Nỗ lực đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với đồng bào dân tộc Tây Nguyên

18/11/2017 10:00 AM


Ngày 18/11, tại Gia Lai, BHXH Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”.

Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn và Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn đồng chủ trì Hội thảo.

Đoàn chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Dân tộc; BHXH Việt Nam; Tỉnh uỷ và UBND; đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, BHXH, Uỷ ban Dân tộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (gồm: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng); cùng các già làng, trưởng bản, và đại diện một số Đại lý thu thuộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước với trên 5,5 triệu dân, 47/54 thành phần dân tộc, trong đó 46 dân tộc thiểu số với gần 2 triệu người. Tính đến ngày 30/9/2017, khu vực Tây Nguyên có 335,6 nghìn người tham gia BHXH, chiếm khoảng 12% so với lực lượng lao động trong khu vực. Trong đó: Có 329 ngàn người tham gia BHXH bắt buộc; 6,6 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ trọng 2,97% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước, tăng 955 người so với năm 2016. Số người tham gia BHYT của 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên là 4,7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,6% so với dân số khu vực, vượt 1,4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 221 ngàn người (tương ứng tăng 6,5% so với năm 2016), chiếm tỷ trọng 6% so tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Trong đó, có 588 ngàn người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm tỷ trọng khoảng 4,48%/ tổng số người tham gia BHYT HGĐ cả nước). Trong đó, có 03 tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Gia Lai (88%), Kon Tum (90,1%), Đắk Lắk (81,7%).

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cho biết, trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách.. đã đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, trong đó, công tác BHXH, BHYT cho người dân Tây Nguyên cũng được đặc biệt chú trọng.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020; Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội Đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT... Các cơ quan Trung ương và địa phương đã xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT là nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu. Công tác tuyên truyền đã được quan tâm chú trọng bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đối tượng tham gia tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp và điều kiện tự nhiên, địa hình miền núi hiểm trở, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu; kém tỷ lệ hộ nghèo cao;… đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT khu vực Tây Nguyên. Chỉ số tham gia BHXH, BHYT khu vực này đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đa số người dân ở vùng Tây Nguyên, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng BHYT.

Toàn cảnh Hội thảo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội thì việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc có ý nghĩa quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà cho biết, trong bối cảnh chính sách BHXH, BHYT có sự thay đổi với nhiều nội dung mới; nhận thức của người dân, chủ sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chưa thấy hết ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tham gia BHXH, BHYT hộ gia đình là hết sức quan trọng.

Hội thảo là dịp để đánh giá, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Với các báo cáo khoa học, các tham luận được chuẩn bị chu đáo, có giá trị, giúp cho các địa phương Tây Nguyên thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà đề nghị, BHXH tỉnh Gia Lai, các Sở, ngành, đơn vị của tỉnh tranh thủ tiếp thu, vận dụng vào ngành mình, địa phương mình một cách cụ thể, thiết thực để tổ chức thực hiện các chính sách này một cách hiệu quả, góp phần tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận tập trung vào thực trạng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình... Ý kiến của người thụ hưởng BHYT, người lao động tham gia BHXH tự nguyện, vai trò của già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia BHXH, BHYT.... Từ đó, tìm ra những giải pháp hiệu quả đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực Tây Nguyên để người dân trong khu vực có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT; từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên./.

PV