Công nghệ thông tin - Yếu tố then chốt, đi trước đón đầu

08/09/2017 06:17 PM


Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 9/2017, vừa được BHXH Việt Nam tổ chức chiều 08/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã nhấn mạnh đến vai trò then chốt, chủ đạo của công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đảm bảo các hoạt động chuyên môn của ngành BHXH.

Toàn cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Minh Thảo, Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và sự nghiệp.

Thông tin sơ bộ về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tháng 8/2017 của BHXH Việt Nam, Chánh Văn phòng Chu Mạnh Sinh cho biết, tính đến hết ngày 31/8, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,2 triệu người; BH thất nghiệp là 11,33 triệu người; BHXH tự nguyện là 242 nghìn người; BHYT là 78,39 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 84,2% dân số. Theo đó, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 20.670 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 179.445 tỷ đồng (trong đó, BHXH 124.537 tỷ đồng, BH thất nghiệp 8.226 tỷ đồng, BHYT 46.682 tỷ đồng), đạt 63,34% so với kế hoạch cả năm, tăng 17,46% so với cùng kỳ năm 2016. Một số địa phương được giao kế hoạch thu lớn, đạt tỷ lệ thu cao là: Bắc Ninh 69,1%, Hải Dương 68%, Hải Phòng 67,8%, Đồng Nai 65,1%, Đà Nẵng 64,8%, Hà Nội 63,7%...

Tổng số nợ là 16.156 tỷ đồng, bằng 5,7% so với số phải thu, tăng 904 tỷ đồng so với tháng 7/2017; trong đó, nợ BHXH là 10.970 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp là 575 tỷ đồng, nợ BHYT là 4.611 tỷ đồng (riêng số nợ do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng chiếm 65,06% tổng số nợ BHYT). Các tỉnh có tỷ lệ nợ so với kế hoạch thu cao, gồm: Bình Định 14,5%, Bến Tre 12,7%, Quảng Trị 12,1%, Hà Giang 11,9%, Lạng Sơn 11,5%, Phú Yên 11,5%.

Trong 8 tháng đầu năm, toàn Ngành ước giải quyết chế độ BHXH cho trên 6,2 triệu lượt người, tăng 307.536 lượt người (5,16%) so với cùng kỳ năm 2016; giải quyết cho 474.450 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, giảm 45.324 người (8,7%) so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán chi phí KCB BHYT cho 104,6 triệu lượt người, tăng 12,9 triệu lượt người (14,1%) so với cùng kỳ năm 2016.

Số người được cấp sổ BHXH là 13,3 triệu (bao gồm cả số sổ BHXH do BHXH Bộ Quốc phòng quản lý), đạt 99% số người tham gia BHXH; số lượng sổ BHXH bàn giao cho NLĐ là 4,42 triệu sổ/13,1 triệu sổ phải bàn giao (không bao gồm lực lượng vũ trang), đạt 34%, tăng 1,06 triệu sổ BHXH so với thời điểm 31/7. Số thẻ BHYT ước đạt 78,3 triệu thẻ (bao gồm cả số thẻ BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng cấp).

Tính đến ngày 31/8, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận hơn 107,1 triệu dữ liệu điện tử hồ sơ đề nghị quỹ BHYT thanh toán 8 tháng đầu năm 2017 với số tiền hơn 56,58 tỷ đồng; chuẩn hóa 1.114 danh mục thuốc sản suất trong nước được cấp số đăng ký mới cập nhật trên Hệ thống.

Trong tháng 8, BHXH Việt Nam: đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 08 Hội nghị đối thoại về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho cán bộ phụ nữ, công nhân lao động; song song đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thực hiện có hiệu quả các phóng sự, tin bài về lĩnh vực BHXH, BHYT.

Công tác ứng dụng CNTT tiếp tục được đẩy mạnh: Triển khai Hệ thống quản trị điều hành mạng, an ninh bảo mật, quản lý định danh và chia sẻ dữ liệu; triển khai chuẩn hóa mạng LAN tại BHXH các tỉnh, thành phố; hoàn thiện và vận hành hệ thống thư điện tử của ngành BHXH; thực hiện điều chỉnh và triển khai bộ công cụ tập trung dữ liệu Quản lý thu và Hệ thống giao dịch điện tử; tiếp tục hoàn thiện Dự án Xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình; khai trương Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm dịch vụ khách hàng ngành BHXH.

Tại hội nghị, những vấn đề nổi cộm còn gặp vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện trong tháng 8 vừa qua cũng đã được các đại biểu quan tâm chia sẻ, thảo luận chi tiết như: Công tác mở rộng đối tượng tham gia; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tiến độ rà soát và chuẩn hoá dữ liệu tham gia để cấp mã số BHXH cho người tham gia; tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương; công tác quản lý các quỹ BHXH, BHYT tránh lạm dụng, trục lợi; cũng như công tác chuẩn bị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị;...

Từ những vướng mắc, cùng những kiến nghị, đề xuất mà lãnh đạo các đơn vị đưa ra, các Phó Tổng Giám đốc phụ trách đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể với từng mặt công tác chuyên môn, nghiệp vụ để các đơn vị có định hướng tháo gỡ và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra theo đúng tiến độ kế hoạch hoạt động của tháng 9 và các tháng còn lại trong năm.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu: Lãnh đạo các đơn vị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành đảm bảo tháo gỡ kịp thời những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; hoàn thiện hướng dẫn và đảm bảo vận hành có hiệu quả Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tổng hợp và hoàn thiện dự thảo báo cáo đánh giá kết quả sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị trốn đóng, nợ đóng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiếp tục phối hợp với ngành Bưu điện hoàn thiện, bổ sung dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; triển khai việc cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT; đẩy nhanh tiến độ trả sổ BHXH cho NLĐ.

“Công tác ứng dụng CNTT phải là yếu tố then chốt, đi trước đón đầu, nhằm đảm bảo việc vận hành các hệ thống phần mềm quản lý, điều hành của Ngành sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đơn giản hoá, tạo điều kiện, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho người tham gia, đơn vị và DN khi giao dịch với cơ quan BHXH”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc nhấn mạnh./.

BAT