“Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT”

13/12/2017 03:51 PM


Đó là tiêu đề Tọa đàm do BHXH Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng ngày 13/12 tại Hà Nội. Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội – Nhân văn cùng một số chuyên gia và trên 250 sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Phát biểu tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê đến hết 31/10/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người, BH thất nghiệp là 11,4 triệu người, BHXH tự nguyện là 220 nghìn người. Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 79,73 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 85,3% dân số. Tham gia bảo hiểm, nhất là BHXH không chỉ là việc thực hiện theo luật định mà đã trở thành một nét văn hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, diện bao phủ BHXH, BHYT tăng lên, nhất là tỷ lệ tham gia BHYT hiện đã đạt trên 86% dân số cả nước. Tuy nhiên, để một chính sách đi vào cuộc sống và để tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT phát triển có tính bền vững hơn, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, rất cần đến sự nhận thức và tinh thần chủ động thực hiện từ phía người dân. Với vai rò là đội ngũ trí thức, chủ nhân tương lai của đất nước, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam các bạn sinh viên sẽ là lực lượng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhất là BHYT học sinh, sinh viên. Quan trọng hơn, từ nhận thức và ý thức chủ động tham gia, sinh viên cần lan tỏa đến người thân, gia đình và những người khác trong cộng đồng, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  

Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại cuộc tọa đàm

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH - NV đề cập, chính sách Pháp Luật nước ta luôn đổi mới trong vòng 31 năm qua, trong đó chính sách đổi mới nhất là chính sách BHXH, BHYT. Khi xã hội ngày càng phát triển, vấn đề quan tâm nhiều nhất là sức khỏe, nhất là đối với học sinh, sinh viên khi có sức khỏe tốt thì mới có thể học tập tốt, học tập tốt mới có thể làm việc tốt.  

GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH – NV phát biểu tại cuộc tọa đàm

Chia sẻ với các bạn sinh viên, GS. TS Phạm Quang Minh kể lại câu chuyện về một người bạn cùng đi du học ở Đức vì tiết kiệm tiền nên không tham gia BHYT, nhưng rồi đau răng phải vào viện điều trị và không đủ tiền chi trả vì chi phí ở bệnh viện nước ngoài rất đắt đỏ. Không biết phải làm thế nào để thoanh toán xuất viện, thầy cô và bạn bè phải cùng quyên góp tiền để trả viện phí cho người bạn này. Qua câu chuyện, thầy Hiệu trưởng nhắn nhủ tới các bạn sinh viên, không bao giờ được chủ quan, ốm đau, bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai dù là người đang ở tuổi thanh niên khỏe mạnh. Chính vì vậy tham gia BHYT là sự bảo đảm tốt nhất cho bản thân, gia đình và chia sẻ với cộng đồng xã hội.

Tại Tọa đàm, các bạn sinh viên cũng được nghe đại diện của BHXH Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương,… chia sẻ về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH, BHYT. Các bạn sinh viên tham gia tọa đàm đã đưa ra nhiều câu hỏi, thảo luận về chính sách BHXH, BHYT và được các chuyên gia giải đáp một cách thỏa đáng.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn hy vọng, các bạn sinh viên với vai trò là những người trí thức tương lai của đất nước, sẽ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện luật, trước mắt là Luật BHYT và sau này là Luật BHXH. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng một chính sách nhân văn, qua đó xây dựng một đất nước công bằng, văn minh./.

PV