“Cánh tay nối dài” trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại Hậu Giang
14/01/2024 09:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, đội ngũ nhân viên thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã trở thành “cánh tay nối dài” trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Từ đó, góp phần đưa các chính sách đi vào cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuyên truyền từ những câu chuyện thật
Dù công việc chuyên môn bận rộn, nhưng chị Đoàn Thị Bé Tư, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Thủy vẫn dành thời gian cuối tuần hoặc ngoài giờ hành chính để tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với người dân địa phương. Chị Bé Tư chia sẻ: “BHXH, BHYT là chính sách của Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tôi luôn tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, từ đó mọi người chủ động tham gia cho bản thân và gia đình”.
Chị Bé Tư (trái) giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến chính sách bảo hiểm
Do người dân địa phương đa phần làm nông nghiệp, thu nhập phụ thuộc vào làm lúa, một số hộ khó khăn. Vì vậy, chị vận động người dân khi chưa có điều kiện thì có thể tham gia BHYT 3 tháng, đến khi thu hoạch lúa, có thu nhập thì tham gia cả năm, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, bởi bệnh tật đâu biết khi nào. Trong cách tuyên truyền, vận động, chị Bé Tư nói sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Mỗi khi có người không hiểu về một vấn đề nào của BHYT, BHXH là chị tận tình giải thích. Đặc biệt, chị không quên lồng ghép, dẫn chứng những câu chuyện có thật về BHXH, BHYT tại xóm đó, ấp đó hay những nơi giáp ranh, để bà con thấy được ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm. “Khi người dân biết được chú đó, cô đó ở ấp mình, xã mình được Quỹ BHYT chi trả số tiền lớn khi điều trị bệnh hoặc phẫu thuật này nọ, thì họ sẽ thấy rõ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Từ những câu chuyện thật như vậy có giá trị lan tỏa chính sách rất lớn”, chị Bé Tư bộc bạch.
Chính sự gần gũi, tận tình trong cách tuyên truyền của chị, người dân ngày càng hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và đồng thuận tham gia. Bà Nguyễn Thị Hồng The, ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Bé Tư rất nhiệt tình, tư vấn rõ quyền, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT. Vì vậy, cứ gần đến hạn BHYT là vợ chồng tôi mua tiếp tục, để không gián đoạn. Hiện nay, chồng tôi cũng đã tham gia BHXH tự nguyện”.
Với cách tuyên truyền linh hoạt, khéo léo, chị Bé Tư đã đưa chính sách đến với người dân. Nhờ đó, góp phần chung vào hoàn thành chỉ tiêu BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn xã.
Góp phần lan tỏa chính sách
Khuôn mặt tươi vui và giọng nói nhẹ nhàng là những cử chỉ thường ngày của chị Lê Thị Thắm, nhân viên thu BHXH, BHYT xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh mỗi khi tiếp xúc với người dân.
Chị Thắm tích cực tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
“Bén duyên” với công tác BHXH từ năm 2021, chị Thắm luôn bám sát cơ sở để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời khéo léo lựa chọn cách tư vấn phù hợp theo từng hoàn cảnh gia đình. Những gia đình đến một lần người dân chưa tham gia, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị kiên trì, bền bỉ, quyết tâm vận động người dân. Trong những lúc tuyên truyền, chị luôn nhắc bà con rằng: Ốm đau bệnh tật là điều không ai muốn, nhưng nếu chẳng may bị bệnh mà không có thẻ BHYT thì tốn rất nhiều tiền, thậm chí phải cầm cố hoặc bán đất đai. Bên cạnh đó, khi về già nếu con cháu khó khăn thì làm sao có điều kiện chăm lo cho cô, chú. Rồi tuổi già, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh… Qua những phân tích của chị Thắm, người dân hiểu hơn về giá trị của tấm thẻ BHYT, khoản lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện mà đồng thuận tham gia. Những lúc như thế, người làm công tác bảo hiểm như chị cảm thấy rất vui, được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công tác này.
Theo chị Thắm, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa chính sách đến với người dân, trước hết bản thân chị cần phải hiểu rõ về BHXH, BHYT. Vì thế, ngoài tham gia các lớp tập huấn cho BHXH tỉnh tổ chức, chị còn thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến chính sách cũng như những quy định mới. Từ đó, tuyên truyền rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Sau thời gian gắn bó với công tác này, chị Thắm rút ra cho mình bài học đó là phải luôn kiên trì, lắng nghe và giải thích để người dân hiểu rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Có hiểu rõ thì mọi người sẽ tham gia và mang tính bền vững.
Toàn tỉnh có 545 nhân viên thu BHXH, BHYT. Thời gian qua, các nhân viên thu đã được tham gia các lớp tập huấn, để cập nhật chính sách cũng như nâng cao kiến thức, trang bị thêm kỹ năng để tuyên truyền, vận động người dân. Đội ngũ nhân viên thu BHXH, BHYT được xem là “cánh tay nối dài” của ngành BHXH trong việc tuyên truyền, giúp người dân hiểu được ý nghĩa khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nhờ sự tích cực của mọi người đã góp phần vào công tác phát triển người tham gia bảo hiểm trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu BHXH tự nguyện, BHYT trong năm 2023./.
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?