Rà soát, mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng BHXH bắt buộc

19/09/2018 09:44 AM


Để tiệm cận được mục tiêu Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đặt ra, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, cơ quan này sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách, hỗ trợ ngay từ khi đóng…

Ảnh minh họa: Internet.

Tạo tầng đế thật vững

Theo Nghị quyết số 28, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng với “nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Vấn đề này là thách thức rất lớn để hướng tới BHXH toàn dân. “Nhóm này không phải khu vực chính thức nên việc quản lý, nắm bắt rất là khó. Vì vậy, cần sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan và các chính sách khác để động viên người dân tham gia”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Lao động trong khu vực phi chính thức thường là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, lại không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động miệng nên việc tham gia BHXH gặp khó khăn.

Những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế như tháo rào cản, khó khăn để hộ kinh doanh “nâng cấp” thành doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng đối tượng tham gia BHXH… Nhờ đó, tỷ trọng lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, nhưng tính đến cuối năm 2017, cả nước vẫn có hơn 18 triệu người lao động phi chính thức, chiếm trên 57% tổng số lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, khi đưa Nghị quyết 28 vào cuộc sống, các chính sách sẽ hoàn thiện hơn. Thu nhập của người lao động ở khu vực phi chính thức không ổn định thì sẽ tạo điều kiện để họ đóng theo kiểu không ổn định.

“Chúng tôi sẽ tham mưu để hoàn thiện chính sách tạo ra tầng đế thật vững”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, để phát triển tầng đế rộng, giai đoạn đầu có thể mức đóng ít hơn, cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Minh, nếu chính sách linh hoạt hơn, tuyên truyền tốt hơn, các hệ thống chính trị cùng vào cuộc,... thì có thể tiệm cận được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Điều chỉnh mức hỗ trợ BHXH tự nguyện

Để mở rộng diện bao phủ, các chuyên gia còn lưu ý, bên cạnh “nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng”, cũng cần điều chỉnh mức hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn với các mức hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, dù đã được Nhà nước hỗ trợ thì hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng khó có khả năng để tham gia BHXH. Cho nên, cần phải có cơ cấu hỗ trợ cao hơn để khuyến khích người dân tham gia.

“Chúng ta phải tính toán, nghiên cứu, khảo sát khả năng của người dân tham gia đến mức độ nào”, ông Lợi đề xuất, Nhà nước cũng cần hỗ trợ những người đến tuổi lao động tham gia BHXH từ nguồn phúc lợi chung như trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp đang đóng thay cho người lao động (14%) để mọi người đều có lương hưu.

Xung quanh vấn đề này, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ có đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất trong việc hoàn thiện chính sách và có thể xem xét, kiến nghị việc tăng mức hỗ trợ BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Báo Thanh tra