việc và tôi cũng muốn ở lại làm để tham gia BHXH để nhận chế độ thai sản và tháng 05/2017 tôi tổ chức đám cưới. Nhưng nhà chồng tôi ở Hải Phòng, tôi vẫn phải ở Hưng Yên để làm việc. Công ty tôi đang làm đóng BHXH cho tôi từ tháng 4/2017 tại BHXH tỉnh Hưng Yên, Tôi dự sinh vào tháng 10/2017. Tôi có tự lên tra cứu thông tin đóng BHXH trên Web của BHXH thì biết được là mới được đóng từ tháng 04/2017 đến tháng 07/2017.

Tôi muốn hỏi với thời gian đóng BHXH như vậy tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Vì tôi dự kiến hết tháng 9/2017 này thì tôi xin nghỉ hẳn việc tại Công ty.

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn, nếu sinh con vào tháng 10/2017 (tháng 10 chấm dứt hợp đồng lao động), khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh được xác định là từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017, nếu Bạn đóng BHXH đến hết tháng 09/2017  và trong khoảng thời gian này Bạn đã có đủ 06 tháng đóng BHXH thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 53: Bạn đọc từ mail tuonglai.nguyen@gmail.com hỏi:

Tôi tên là Nguyễn Thanh Triều, sinh 1940, mang CMND số 023120902 do CA TP.HCM cấp ngày 15/5/2012.

Chỗ ở hiện tại: 205/10G đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận / TP.HCM, là cán bộ hưu trí trình bày và đề nghị việc sau:

Tôi nguyên là sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam nhập ngũ 15/6/1975

Cấp bậc cao nhất trước khi chuyển ngành là Đại úy.

Chức vụ: Đội trưởng thông tin Sân bay hàng không dân dụng (HKDD) Tân Sơn Nhất.

Chuyển ngành (Quyết định chuyển ngành số 13X/G ngày 01/6/1988 của Tổng cục HKDD do ông Phan Đăng Ty, Phó Tổng cục trưởng ky) về Công ty phục vụ cơ quan nước ngoài Thành phố (Quyết định tiếp nhận và điều động số 1209/QĐĐĐ-TCCQ ngày 20/6/1988 do ông Đặng Minh Trí, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ký) khi đang hưởng lương của quân hàm Đại úy (có hệ số lương quân hàm bằng 5,40).

Tôi công tác tại Công ty phục vụ cơ quan nước ngoài Thành phố đến 12/1993 thì nghỉ hưu, tại Phiếu chứng nhận lương hưu và trợ cấp số 1142706 ngày 31/12/1993 của Sở Lao động Thương binh và xã hội thì tôi hưởng mức lương chuyên viên 3, mức lương 463đ được lấy làm cơ sở tính lương hưu của tôi.

Ngày 9/4/2007 Chính phủ có nghị định số 68/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân.

Căn cứ theo hướng dẫn mới nhất tại thông tư Liên  tịch số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 04 tháng 08 năm 2014.

Xin phép hỏi: Tôi có thuộc trường hợp được áp dụng  Mục d, Khoản 3 Điều 1:

d) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành rồi nghỉ hưu mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính theo Điểm a, Điểm b Khoản này thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương bình quân của quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.hay không. Nhiều đ/c bạn tôi có tình trạng tương tự được điều chỉnh lại lương hưu theo như quy định tại thông tư Liên tịch số 101/2014/ TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.

Rất mong quý‎ cơ quan hết sức quan tâm trả lời, để tôi đỡ bị thiệt thòi.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo nội dung Ông trình bày thì Ông đã nghỉ hưu từ tháng 12/1993 nên không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2007) và Thông tư 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 04/8/2014 (có hiệu lực từ ngày 30/9/2014);

Trường hợp của Ông nghỉ hưu từ tháng 12/1993 là thời điểm áp dụng việc tính lương hưu theo quy định tại Nghị định 236 - HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung, sửa đổi một số chế độ chính sách về thương binh và xã hội và Thông tư số 48-TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 236-HĐBT.

Câu 52: Bạn đọc từ mail xinhk7.4@gmail.com hỏi:

Tôi hiện đang đăng kí BHYT tại PKĐK Lĩnh Nam, Hoàng Mai theo dự kiến cuối tháng 10/2017 này tôi sinh con và dự định sẽ sinh tại BV Phụ sản HN. Vậy nếu tôi xin giấy chuyển viện lên BV PSHN để làm hồ sơ sinh thì có đúng tuyến không? Và đến khi sinh tôi có phải xin giấy chuyển viện tiếp không? Bởi vì thường thì tuần 36 đã phải đăng kí làm hồ sơ sinh và khoảng tuần 39, 40 mới đi sinh. Nếu trường hợp tôi sinh thường và sinh mổ thì sẽ được hưởng BHYT như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định về chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB thì trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện phải chuyển người bệnh lên tuyến trên và việc chuyển người bệnh phải thực hiện theo đúng trình tự từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề. Như vậy, để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi đi sinh con tại BV PSHN thì Bà phải thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định.

Khi làm hồ sơ sinh tại BV PSHN thì thủ tục phải kèm theo Giấy chuyển tuyến và người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn các thủ tục tiếp theo để được hưởng đầy đủ quyền lợi.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC thì mức giá của dịch vụ kĩ thuật đẻ thường là 675.000 đồng và đẻ mổ là 2.223.000 đồng. Như vậy, nếu Bà nhập viện đúng quy định sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi và mức hưởng trên thẻ của Bà. Trường hợp Bà nhập viện không đúng quy định thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí sinh con tại BV PSHN.

Câu 51: Bạn đọc từ mail linhmiwon@gmail.com hỏi:

Người công ty tôi bị sốt xuất huyết và phải nằm viện điều trị gần 1 tuần và tham gia BHYT. Vậy có được thanh toán tất cả các dịch vụ KCB hay không (điều trị miễn phí) và quy trình thanh toán với bệnh sốt xuất huyết như thế nào? Trong trường hợp nghỉ để điều trị có được trả lương?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Việc thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT (trong đó có chi phí điều trị bệnh sốt xuất huyết) phụ thuộc vào mức hưởng của đối tượng và phạm vi quyền lợi hưởng BHYT theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Theo đó:

- Trường hợp người tham gia BHYT đi KCB đúng quy định thì được hưởng đầy đủ quyền lợi về KCB BHYT;

- Trường hợp người tham gia đi KCB không đúng quy định thì được hưởng 100% chi phí điều trị tại các Bệnh viện tuyến huyện, 60% chi phí điều trị nội trú tại các Bệnh viện tuyến tỉnh và 40% chi phí điều trị nội tru tại các Bệnh viện tuyến Trung ương;

- Trường hợp cấp cứu thì được KCB tại bất kì cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng 1 giấy tờ chứng minh nhân thân trước khi ra viện để được hưởng đầy đủ quyền lợi KCB BHYT.

2. Về vấn đề trả lương khi nghỉ ốm để điều trị thì thực hiện theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn. Theo đó: (chuyển Ban CSXH trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ).

Câu 50: Bạn đọc từ mail huynhnhu021092@gmail.com hỏi:

Em có đọc thông tin trong mục "Bảo hiểm y tế bắt buộc" có mục:

II. Mức hưởng BHYT:

A. Mức hưởng tại cơ sở KCB BHYT:

d) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT đối với các trường hợp đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên tính đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Người bệnh có trách nhiệm lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm".

Vậy quý bảo hiểm cho em hỏi chứng từ thu chi phí cùng chi trả mà người bệnh có trách nhiệm lưu trữ phải là bản gốc hay bản photo công chứng hoặc bản photo (trường hợp mất bản gốc) có được không?

Về việc thông tuyến khi đi khám chữa bệnh nếu em đăng ký khám chữa bệnh tuyến huyện tại Bình Dương nhưng nếu em đi khám bệnh cũng là tuyến huyện ở TP.Hồ Chí  Minh có được không?

Rất mong nhận được sự phản hồi từ BHXH.

BHXH Việt Nam trả lời:

Chứng từ thu chi phí bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan). Trong trường hợp người bệnh làm mất hóa đơn bản gốc thì có thể quay lại cơ sở KCB nơi phát hành hóa đơn để xin cấp lại.

Đối với vấn đề thông tuyến mà bạn hỏi: hiện nay, Luật BHYT đã quy định thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Do đó, trường hợp Bạn đăng kí KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện tại Bình Dương thì có thể đi KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 49: Bạn đọc từ mail tonlaothien@gmail.com hỏi:

Thời gian qua, BHXH đang cố gắng xử lý vấn đề bội chi quỹ. Tôi xin phản ánh trường hợp của BVĐK huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An. Theo lời kể của nhân viên ngành y, tôi có được nghe rằng bây giờ phần lớn sản phụ đẻ ở BV huyện, dù sản phụ thường sẽ ra về ngay ngày hôm sau, nhưng phải đến 1 tuần sau đó, sản phụ mới được yêu cầu quay lại BV để lấy thẻ BHYT, ngoài ra, người đó cũng nói về việc BV huyện Anh Sơn không phải là BV duy nhất, bởi trên địa bàn tỉnh có không ít BV trả thẻ BHYT cho người bệnh sau tận 2 tuần kể từ khi bệnh nhân ra viện. Tôi thấy bức xúc nên gửi mail mong BHXH kiểm tra?

BHXH Việt Nam trả lời:

Đối với vấn đề phản ánh của bạn, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị BHXH tỉnh Nghệ An kiểm tra cụ thể. Trân trọng cảm ơn những đóng góp của Bạn!

Câu 48: Bạn đọc từ mail hoangsen46dn2nt@gmail.com hỏi:

Tôi ở Khánh Hòa, năm 2013 vào BV Từ Dũ làm thụ tinh ống nghiệm đến tháng 8/2017 tôi vào chuyển phôi trữ tại khoa hiếm muộn của BV, Lúc này siêu âm bác sĩ phát hiện tôi có polip trong lòng tử cung và hẹn tôi sạch kinh vào lại viện hội chẩn để mổ nội soi cắt polip. Tôi biết điều trị hiếm muộn không được hưởng BHYT, tôi có BHYT ở Khánh Hòa có giấy chuyển  đúng tuyến vào BV Từ Dũ tôi mổ nội soi cắt polip trước khi điều trị hiếm muộn tiếp thì có được hưởng BHYT không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp Bà có giấy chuyển tuyến đúng quy định lên BV Từ Dũ thì sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi KCB BHYT trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ của Bà.

Câu 47: Bạn đọc từ mail lienmy01@gmail.com hỏi:

Chúng tôi là một bệnh viện ngoài công lập, chúng tôi đang thực hiện khám BHYT cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thanh quyết toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội thì có 1 dịch vụ kỹ thuật Xét nghiệm (có mã tương đượng trong quyết định 3465 của Bộ Y Tế) bị từ chối thanh toán, lý do bị từ chối: Hóa chất sử dụng cho dịch vụ này không có trong danh mục trúng thầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh của chúng tôi. Theo như chúng tôi được biết, giá DVKT theo thông tư 37 thanh toán cho xét nghiệm là giá trọn gói và bệnh viện chúng tôi tự đầu tư mua sắm hệ thống trang thiết bị xét nghiệm và hóa chất (có hóa đơn tài chính theo đúng quy định), quy trình xét nghiệm của chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế và khoa xét nghiệm của chúng tôi cũng đã được chứng nhận An toàn sinh học cấp 2. Nay chúng tôi kính nhờ quý cơ quan có thể cho chúng tôi thông tin chi tiết chi tiết trong thanh quyết toán với những dịch vụ kỹ thuật thanh toán giá trọn gói để chúng tôi làm cơ sở thu giá dịch vụ đối với người bệnh có thẻ BHYT đến khám tại bệnh viện chúng tôi.

BHXH Việt Nam trả lời:

Về nguyên tắc, quỹ BHYT chỉ thanh toán khi dịch vụ kĩ thuật thuộc danh mục được Bộ Y tế ban hành và mức giá quy định tại Thông tư liên tịch số 37. Đối với các thuốc, hóa chất, vật tư y tế được sử dụng trong dịch vụ kĩ thuật phải được mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Câu 46: Bạn đọc từ mail ngamonette@gmail.com hỏi:

Tôi bị suy tim nặng, giai đoạn 4, bác sĩ chỉ định tôi phải cấy máy tạo nhịp tim 3 buồng tái đồng bộ cơ tim CRT. Tôi nghe nói BHYT thực hiện chính sách chi trả mới từ ngày 01/6/2017 theo Thông tư 02/2017 của BYT. Tôi có BHYT hưu trí, vậy tôi được chi trả bao nhiêu tiền?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 04/2017/TT-BYT đã quy định mức giá được quỹ BHYT thanh toán khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật Ông hỏi bao gồm:

-  Dịch vụ kỹ thuật “Cấy/ đặt máy tạo nhịp/ cấy máy tạo nhịp phá rung” là 1.524.000 đồng/lần;

-  Vật tư y tế “Máy tạo nhịp 3 buồng tái đồng bộ cơ tim trong điều trị suy tim” tối đa được thanh toán 240.000.000 đồng/bộ

Như vậy, khi Ông thực hiện khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định quỹ BHYT thanh toán cho Ông 95% các chi phí nêu trên;

Trường hợp Ông đi khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định thì chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Câu 45: Bạn đọc từ mail khthbvpy@gmail.com hỏi:

Tại Thông báo 798/TB-BYT-BHXHVN  ngày 12/7/2017 hướng dẫn về thanh toán giường bệnh nội trú: giả sử trước khi thực hiện Thông tư 37 Bệnh viện có A giường kế hoạch và B giường kê thêm (giường kê thêm đã được SYT phê duyệt). Số giường đề nghị thanh toán năm 2017 là không quá số giường (A+B)x130%. Như vậy có đúng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Hiện nay, việc thanh toán giường bệnh nội trú đang được Bộ Y tế và BHXH VN nghiên cứu và sẽ có hướng dẫn cụ thể sau.

Câu 44: Bạn đọc từ mail tonghuongth@gmail.com hỏi:

Bố tôi có thẻ bảo hiểm y tế số: KC2381804900045, nơi đăng ký KCB ban đầu: Phòng khám đa khoa An Việt.

Thời hạn sử dụng: 01/01/2017 đến 31/12/2017.

Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ 01/09/2019.

Hiện tại, bố tôi đang điều trị bệnh ung thư trực tràng tại Bệnh viện 175 (Hồ Chí Minh).

Cho tôi hỏi:

1. Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế của bố tôi như trên được chi trả bao nhiêu % chi phí khám chữa bệnh?

2. Thẻ bảo hiểm này có áp dụng toàn quốc không?

3. Bố tôi đang điều trị tại bệnh viện khác nơi đăng ký KCB ban đầu thì có cần những thủ tục nào để được hưởng mức chi trả cao nhất?

Rất mong sớm nhận được phản hồi của qúy cơ quan!

Trân trọng!

BHXH Việt Nam trả lời:

Đối với các vướng mắc của Bà, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

1. Bố của Bà có thẻ BHYT mang mã quyền lợi hưởng là 2 – được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật), chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kĩ thuật.

2. Thẻ BHYT này được đi KCB BHYT tại tất cả các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Mức hưởng phụ thuộc vào việc đi KCB đúng quy định hay không đúng quy định.

3. Khi đang điều trị tại bệnh viện khác nơi đăng ký KCB ban đầu thì mức hưởng phụ thuộc vào thủ tục khi đi KCB BHYT và không thể thay đổi thủ tục để được mức hưởng cao nhất.

Câu 43: Bạn đọc tên Hoàng Linh, Hà Nội hỏi:

Con tôi sinh năm 2013, hiện nay chưa được cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi lý do gia đình chưa được tổ phụ nữ thông báo làm. Sau đó, đến năm 2015 gia đình chuyển chỗ ở, hộ khẩu vẫn để tại nơi cũ (chuyển cùng trong phạm vi phường, đăng kí hộ khẩu tại quận Hoàng Mai. Đến nay, con tôi 3 tuổi là khám nằm viện tại BV Xanh pôn. Con tôi có được hưởng quyền lợi BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi không và nếu được hưởng ở mức nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng kí và quản lý hộ tịch và Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con và được đăng kí cấp thẻ BHYT cho trẻ ngay khi cha mẹ đến làm thủ tục đăng kí khai sinh.

Tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định “Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh”, đồng thời đề nghị Bà liên hệ với UBND nơi cư trú để được bổ sung thẻ BHYT cho con.

Câu 42: Bạn đọc tên Trương Hồng Hà, Thái Bình hỏi:

Tôi là người dân đang sử dụng thẻ BHYT, tôi muốn hỏi bên BHXH có quy định nào cho vấn đề giường nằm điều trị nội trú (có quy định cụ thể nào về số ngày nằm viện sau đẻ, mổ đẻ).

BHXH Việt Nam trả lời:

BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện, việc ban hành các quy định về KCB thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng một số cơ sở KCB kéo dài ngày điều trị nội trú; chuyển các bệnh có thể điều trị ngoại trú vào điều trị nội trú để thanh toán tiền ngày giường gây gia tăng chi phí KCB BHYT bất hợp lý; không đảm bảo hiệu quả sử dụng quỹ KCB BHYT. Việc chỉ định thời gian người bệnh phải nằm điều trị nội trú thuộc thẩm quyền quyết định của bác sĩ và căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân.

Câu 41: Bạn đọc tên Nguyễn Nga - Hà Nội hỏi:

Cho tôi hỏi là thông tuyến BHYT nhưng ở chỗ tôi chỉ áp dụng cho tuyến xã lên TTYT huyện. Tôi ở Đông Anh, có thẻ BHYT ở BV Đông Anh nhưng không được thông tuyến ra BV Bắc Thăng Long, như vậy có đúng Luật không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Bệnh viện đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long đều là Bệnh viện tuyến tỉnh. Do đó, theo quy định của Luật BHYT, việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc chỉ được thực hiện kể từ ngày 01/01/2021.

Câu 40: Bạn đọc Huy Hiếu – TP. Hồ Chí Minh hỏi:

Tôi có nghe BHYT có đề xuất tăng từ 50% lên 100% đối với thuốc điều trị ung thư Avastin. Nhưng vừa rồi ngày 27/4/2017 tôi đưa bố đi hóa trị tại BV ĐH YD tp HCM thì biết là thuốc Avastin chỉ được BHYT thanh toán 50%. Cho tôi hỏi thuốc Avastin đã được đề xuất tăng từ 50% đến 100% là có không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, thuốc Avastin có hoạt chất Bevacizumab được chỉ định sử dụng tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và được quỹ BHYT thanh toán 50% chi phí trong phạm vi và mức hưởng của người tham gia BHYT.

Hiện nay, Bộ Y tế đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 40/2014/TT-BYT và chưa hoàn thiện. Do đó, việc thanh toán thuốc tân dược vẫn được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT.

Câu 39: Bạn đọc tên Phan Ngọc Nhi hỏi:

Công ty mình đăng kí BHYT cho mình tại BV quận Hồng Bàng. Tuy nhiên, mình sắp đến kì sinh con và muốn về BV huyện mình ở Tiên Lãng cho gần nhà thì mình có phải làm thủ tục chuyển tuyến không? Và được hưởng chi phí như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Do Bệnh viện đa khoa huyện Tiên Lãng là bệnh viện tuyến huyện nên khi bà sinh con tại đây thì không cần phải thực hiện chuyển tuyến và vẫn được hưởng đầy đủ chi phí KCB BHYT theo quy định về thông tuyến KCB BHYT.

Câu 38: Bạn đọc tên Trần Văn Hải hỏi:

Tôi tham gia BHYT hộ gia đình được 3 năm liên tục, năm nay tôi đi khám bác sĩ bảo tôi mổ dao gamma chữa u não. Vậy tôi  được hưởng BHYT bao nhiêu %. Tôi tham gia BHYT hộ gia đình trong Bình Thuận, nay tôi ra BV QY 108 mổ kỹ thuật cao có được không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Do Ông thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình nên mức hưởng BHYT là 80% chi phí KCB BHYT (bao gồm cả trường hợp nhập viện để mổ u não) khi đi KCB đúng quy định (đúng nơi đăng ký KBC ban đầu; xuất trình đầy đủ thủ tục; có giấy chuyển tuyến).

Để được thực hiện DVKT cao tại Bệnh viện QY108 và được hưởng đầy đủ chi phí KCB BHYT thì cần có Giấy chuyển tuyến từ cơ sở KCB tại Bình Thuận ra BV 108.

Câu 37: Bạn đọc từ mail welltime_p@hcm.vnn.vn hỏi:

Tôi tên Võ Kim Hoàng Oanh, số CMND: 024882489 hiện số sổ BHXH 8913001632, trước tôi có tham gia tại BHXH địa phương và đã mất, tôi đi làm công ty mới tham gia tiếp quá trình tại cơ quan BHXH TP.HCM. Hiện tại tôi nghỉ việc từ tháng 05/2017 giờ tôi muốn chốt sổ thì xin cấp sổ lại ở đâu? Cá nhân tôi đi làm lại sổ hay công ty tôi làm thủ tục làm lại như thế nào? Và xin cho tôi biết tính đến thời điểm hiện tại nghỉ việc tôi tham gia đóng BHXH được bao lâu?

BHXH Việt Nam trả lời:

Quy định nộp hồ sơ cấp lại sổ BHXH đối với người tham gia được thực hiện theo quy định tại Tiết c, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT (gọi tắt là Quyết định số 595/QĐ-BHXH) như sau: “Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH; Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH nộp cho cơ quan BHXH”. Thủ tục cấp lại sổ BHXH đối với người tham gia gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Để biết thông tin quá trình đóng BHXH của mình, đề nghị Bạn tra cứu tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn.

Câu 36: Bạn đọc từ mail hongchubby8685@gmail.com hỏi:

Chào anh/chị. Em hiện đang công tác trong lực lượng CAND. Em vừa được cấp phát thẻ BHYT. Em sinh ngày 9/5 nhưng thẻ BHYT thì ghi ngày 19/5. Em có báo cho bộ phận tổ chức để được cấp lại nhưng sang tuần em có đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ (theo như chỉ định của bác sĩ). Vậy, anh chị cho em hỏi: em cần phải có giấy tờ gì để em đi khám vẫn được hưởng chế độ BHYT?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì cấp lại, đổi thẻ BHYT trường hợp thay đổi thông tin: không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; trường hợp người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện trong ngày khi đủ hồ sơ theo quy định.

Trường hợp của bạn chưa nêu rõ nguyên nhân do đâu thẻ BHYT đã cấp chưa in đúng ngày sinh của bạn. Trường hợp cơ quan BHXH chưa in thẻ đúng thông tin từ Danh sách đơn vị cung cấp, bạn có thể yêu cầu cơ quan BHXH kiểm tra, đổi lại ngay thẻ BHYT mà không phát sinh thêm giấy tờ chứng minh nhân thân.

Câu 35: Bạn đọc từ mail nguyenthitrucly.edu@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi nếu sai ngày sinh ghi trên thẻ BHYT thì có chỉnh sửa online được không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 29/5/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì các tổ chức, cá nhân nếu đăng ký tham gia giao dịch điện tử và sử dụng giao dịch điện tử trong việc tham gia, đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế thì nếu sai ngày sinh ghi trên thẻ BHYT có thể thực hiện online mà không cần phải nộp thủ tục, hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Câu 34: Bạn đọc từ mail hiennguyenqs@gmail.com hỏi:

Hiện tôi có 2 thẻ BHYT, 1 thẻ BHYT tôi được nhận do công ty tôi đang làm việc có đóng BH cho nhân viên; 1 thẻ BH bảo hiểm dịch vụ tôi được hưởng từ công ty chồng tôi. Vậy cho tôi hỏi, khi đi sinh tôi dùng thẻ BH dịch vụ tôi được hưởng bên công ty chồng thì tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Hay là phải bắt buộc dùng thẻ BHYT được cấp từ nơi tôi làm việc thì mới được hưởng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm 2 Khoản 7, Điều 1 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014 quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”; Điểm 2 Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Trường hợp của bạn, do câu hỏi không nêu rõ, tuy nhiên nếu bạn có 2 thẻ BHYT thì bạn sẽ được hưởng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT của đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Câu 33: Bạn đọc từ mail hienyuki24@gmail.com hỏi:

Tôi mất sổ BHXH và CMND, giờ tôi muốn xin cấp lại sổ BHXH thì tôi cần làm những thủ tục gì?

Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng gồm: “Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)” và nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH hoặc thông qua đơn vị nơi Bạn đang làm việc.

Câu 32: Bạn đọc từ mail ngochanh0605@gmail.com hỏi:

Kính gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội, em có một vấn đề muốn nhờ cơ quan giải đáp giúp em là em đã nghỉ làm ở công ty 9 tháng nay nhưng công ty chưa cắt bảo hiểm của em (do tiền bảo hiểm của những nhân viên còn lại cũng chưa đóng) nên đến giờ em vẫn không thể chốt và rút sổ bảo hiểm được. Vậy cho em hỏi là em có cách nào chốt lại bảo hiểm từ tháng công ty đã đóng rồi để xin rút sổ bảo hiểm ra không ạ? Vì bị giam sổ như thế rất bất lợi cho em. Em chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Tiết 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định như sau: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Trường hợp của Bạn, do đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN nên chưa làm thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH cho người lao động. Vì vậy, Bạn liên hệ với đơn vị cũ làm thủ tục nộp cơ quan BHXH để xác nhận sổ BHXH theo quy định nêu trên và trả sổ BHXH cho người lao động.

Câu 31: Bạn đọc từ mail ngothaonhu.nina@gmail.com hỏi:

Trước em có làm ở 1 công ty đã có sổ BHXH, nhưng sau đó em nghỉ và không có rút BHXH, hiện tại em đang làm tại công ty mới, và công ty mới đã mở sổ BHXH mới cho em. Như vậy số sổ BHXH cũ có còn hiệu lực không? Có cần gộp 2 sổ lại không ạ? Nếu sổ cũ em mất rồi, có thể sử dụng 1 sổ mới có được không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của Bạn được quy định tại Khoản 4, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH như sau: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới”. Trường hợp mất sổ BHXH tham gia lần đầu, đề nghi Bạn đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn giải quyết.

Câu 30: Bạn đọc từ email thaiphd@gmail.com hỏi:

Chào anh chị, tôi tên Phạm Hàng Duy Thái. Trong thời gian chờ được cấp thẻ mới, ví dụ thẻ mới sẽ có hạn sử dụng từ ngày 15/9/2017 tới 14/9/2018, nhưng ngày cấp thẻ mới sẽ là ngày 02/10/2017 chẳng hạn, thì trong thời gian từ 15/9/2017 tới 02/10/2017 nếu tôi phải sử dụng dịch vụ y tế thì làm thế nào để được hưởng BHYT? Tôi nghĩ lẽ ra có thể dùng tờ phiếu thu tiền gia hạn BHYT kèm theo thẻ cũ có đúng không? Trân trọng!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2.4 Công văn số 4955/BHXH-ST ngày 06/11/2017 của BHXH Việt Nam về việc tổ chức in, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH và lập danh sách cấp thẻ BHYT năm 2018 thì các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam “có trách nhiệm điều chỉnh, vận hành các hệ thống phần mềm để hỗ trợ người tham gia BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh tra cứu được giá trị của cả thẻ BHYT có mã số BHXH và thẻ BHYT cũ trong trường hợp người tham gia BHXH xuất trình 1 trong 2 thẻ BHYT còn giá trị để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia đi khám chữa bệnh”.

Vì vậy, trong thời gia chờ nhận thẻ BHYT mới, bạn vẫn có thể dùng thẻ BHYT cũ (còn hạn sử dụng) để đi khám chữa bệnh, đảm bảo mọi quyền lợi theo quy định.

Câu 29: Bạn đọc từ mail dat.nguyenphuong@sato-global.com hỏi:

Tôi không đóng bảo hiểm xã hội hơn 2 năm và đã tất toán hưởng chế độ 1 lần. Nay đi làm lại, công ty mới muốn đóng bảo hiểm cho tôi. Nhưng tôi bị thất lạc sổ bảo hiểm và không còn nhớ số sổ bảo hiểm của mình.Vậy tôi phải làm sao để tìm lại được số sổ bảo hiểm của mình?

BHXH Việt Nam trả lời:

Để biết thông tin mã số BHXH (số sổ BHXH), mã hộ gia đình của mình, đề nghị Bạn tra cứu tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn để thông báo cho đơn vị mới.

Câu 28: Bạn đọc từ mail kimlien.ktvinabox@gmail.com hỏi:

Năm 2015 em có làm cho một công ty ở Hải Phòng và đến tháng 6/2015 em được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở công ty này. Đến tháng 1/2016 em xin nghỉ sinh em bé. Sau khi sinh bé xong em đã nộp đầy đủ giấy tờ: Giấy chứng sinh của con, giấy khai sinh của em, giấy chứng minh thư của em để kế toán công ty làm thủ tục cho em được hưởng chế độ thai sản. Em có chờ đợi và hỏi công ty thì được kế toán trả lời vì công ty đang nợ tiền bảo hiểm trên bảo hiểm xã hội, vậy nên chưa thể trả tiền bảo hiểm thai sản cho em được.Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình nên em đã không tiếp tục làm việc tại công ty này nữa nên em xin nghỉ việc ở công ty này luôn. Giờ đến năm 2017, em vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm thai sản. Và hiện tại em đang làm ở một đơn vị khác, em muốn được chốt sổ bảo hiểm cũ, số sổ ở công ty trước em đã làm và đang nợ tiền bảo hiểm. Qua thăm dò những người cũ ở đó thì em được biết là công ty này mới đóng hết tiền bảo hiểm với Bảo hiểm xã hội hết tháng 11/2015 thôi. Mà trong khi thời gian em làm ở đó thì tháng nào công ty cũng thu tiền bảo hiểm của em. Hiện giờ làm thế nào để em có thể chốt sổ bảo hiểm cũ để em đóng được ở đơn vị mới. Vì em thấy mọi người nói là công ty cũ đang nợ tiền bảo hiểm thì Bảo hiểm xã hội không chốt sổ cho em được. Mong anh chị giúp em!

Trân trọng cám ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Tiết 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định như sau: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Trường hợp của Bạn, do đơn vị cũ nợ tiền đóng BHXH, BHTN nên chưa làm thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH cho người lao động. Vì vậy, Bạn liên hệ với đơn vị cũ làm thủ tục xác nhận sổ BHXH theo quy định nêu trên nộp cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

Câu 27: Bạn đọc từ mail cokhiqt@yahoo.com.vn hỏi:

Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Quang Trung xin hỏi quý cơ quan nội dung sau:

+ Vừa qua, tại DN có 01 trường hợp NLĐ là anh Phạm Văn Toàn (sinh năm 1968) đã tham gia BHXH trên 30 năm, đem nộp hồ sơ đến bộ phận 01 cửa của BHXH tỉnh để xin được đính chính thông tin nhân thân liên quan (sinh năm 1964), có photo bản CMND + sổ hộ khẩu + bản sao giấy khai sinh (bản gốc).

+ Nhưng bộ phận một cửa (cô Dương) yêu cầu phải cung cấp thêm Lý lịch đảng viên Phạm Văn Toàn để BHXH xem xét duyệt giải quyết: Vậy BHXH tỉnh căn cứ theo văn bản và quy định hiện hành nào của BHXH Việt Nam để bắt buộc DN phải cung cấp hồ sơ đặt thêm này?.

+ Nếu NLĐ không có Lý lịch đảng viên thì có được giải quyết chế độ hay không?

Doanh nghiệp xin quý cơ quan cho DN được biết và hướng dẫn để DN bổ sung các thủ tục đúng theo quy định.

Xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do thay đổi ngày, tháng, năm sinh đối với người tham gia được quy định tại Tiết a, Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH như sau: “Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và Chứng minh thư/ Thẻ căn cước/ Hộ chiếu; Trường hợp là đảng viên theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.

Theo quy định tại Công văn số 7066/VPCP-TCCV ngày 25/8/2016 của Văn phòng Chính phủ căn cứ ý kiến Kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 về việc xác định tuổi của đảng viên: “Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên”.

Vì vậy, nếu trường hợp người lao động là đảng viên thì phải cung cấp hồ sơ đảng để làm căn cứ xem xét, giải quyết.

Câu 26: Bạn đọc từ email hoangtuag1978@yahoo.com hỏi:

Bác tôi là Phạm Hòa A, tham gia BHXH bắt buộc Bộ Quốc phòng từ tháng 05/1977 đến 05/2017 được 40 năm 01 tháng, nghỉ hưu vào tháng 06/2017 cấp bậc trung tá không tham gia chiến trường Cămpuchia và không có huân, huy chương kháng chiến, về địa phương nhận lương hưu nhưng khi in thẻ BHYT in ra là mức 3. Vậy bác tôi có được hưởng mức quyền lợi 2 không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2 Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất “. Trường hợp bác của bạn thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng người hưởng lương hưu đồng thời cũng thuộc đối tượng cựu chiến binh. Vì vậy, bác của bạn được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng cựu chiến binh có ký hiệu là HT2, đề nghị bác của bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được đổi thẻ theo quy định.

Câu 25: Bạn đọc từ email ngocamtu1294@gmail.com hỏi:

Tôi là sinh viên đã ra trường  vào tháng 10/2016 và thẻ BHYT của tôi khi đóng tại trường hết hạn vào ngày 31/12/2016. Thẻ được mua tại trường ĐH Công nghiệp thực phẩm. Sau đó, tôi đã tiếp tục mua BHYT tại địa phương (tỉnh Vĩnh Long) từ ngày 01/01/2017 đến 31/07/2017. Nhưng sau đó tôi bắt đầu đi làm tại Công ty sản xuất ở Khu Công nghiệp Xuyến á Long An và được công ty đóng BHYT, bộ phận nhân sự do không nắm rõ, nên đã mua cho tôi bắt đầu từ ngày 01/07/2017.

- Tại sao thẻ của tôi hạn cũ tới 31/07 mới hết, mà bên nhân sự mua từ 01/07/2017 vẫn có thể được, đáng ra BHYT nên nắm rõ hạn đóng của chủ thẻ và cập nhật thông tin. Như vậy, giống như tôi đã mất đi 01 tháng tiền đóng BH vì đã đóng trùng 01 tháng?

-  Thẻ BHYT tôi mua ở Vĩnh Long có ghi: Thời điểm đủ 05 năm liên tục từ 01/01/2022, thẻ BHYT của công ty mua ghi: Thời điểm đủ 05 năm liên tục từ 01/07/2022. Như vậy, có phải tôi đã thiệt 06 tháng để hoàn thành 5 năm liên tục  Vậy bên nào đúng, trong trường hợp này tôi nên liên hệ với ai và như thế nào để giải quyết vấn đề này?

- Tôi cũng có thấy với mỗi người đóng BHYT thì chỉ sở hữu một số duy nhất và không thay đổi trong suốt quá trình tham gia BHXH. Vậy số thẻ này là giống nhau xuyên suốt cho cả đời mỗi người hay câu này có ý nghĩa là 1 thẻ thì có 1 mã số có giá trị theo thời gian sử dụng của thẻ đó.

-  Tôi không rõ với mã số thẻ, hai chữ đầu tiên (DN, GD) có nghĩa là gì? Chữ này khác nhau thì chế độ hay quyền lợi có khác gì nhau hay không

BHXH Việt Nam trả lời:

Thực hiện Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, cơ quan BHXH thực hiện cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT; theo đó mỗi người có duy nhất một mã số BHXH và không thay đổi trong suốt quá trình tham gia BHXH, người tham gia không cần xuất trình giấy tờ hay lập lại các thủ tục như tham gia lần đầu, chỉ cần nhớ và báo lại cho cơ quan BHXH mã số BHXH khi làm thủ tục để tham gia tiếp. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện do chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về quá trình đóng BHYT; người lao động có quá trình tham gia BHYT ở tỉnh khác…nên còn một số trường hợp đóng trùng BHYT,  in thông tin 05 năm liên tục trên thẻ BHYT chưa đúng. Trường hợp của bạn nếu bị đóng trùng BHYT và thông tin 05 năm liên tục chưa đúng, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH để thực hiện hoàn trả tiền đóng trùng và in lại thông tin thời điểm đủ 05 năm liên tục ghi trên thẻ BHYT.

- Theo Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mã số ghi trên thẻ BHYT thì mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 4 ô, 2 ký tự đầu (ô thứ nhất): được ký hiệu bằng chữ (theo bảng chữ cái latinh), là mã đối tượng tham gia BHYT.

DN: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

GD: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ các đối tượng quy định tại các điểm a,b,c,d nêu trên.

Cả hai mã đối tượng tham gia BHYT nêu trên đều có mức quyền lợi như nhau, ký hiệu bằng số 4

Câu 24: Bạn đọc từ mail dungtran7987@gmail.com hỏi:

Tôi tên là Trần Chí Dũng, sinh ngày 01/12/1986. Tôi tham gia BHYT liên tục thời gian đã hơn 05 năm, cụ thể:

- Khi tôi còn đi học tôi tham gia BHYT cho sinh viên ở tỉnh Đồng Tháp, sau khi hết khóa học tôi lấy các thông tin của thẻ BHYT đã tham gia ở tỉnh Đồng Tháp cung cấp cho nhân viên bán để tham gia BHYT ở tỉnh Bến Tre.

- Thời gian tham gia của tôi liên tục và kéo dài hơn 8 năm nhưng trên thẻ BHYT hiện tại với số GD4830402202150 có ghi:”Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ ngày 01/01/2019” tức là chưa đủ 5 năm liên tục.

Vậy, nhờ BHXH Việt Nam tra cứu trên cơ sở dữ liệu cũng như tư vấn cho tôi thêm về các thông tin được ghi trên thẻ của tôi. 

BHXH Việt Nam trả lời:

Để việc xác định thời gian tham gia BHYT liên tục đảm bảo chính xác,  BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3222/BHXH-ST ngày 24/08/2016;  Công văn số 4656/BHXH-CNTT ngày 21/11/2016 trong đó quy định “Đối với thẻ BHYT đã cấp mà còn giá trị và thông tin thời gian tham gia liên tục chưa chính xác: BHXH tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn người tham gia BHYT liên hệ với cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và thực hiện đổi thẻ ngay trong ngày khi nhận đủ thông tin”.

Trường hợp thẻ BHYT của bạn có ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục chưa chính xác, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi đã tham gia trước đó và cung cấp thông tin về mã thẻ để kiểm tra và đổi thẻ theo quy định nêu trên.

Câu 23: Bạn đọc từ mail nguyendinhminh1983@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH ở công ty thứ 1 đến 6/2016 thì nghỉ, tôi đã được công ty này chốt BHXH và trả sổ. Sau đó tôi nghỉ và đến 1/2017 tôi đi làm ở công ty thứ 2 đến tháng 7/2017 tôi lại nghỉ để chuyển sang công ty thứ 3. Cho tôi hỏi nếu giờ công ty thứ 2 không chốt sổ cho tôi thì tôi có được bảo lưu thời gian đã tham gia ở công ty thứ 1 không? Hiện nay tôi vẫn đang giữ sổ và chưa nộp về công ty thứ 2, vậy tôi có tự cầm sổ đi chốt được không ạ? Xin cám ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của Bạn, nếu đã được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH thời gian từ khi bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH, BHTN ở công ty thứ 1.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20/11/2014 như sau: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Việc công ty thứ 2 không làm thủ tục xác nhận sổ BHXH cho người lao động khi nghỉ việc dừng đóng BHXH, BHTN là không đúng quy định nêu trên. Vì vậy, Bạn liên hệ và đề nghị công ty thứ 2 làm thủ tục xác nhận sổ BHXH nộp cơ quan BHXH để xem xét, giải quyết.

Câu 22: Bạn đọc từ mail baodvme@gmail.com hỏi:

Em là Dương Văn Bảo ở Bắc Giang. Em có vấn đề phát sinh về sổ BHXH như sau mong anh chị giúp em:

Năm 2012 em có làm việc tại một công ty ở tỉnh Bắc Ninh và đóng BHXH được 10 tháng rồi nghỉ việc. Em đã rút sổ BHXH và về nộp cho Phòng BHXH của huyện Việt Yên, Bắc Giang làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần, các giấy tờ về xác nhận đã hưởng BHXH 1 lần em đã bị mất.

Đầu năm 2014 em vào làm việc cho 1 công ty khác ở Bắc Ninh, ban đầu công ty nói sẽ làm sổ mới. Đến năm 2016 phía công ty yêu cầu em về cơ quan BHXH của huyện để cấp lại các giấy tờ cần thiết (QĐ đã hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, giấy  xác nhận thời gian đóng BHTN chưa hưởng- mẫu C15) hoặc làm thủ tục cấp lại sổ BHXH.

Nhưng khi em lên nơi thanh toán sổ BHXH ở Huyện Việt Yên, họ không đồng ý cấp lại bất cứ giấy tờ hay xác nhận nào. Yêu cầu em về làm việc lại với công ty. Phía công ty thì nói đây là vấn đề của em và BHXH huyện.

Em có tìm hiểu về việc báo mất sổ BHXH thì trong hồ sơ báo cần chuẩn bị vẫn yêu cầu phải có giấy xác nhận chưa hưởng BHXH.

Thực sự giờ em không biết phải làm gì để được cấp lại sổ. Mong anh chị tư vấn giúp em với ạ. 

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của Bạn, công ty có trách nhiệm lập và khai báo số sổ BHXH đã giải quyết BHXH một lần tại Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS) gửi cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH sẽ cấp bìa sổ BHXH cho Bạn theo số sổ BHXH đã giải quyết BHXH một lần, trường hợp Bạn có tham gia BHTN tại công ty ở tỉnh Bắc Ninh thì phải cung cấp thêm giấy xác nhận thời gian đóng BHTN chưa hưởng của cơ quan BHXH nơi giải quyết hưởng BHXH một lần để cơ quan BHXH bảo lưu quá trình đóng trên sổ BHXH mới cho Bạn.

Câu 21: Bạn đọc từ email caubanngoc323@gmail.com hỏi:

Mình có một câu hỏi và đang thắc mắc về BHXH Việt Nam. Hiện tại mình có một chị gái đang bị tai nạn và đang cấp cứu tại Hải Phòng. Gia đình có về tìm xem chị có đóng BHYT hay không, và gia đình đã tìm được 1 thẻ BH có hỉnh ảnh của chị ở trên thẻ BH. Nhưng thẻ BHYT này khác với thẻ BHYT bây giờ là không có thời hạn. Trên thẻ BHYT có ghi là Thẻ BHYT Việt Nam, 01 ảnh chỉ gái đã gắn trên thẻ và ở dưới có ghi hãy giữ gìn thẻ cẩn thận để sử dụng lâu dài. Đằng sau thẻ có ghi họ tên của chị và 01 dấu đỏ BHYT Việt Nam, ngày sản xuất năm 1995. Rất mong Quý cơ quan chỉ giúp.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT được áp dụng trên cả nước và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và thay thế cho toàn bộ mẫu thẻ cũ, mặt trước của thẻ phải có đủ các tiêu thức: mã số thẻ BHYT, họ và tên, ngày sinh, giới tính, mã nơi đối tượng sinh sống, địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời hạn sử dụng, thời điểm đủ 05 năm liên tục…Nếu thẻ BHYT của chị bạn ghi ngày sản xuất năm 1995 thì thẻ BHYT này không còn giá trị sử dụng. Trường hợp muốn biết chị gái của bạn có tham gia BHYT hay không bạn có thể tra cứu quá trình tham gia của chị bạn tại trang http://www.baohiemxahoi.gov.vn của BHXH Việt Nam, hoặc liên hệ cơ quan BHXH để được hướng dẫn.

Câu 20: Bạn đọc từ email phapnguyenevn@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi một vấn đề: em tham gia BHYT từ năm 2012, đến năm 2015 em đi làm công ty khác, cấp bảo hiểm khác. Vậy, thì hết năm 2017 em có được tính đã đủ tham gia 05 năm liên tục chưa?

Bảo hiểm của 02 đơn vị: XK7490601400066 và DN4490220300115.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT quy định: “thời gian tham gia BHYT là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng”.

Như vậy, nếu quá trình tham gia BHYT của bạn từ 01/01/2015 trở đi không bị gián đoạn quá 03 tháng thì thời gian tham gia BHYT của Bạn được tính là liên tục.

Câu 19: Bạn đọc có địa chỉ mail nhungdtt.htb@gmail.com hỏi: Em có người thân làm việc tại Bình Dương, hàng tháng vẫn đóng tiền BHXH đầy đủ. Theo em được biết, hiện nay người lao động giữ sổ BHXH, nhưng Công ty của em không giao sổ BHXH cho người lao động. Em muốn tra cứu quá trình tham gia BHXH của mình nhưng không có thông tin về số sổ BHXH. Vậy có cách nào để em tra cứu quá trình tham gia BHXH trong trường hợp này?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 18, Điều 21 Luật BHXH năm 2014; Điều 31, Điều 32 Quy trình quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người sử dụng lao động có trách nhiệm: định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu; Hằng năm, niêm yết công khai tại đơn vị thông tin đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động do cơ quan BHXH cấp (theo mẫu C13-TS); Mẫu C13-TS có đầy đủ các tiêu thức của người lao động như mã số BHXH, họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, chức danh nghề, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, thời gian đóng BHXH.

Hiện tại BHXH Việt Nam đang cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH (dự kiến hoàn thành trong năm 2017) và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu thu BHXH tập trung liên thông toàn quốc và bàn giao sổ BHXH cho người lao động bảo quản (dự kiến xong trước ngày 31/12/2018)

Do đó, ông (bà) có thể biết được thông tin về quá trình đóng BHXH của mình tại nơi ông làm việc, công tác; hoặc sau khi cơ quan BHXH đã cấp mã số BHXH và hoàn chỉnh xong quá trình tham gia BHXH của người tham gia liên thông toàn quốc thì ông (bà) có thể tra cứu để biết quá trình đóng BHXH cụ thể của mình trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.

Câu 18: Bạn đọc từ mail hieunm.ngabay@haugiang.edu.vn hỏi:

Viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/9/2017 hưởng 85% lương bậc 2,34. Xin hỏi cách tính các khoản BHXH bắt buộc thế nào cho đúng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86,Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hiện nay của ông/bà là 659.354 đồng/tháng (2.34 x 85% x 1.300.000 đồng x 25.5%), trong đó: đơn vị đóng là 452.498 đồng/tháng, viên chức đóng là 206.856 đồng/tháng.

Câu 17: Bạn đọc từ mail mayhong06051981@gmail.com hỏi:

Gia đình tôi tham gia BHYT hộ gia đình cho 3 thành viên vào tháng 5/2017 đến tháng 8/2017 tôi có mua thêm cho một thành viên trong gia đình vì em tôi là sinh viên nên thẻ hết hạn, phải mua BHYT tự nguyện vào tháng 7 nhưng đại lý thu tiền không giảm theo quy định mà thu như mức đóng của người thứ nhất. Xin hỏi như thế thì đại lý thu đúng hay sai?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 và Công văn số 1018/TTg-KGVX ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì hộ gia đình có 100% thành viên tham gia BHYTtrong năm tài chính sẽ được giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định. Trường hợp gia đình Ông/Bà đã tham gia BHYT theo hộ gia đình cho 3 thành viên vào tháng 5/2017,đến tháng 8/2017 tham gia tiếp cho 1 thành viên trong hộ gia đình nhưng Ông/Bà chưa nói rõ tháng 5/2017 tham gia BHYT cho 3 thành viên theo phương thức đóng là 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng và có còn giá trị sử dụng đến thời điểm tháng 8/2017 khi tham gia BHYT cho người thứ tư trong hộ gia đình của bạn không để chúng tôi có căn cứ trả lời cụ thể cho Ông/Bà. Đề nghị Ông/Bà đối chiếu với quy định trên để xác định việc giảm mức đóng BHYT hộ gia đình của Ông/Bà.

Câu 16: Bạn đọc từ mail hoanghuyentrNg273@gmail.com hỏi:

Tôi đi làm ở bưu điện thành phố từ tháng 12/2016 đến tháng 8/2017 mà hiện giờ bên bưu điện mới chỉ đóng cho tôi tháng 8/2017. Vậy tôi muốn đóng lại những tháng trước thì có được không và phải đến đâu để đóng tiền?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2, Khoản 3 Điều 85, Điểm a Khoản 1 Điều 99 Luật BHXH năm 2014, trường hợp Ông/Bà làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên với đơn vị từ tháng 12/2016 thì người sử dụng lao động (đơn vị) có trách nhiệm đóng phần trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động và trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia, đóng BHXH của người lao động kể từ tháng 12/2016.

Việc tham gia BHXH của ông/bà cùng với người lao động khác tại đơn vị.

Câu 15: Bạn đọc từ mail lachong2708@gmail.com hỏi:

Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH. Công ty tôi có những vướng mắc cần hỏi như sau:

1. Quy định của công ty về phần phụ cấp:

- Phụ cấp độc hại: đối với những người lao động đảm nhiệm đếm vé được hưởng phụ cấp độc hại hệ số 0,05 so với mức lương tối thiểu vùng cho thời gian đếm vé thực tế. Như vậy, phụ cấp này được tính theo số ngày công thực tế người lao động tham gia đếm vé và sau cuối tháng mới xác định được số tiền phụ cấp là bao nhiêu.

- Phụ cấp xa nhà: đối với những người lao động làm việc tại các chi nhánh, VPĐD, ăn ở hằng ngày cách xa gia đình từ 50km trở lên được hưởng phụ cấp hệ số 0,15 so với mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, công ty tôi có phải đóng BHXH cho 2 khoản phụ cấp này không?

2. Quy định của công ty về các khoản bổ sung:

- Tiền lương hiệu quả hằng tháng được xác định dựa trên doanh thu của tháng, đơn giá, hệ số năng xuất lao động trong tháng và hệ số xếp loại thi đua của tháng.

- Lương bổ sung: vào các dịp lễ, tết, chi lương bổ sung sựa trên cơ sở tiền lương hiệu quả thực nhận hằng tháng và được chi từ quỹ tiền lương của người lao động.

Như vậy những khoản lương bổ sung này có phải là những khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể theo Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH hay những khoản này thuộc Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH. Có phải đóng BHXH cho những khoản này không?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/ 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động ghi trong HĐLĐ, cụ thể:

- Mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

- Phụ cấp lương các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

2. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, hàng tháng chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào quỹ BHXH.

Đề nghị Công ty Ông/Bà căn cứ quy định nêu trên để thực hiện trích nộp các khoản BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động.

Câu 14: Bạn đọc từ mail minhlai1972@gmail.com hỏi:

1. Tiền lương làm thêm giờ có phải đóng BHXH không? (kể từ ngày 01/01/2018).

2. Tôi được biết là kể từ ngày 01/01/2018 thì việc đóng BHXH dựa trên mức thu nhập tháng của người lao động (loại trừ 14 khoản được quy định rõ tại Điểm 3 Điều 30 của Thông tư 59)

Vậy tôi xin hỏi:

- Các khoản doanh nghiệp chi bổ sung cho người lao động mỗi quý 1 lần hoặc lương tháng 13 (khoản này được lấy từ nguồn quỹ tiền lương để chi cho người lao động) có phải đóng BHXH hay không?

- Doanh nghiệp trả lương tháng cho người lao động gồm có: mức lương theo thang bảng lương doanh nghiệp xây dựng + phụ cấp lương + lương theo kết quả thực hiện công việc của người lao động (lương theo kết quả công việc phải hết tháng mới xác định được mức tiền cụ thể).

Vậy khoản lương theo kết quả thực hiện công việc nói trên có phải đóng BHXH hàng tháng hay không? (khoản này không cố đinh, ví dụ có tháng được 2 triệu, có tháng 1,5 triệu hoặc 1 triệu?).

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/ 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động ghi trong HĐLĐ, cụ thể:

- Mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

- Phụ cấp lương các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Căn cứ các quy định nêu trên thì tiền lương làm thêm giờ và tiền lương tháng thứ 13 không dùng để tính đóng BHXH.

Câu 13: Bạn đọc từ mail: tuyethoa1011@gmail.com hỏi:

Tôi hiện đang công tác trong ngành nông nghiệp, hằng tháng tôi lập mẫu biểu phát sinh tăng giảm và chuyển tiền nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho các đồng chí trong cơ quan. Trong quá trình kiểm tra đối chiếu mẫu số 03-quá trình đóng, tôi có vướng mắc về phụ cấp Trưởng trạm, Phó Trưởng trạm của các trạm thuộc Trung tâm và thuộc chi cục. Vì vậy, cho tôi xin hỏi vấn đề sau:

+ Trưởng trạm, Phó trưởng trạm của trung tâm đã được xếp hạng thuộc ngành nông nghiệp (Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, trung tâm nước sạch).

+ Trưởng trạm, Phó trưởng trạm của Trung tâm chưa được xếp hạng thuộc ngành nông nghiệp.

+ Trưởng trạm, phó trưởng trạm của Chi cục thuộc ngành nông nghiệp (Chi cục bảo vệ thực vật).

Xin cho tôi hỏi chức danh Trưởng trạm, Phó trưởng trạm thuộc 3 đơn vị tôi nêu trên là phụ cấp trách nhiệm (không đóng bảo hiểm) hay phụ cấp chức vụ (đóng bảo hiểm). Xin cơ quan BHXH trả lời sớm nhất để tôi nắm rõ và thực hiện nộp tiền đúng. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điểm 2 Mục I Thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức; Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 thì trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm và giữ chức danh lãnh đạo trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, được hưởng phụ cấp chức vụ và làm căn cứ để đóng BHXH bắt buộc.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thu, giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT tổ chức thu, chi BHTN theo quy định của pháp luật. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp do người quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của pháp luật; do đó, cơ quan nơi Ông/Bà công tác có văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh để xác định trường hợp Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng được hưởng phụ cấp chức vụ hay phụ cấp trách nhiệm công việc, ý kiến của Sở Nội vụ tỉnh là căn cứ để cơ quan BHXH thu BHXH theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 12: Bạn đọc từ mail minhkien15102014@gmail.com hỏi: Cho em hỏi, em làm bên taxi Mai Linh từ ngày vào làm đến nay được 7 năm, Công ty có đóng BHXH cho em, đến nay Công ty thông báo sẽ không đóng BHXH cho lái xe nữa, thay vào đó là mua bảo hiểm nhân thọ. Vậy công ty em làm thế có đúng không? Có vi phạm pháp luật BHXH hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng (từ ngày 01/01/2018 là HĐLĐ từ đủ 01 tháng) trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86,  Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014; Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, hàng tháng chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào quỹ BHXH; Trường hợp đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.

Như vậy, Công ty Ông/Bà không thực hiện đóng BHXH đối với những người thuộc diện phải đóng là vi phạm pháp luật về BHXH.

Câu 11: Bạn đọc từ mail ntngan.nb@gmail.com hỏi:

Công ty em có 1 trường hợp người lao động mới ký HĐLĐ và trước đây họ đã tham gia đóng BHXH ở 1 công ty khác. Khi nghỉ việc ở công ty cũ, người lao động không lấy được sổ BHXH và công ty cũ họ nói không trả sổ. Vậy anh/chị cho em hỏi: đối với trường hợp này em có được báo tăng với số sổ BHXH cũ hay phải báo tăng mới chưa có sổ? Và nếu em báo tăng với số sổ cũ thì người lao động sau này có được hưởng chế độ không?

Mong sớm nhận được phản hồi từ anh/chị.

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc và trả sổ BHXH cho người lao động.

Trường hợp người lao động thuộc Ông/Bà chưa nhận được sổ BHXH ở công ty cũ thì vẫn thực hiện đăng ký tham gia BHXH ở đơn vị mới theo số sổ BHXH cũ đã được cấp; Thời gian đã đóng BHXH trước đó được cộng dồn với thời gian tham gia, đóng BHXH sau này để làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH đối với Ông/Bà.

Câu 10: Bạn đọc từ mail bhxhegf@gmail.com hỏi:

Vui lòng cho hỏi: Công ty mình có 1 trường hợp đã đi làm từ 1996 đến 1999, khi nghỉ đã chốt sổ BHXH và đã lĩnh tiền (theo nhân viên báo lại như vậy, chứ mình không xác minh được cụ thể). Vì mình có hỏi sổ BHXH và số sổ cũ đã cấp nhưng họ không nhớ số sổ, còn sổ BHXH đã bị thất lạc lâu rồi. Nay mình muốn đăng ký báo tăng BHXH cho trường hợp này thì thủ tục ra sao ạ? Xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp người lao động thuộc Công ty Ông/bà không nhớ số sổ BHXH cũ (đã hưởng BHXH một lần) thì thủ tục đăng ký tham gia BHXH chỉ cần kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam nộp cho đơn vị để đơn vị lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH đối với ông/bà theo quy định.

Câu 9: Bạn đọc từ mail tthuy6291@gmail.com hỏi:

Công ty tôi đang tham gia BHYT cho 03 lao động nước ngoài. Ngày 01/01/2018 theo quy định phải tham gia BHXH bắt buộc cho lao động người nước ngoại. Vậy tôi có cần báo giảm không tham gia BHYT nữa để đăng ký tham gia BHXH bắt buộc không? Khi tham gia BHXH bắt buộc thì người nước ngoài có được cấp sổ BHXH? Và các chế độ có giống như lao động người Việt Nam không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2, Điều 124 Luật BHXH năm 2014 thì từ ngày 01/01/2018 người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc; Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định Quy định chi tiết Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi có Chính phủ ban hành Nghị định, BHXH sẽ thực hiện hướng dẫn chung.

Việc lao động là người nước ngoài và Công ty ông/bà đang tham gia BHYT thì vẫn tiếp tục tham gia BHYT theo đúng quy định.

Câu 8: Bạn đọc từ mail: hoangvu29691@gmail.com hỏi:

Tôi xin hỏi, nhà dòng của chúng tôi là dòng tu có hơn 200 người nhưng tất cả đều là hộ khẩu tỉnh. Chúng tui muốn tham gia BHYT hộ gia đình. Chúng tôi thắc mắc là dùng tu thì làm sao mà làm 1 cuốn KT3 để giảm mức tiền đóng. Vì, 1 cuốn KT3 không thể ghi hết 200 người. Chỉ có thể xác nhận 1 danh sách 200 người có đăng ký tạm trú. Mà xác nhận như vậy thì Ủy ban phường trả lời chúng tôi là không được miễn giảm.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện BHYT nêu rõ nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình bao gồm:

- Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này và người đã khai báo tạm vắng;

- Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này;

Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng BHYT giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

Như vậy việc giảm mức đóng BHYT được xác định trên cơ sở thành viên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Câu 7: Bạn đọc từ mail ptmthuy.ctc@gmail.com hỏi:

Tôi có một vài thắc mắc, chưa nắm rõ nội dung, rất mong anh/chị tư vấn, phản hồi cho tôi được rõ. Công ty tôi làm việc theo giờ hành chính và có ngày nghỉ hàng tuần là chủ nhật.

Theo Luật BHXH quy định: nếu người lao động trong tháng có số ngày không lương từ 14 ngày trở lên/tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải tham gia bảo hiểm tháng đó. Vậy, nếu trường hợp như sau:

- Công nhân Nguyễn Thị A, tham gia BHXH từ tháng 01/2017, trong tháng 08/2017, công nhân này nghỉ ốm 10 ngày (từ ngày 01/8/2017-05/8/2017 và từ ngày 08/8/2017-12/8/2017), nghỉ con ốm 08 ngày (Từ ngày 17/8/2017-25/8/2017). Vậy có được cộng dồn số ngày để không tham gia bảo hiểm của tháng 8/2017 hay không?

- Công nhân Nguyễn Văn B, tham gia bảo hiểm từ tháng 6/2016 đến nay, tuy nhiên, trong tháng 8/2017, công nhân này xuất trình lý do bận việc cá nhân và viết đơn xin nghỉ việc riêng không lương là 10 ngày (từ ngày 01/8/2017-11/8/2017) và sau đó gửi thêm 01 giấy ốm 04 ngày (từ ngày 14/8/2017 -17/8/2017). Tổng số ngày nghỉ không làm việc trong tháng là 14 ngày. Vậy đối với công nhân B, công ty có tham gia bảo hiểm tháng 8/2017 hay không?

Trên đây là một số vấn đề vướng mắc, rất mong anh/chị giải đáp cho tôi được rõ. Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Do đó, trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm, nghỉ thai sản, nghỉ dưỡng sức-phục hồi sức khỏe,.. được công dồn) thì không phải đóng BHXH tháng đó.

Câu 6: Bạn đọc từ email cambinh.t@gmail.com hỏi: Tôi đang chuẩn bị ký hợp đồng với một công ty TNHH MTV. Theo yêu cầu từ phía công ty, về khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN, tôi phải chịu. Theo quy định từ trước tôi tìm hiểu, trong quy định mới hiện nay, doanh nghiệp phải chịu 22.5% và người lao động chịu 10%. Tôi không biết có quy định nào để NLĐ đóng luôn 32.5% không? Và nếu tính % đó là dựa trên lương chính +phụ cấp hay dựa trên tổng số tiền lương ghi trong hợp đồng: lương chính+phụ cấp +thưởng?

BHXH Việt Nam trả lời:

1.  Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85, Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; Luật BHYT; Điều 57 Luật Việc làm năm 2013, Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, thì từ ngày 01/6/2017, hàng tháng công ty phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động bằng 32% trên tổng qũy lương làm căn cứ đóng BHXH trong đó: Người sử dụng lao động đóng bằng 21,5% (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất + 3% vào quỹ ốm đau thai sản + 0,5% vào quỹ TNLĐ, BNN + 3% vào quỹ BHYT + 1% vào quỹ BHTN); người lao động đóng bằng 10.5% (8% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1,5% vào quỹ BHYT +1% vào quỹ BHTN).

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định người lao động được tự đóng BHXH bắt buộc bao gồm phần thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị. Vì vậy, việc Ông/Bà tự đóng BHXH, BHYT, BHTN bao gồm phần thuộc trách nhiệm đóng của đơn vị là không có cơ sở.

2. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 thì đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01/01/2018 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động; từ ngày 01/01/2018 là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. trong đó:

- Mức lương được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

- Phụ cấp lương các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Đề nghị ông/bà căn cứ quy định nêu trên để biết và thực hiện theo đúng quy định.

Câu 5: Bên bệnh viện em có trường hợp xin nghỉ không lương từ 17/7 đến 17/9. Trong thời gian nghỉ không lương, người lao động (NLĐ) có xin thôi việc luôn, nên bệnh viện em đã giải quyết cho thôi việc vào ngày 18/9 (sau khi hết thời gian nghỉ không lương).

Ngày 29/9 em có làm hồ sơ cho NLĐ nghỉ không lương và nghỉ việc gửi lên BHXH qua phần mềm thì BHXH có trả lời là chỉ giải quyết vấn đề nghỉ không lương còn nghỉ việc không giải quyết vì trùng trong tháng 9.

Ngày 2/10 em có gửi lại hồ sơ nghỉ việc BHXH nói họ sẽ giải quyết cho em và nói đóng thêm 1 tháng BHYT. Nhưng em vẫn không hiểu sao khi họ nghỉ việc không hưởng lương, xong nghỉ việc luôn không thể giải quyết cho họ vậy? Và giờ lại bắt đóng thêm 1 tháng BHYT (có phải vì hôm nay em gửi lại hồ sơ trong tháng 10 nên truy thu thêm 1 tháng không ạ?)

Mong sớm nhận được câu trả lời ạ!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Theo câu hỏi, bạn chỉ nêu vấn đề có nộp hồ sơ cho NLĐ nghỉ không lương và nghỉ việc nhưng không rõ cụ thể báo giảm nghỉ không lương tháng nào, và báo giảm nghỉ việc tháng nào. Tuy nhiên, lưu ý khi nộp hồ sơ báo giảm không được thực hiện báo giảm trùng tháng theo 2 phương thức khác nhau. Ví dụ: báo giảm cho người lao động nghỉ không lương tháng 8 và nghỉ việc tháng 9. Không thực hiện báo giảm nghỉ không lương tháng 8 đến tháng 9 và nghỉ việc tháng 9 (trùng tháng 9 vừa báo giảm nghỉ không lương, vừa báo giảm nghỉ việc).

Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó theo quy định.

Câu 4: Bạn đọc từ email xanhhuynhhuynh@gmail.com hỏi: Em làm ở một công ty vào đóng BHXH hơn 1 năm. Tháng 10/2017 em nhận quyết định vào viên chức nhà nước. Vậy cho em hỏi làm thủ tục BHXH như thế nào để làm việc hai nơi.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 14 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc và được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Trường hợp của bạn đã đóng BHXH bắt buộc cùng với người lao động tại một công ty, nay chuyển công việc làm viên chức nhà nước thì bạn đề nghị Công ty cũ lập hồ sơ dừng đóng BHXH và đơn vị mới có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH cho bạn; hồ sơ, thủ tục, hồ sơ theo hướng dẫn tại Điều 23 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTNLĐ- BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: người tham gia đã được cấp mã số BHXH chỉ cần ghi mã số BHXH vào các mẫu biểu tương ứng.

Câu 3: Bạn đọc từ địa chỉ thomlele18@gmail.com hỏi: Công ty tôi được thành lập từ tháng 5/2017 và đăng ký trụ sở tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, hiện nay đã làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh và được cấp GPKD lần 2 ngày 02/10/2017 do thay đổi địa chỉ kinh doanh, chuyển sang địa bàn huyện Kim Bảng - Hà Nam. Tháng 9/2017, công ty tôi có đăng ký tham gia bảo hiểm lần đầu cho cán bộ công nhân viên tại BHXH thành phố Phủ Lý. Cho tôi hỏi

- Thủ tục cần làm với cơ quan bảo hiểm khi thay đổi địa chỉ kinh doanh.

- Thời hạn quy định cần giải quyết các thủ tục với cơ quan bảo hiểm chuyển đi và chuyển đến là bao lâu?

- Công ty tham gia lần đầu tháng 9/2017, nên hiện tại chưa được cấp sổ và thẻ BHXH, vậy chờ tới khi có thẻ và sổ mới, chúng tôi mới tiến hành thay đổi cơ quan BHXH có được không?

- Trường hợp người lao động mới nghỉ công ty cũ, khi vào công ty tôi chưa được chốt sổ với công ty cũ. Hiện tại, chưa có sổ để công ty tôi chốt với cơ quan BHXH thành phố Phủ Lý. Khi chốt thủ tục với BHXH thành phố Phủ Lý, có cần giải quyết xong mới đăng ký với cơ quan BHXH huyện Kim Bảng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 29, Khoản 1 Điều 30 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTNLĐ- BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thời hạn cấp mới sổ BHXH, thẻ BHYT đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN là 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp quá thời gian quy định nêu trên mà đơn vị chưa được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, đề nghị ông/bà liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn.

Thủ tục đơn vị cần làm khi thay đổi địa chỉ kinh doanh gồm: Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (TK3-TS) ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH. Bạn có thể gửi hồ sơ qua Cổng tin Điện tử BHXH Việt Nam; tổ chức IVAN; qua bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp đến cơ quan BHXH nơi Công ty tham gia BHXH.

2. Công ty Ông/Bà lập hồ sơ thay đổi địa chỉ kinh doanh gửi cơ quan BHXH thành phố Phủ Lý; đối với trường hợp người lao động nghỉ việc ở công ty cũ nhưng chưa lấy được sổ BHXH thì khi nhận được sổ sẽ thực hiện xác nhận thời gian tham gia BHXH.

Câu 2: Bạn đọc từ mail trinh.tran.4@fecredit.cm.vn hỏi: Em vừa chuyển sang công ty mới nhưng chưa rút sổ BHXH ở công ty cũ. Vậy em muốn báo tăng tại đơn vị mới thì phải làm thế nào?

Em có tra cứu thông tin bảo hiểm của mình thông qua Cổng Thông tin bảo hiểm xã hội thông qua số chứng minh nhân dân và số thẻ BHYT nhưng không tra cứu được. Em muốn biết thông tin đóng bảo hiểm của mình thì làm thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Trường hợp Ông/Bà chấm dứt HĐLĐ ở đơn vị cũ, nhưng chưa lấy sổ BHXH ở đơn vị cũ, nay chuyển sang đơn vị khác làm việc thì thực hiện đăng ký tham gia BHXH tại đơn vị mới. Thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia BHXH đối với trường hợp người tham gia đã được cấp mã số BHXH chỉ cần ghi mã số BHXH vào các mẫu biểu tương ứng.

2. Để tra cứu được thông tin về quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN  bạn có thể thực hiện  theo 2 cách như sau:

Tra cứu trực tuyến: Bạn có thể truy cập Website https://baohiemxahoidientu.vn/bhxh/tra-cuu-ma-so-bao-hiem-xa-hoi-theo-quyet-dinh-595-qd-bhxh.html và thực hiện theo hướng dẫn.

Thông qua đơn vị sử dụng lao động: Căn cứ quy định tại Điều 18, Điều 21 Luật BHXH năm 2014; Điều 31, Điều 32 Quy trình quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người sử dụng lao động có trách nhiệm: định kỳ 06 tháng niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; cung cấp thông tin về vệc đóng BHXH, BHYT, BHTN khi  người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu; hằng năm, niêm yết công khai tại đơn vị thông tin đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động do cơ quan BHXH cấp (theo mẫu C13-TS).

Câu 1: Bạn đọc từ email nganguyen.pfhn@gmail.com hỏi: Hiện tại tôi đang cần xin xác nhận quá trình đóng BHXH. Nhưng từ tháng 5/2017 trở về trước do công ty Tổng của tôi tại TP. HCM nên đóng BHXH bắt buộc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 6/2017 trở lại đây tôi đóng BHXH tại Thành phố Hà Nội.

Như vậy, tôi có thể xin xác nhận quá trình đóng BHXH của tôi từ trước đến nay tại Hà Nội được không? Nếu được tôi có thể đến Phòng/ ban, địa chỉ nào tại Hà Nội để xin xác nhận?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp từ tháng 5/2017 Công ty Ông/Bà đóng BHXH tại thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 6/2017 chuyển đến đóng BHXH tại thành phố Hà Nội thì Công ty Ông/Bà nộp hồ sơ dừng đóng BHXH tại thành phố Hồ Chí Minh theo hướng dẫn tại Điều 23; Khoản 3, Điều 33 Quyết định 595/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH thực hiện xác nhận thời gian tham gia BHXH đối với người lao động.

Sau khi xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH để trả sổ BHXH cho người lao động. Từ tháng 6/2017, Công ty Ông/Bà đăng ký tham gia BHXH đối với người lao động tại thành phố Hà Nội.

BHXH Việt Nam