BHXH tỉnh Bình Phước: 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị

25/10/2017 09:38 AM


Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Đây là bước cụ thể hóa định hướng quan trọng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “phát triển sự nghiệp BHXH, BHYT bảo đảm an sinh xã hội”. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực về số người tham gia, số thu và số lượng người được thụ hưởng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được củng cố và nâng cao.

Tại tỉnh Bình Phước, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các huyện ủy, thị ủy, UBND các huyện, thị xã đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể về độ bao phủ BHXH, BHYT đối với lực lượng lao động và nhân dân trên địa bàn, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Với vai trò là cơ quan triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua BHXH tỉnh đã cụ thể hóa những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao bằng những nội dung và các giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 23-CT/TU của Tỉnh ủy đã đề ra. Ngay trong năm 2013, BHXH tỉnh đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trong toàn ngành, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho từng huyện, thị xã theo từng năm nhằm nâng cao nhận thức và xác định nhiệm vụ trọng tâm của các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã và tất cả công chức, viên chức trong toàn ngành; tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự cố gắng nỗ lực của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực về số người tham gia, số thu và số lượng người được thụ hưởng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được củng cố và nâng cao.

Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng lên hàng năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, độ bao phủ BHYT hằng năm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu BHYT toàn dân được giao. Nếu như năm 2012 chỉ có 73.757 người tham gia BHXH, 65.343 người tham gia BH thất nghiệp, 447.450 người tham gia BHYT thì đến hết ngày 30/9/2017, toàn tỉnh có 116.555 người tham gia BHXH, chiếm 27,83% so với lực lượng lao động; có 101.943 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 24,34% so với lực lượng lao động và có 768.580 người tham gia BHYT, chiếm khoảng 79,9% dân số toàn tỉnh, vượt 1,9% so tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao. Theo đó, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng tăng tương ứng: Năm 2016, tổng số thu toàn tỉnh là 1.984.369 triệu đồng, tăng 142% so với năm 2012; tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt trên 1.369.701 triệu đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2012. Và tính đến ngày 30/9/2017, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.567.662 triệu đồng, đạt 74,08% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tổng số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.030.806 triệu đồng (chưa tính chi phí KCB BHYT đa tuyến đi), tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm chính sách BHXH, BHYT; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT đã được tăng lên đáng kể, tuy nhiên điều kiện nhân lực, trang thiết bị y tế tại một số đơn vị y tế cơ sở còn hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT,...

Để Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nhằm tiến tới BHYT toàn dân, BHXH cho mọi NLĐ; trong thời gian tới, ngoài sự cố gắng nỗ lực của ngành BHXH tỉnh cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh bằng nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực và hiệu quả hơn để chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đi vào cuộc sống./.

TA