Khẳng định vị thế Việt Nam trong APEC
20/11/2023 08:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là những thông điệp chủ đạo, xuyên suốt và cũng là thành công nổi bật trong chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chuyến đi đã để lại dấu ấn quan trọng trong chương trình đối ngoại năm 2023 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua đó, tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi sự phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tự do hóa thương mại, bao trùm, hài hoà và nhân văn
Không phải ngẫu nhiên, thành phố xinh đẹp San Francisco, bang California được Hoa Kỳ chọn làm địa điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2023. Nằm bên bờ Thái Bình Dương, San Francisco đã trở thành “cây cầu” kinh tế văn hóa kết nối giữa Hoa Kỳ và châu Á với hơn 1/3 dân số là người Mỹ gốc Á. Thành phố sở hữu kỳ quan Cầu Cổng vàng - Golden Gate, đường hoa Lombard, Vịnh San Francisco, Silicon Valley, cũng chính là “cái nôi” của ngành công nghiệp sáng tạo, tiên phong toàn cầu, là điểm đến, nơi đặt trụ sở của các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Google, Facebook, Apple.
Tại thành phố xinh đẹp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo cấp cao 21 nền kinh tế thành viên APEC và các khách mời đã cùng nhau thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế của APEC lần thứ 30 – sự kiện tâm điểm của Tuần lễ Cấp cao, đề xuất phương hướng hoạt động của APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định tầm quan trọng của tự do hóa thương mại. Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị APEC cần chú trọng nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, sáng tạo và ứng dụng khoa học – công nghệ, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, các mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và đặc biệt là hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên tháp tùng đoàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, đóng góp nổi bật của Việt Nam là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn. Những ý tưởng, quan điểm này được các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC.
Phát biểu dẫn đề tại sự kiện được đón đợi nhất của Tuần lễ Cấp cao APEC - Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023 (CEO Summit), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới với chủ trương lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu. Trưởng đoàn Việt Nam tham dự APEC 2023 phát biểu: “Tôi mong rằng tất cả thành viên APEC cùng đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, gác lại khác biệt để cùng giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân”.
Tư duy bao trùm, hài hoà và nhân văn tiếp tục được Chủ tịch nước đề cập tại Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo Cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Theo Chủ tịch nước, IPEF cần duy trì là cơ chế hợp tác mở, bao trùm, không phân biệt đối xử, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, đáp ứng nhu cầu phát triển, cân bằng lợi ích của các bên; tôn trọng và tính đến sự khác biệt, đặc thù riêng mỗi nước…
Đáng chú ý, tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, thay mặt cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam - nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chính thức đề xuất Việt Nam đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027. Tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn 2 thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đề xuất này đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng. Điều này cũng thể hiện quyết tâm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Với việc lần thứ ba đăng cai APEC 2027, Việt Nam một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược về khu vực châu Á- Thái Bình Dương và là minh chứng sống động về sự tin cậy của các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hợp tác công nghệ cao và kết nối địa phương
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Phiên họp hẹp các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Triển khai các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ ngay sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong suốt hành trình chuyến công du, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm triển khai Tuyên bố chung giữa hai nước mà hợp tác công nghệ cao, kinh tế xanh và kết nối địa phương là nội dung cốt lõi.
Sự kiện mang tính điểm nhấn, tạo ấn tượng mạnh mẽ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hoa Kỳ lần này phải kể đến cuộc trao đổi chính sách với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và giới báo chí Hoa Kỳ được tổ chức tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) – một tổ chức tham vấn, nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ.
Trong phát biểu được đánh giá là “rất ấn tượng” tại CFR, Chủ tịch nước khẳng định: “Chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước”.
Nhắc đến phương châm "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Cũng trong buổi trao đổi tại CFR, nêu quan điểm về vai trò của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình thúc đẩy hợp tác hai nước, Chủ tịch nước chỉ rõ trong thành tựu đổi mới 40 năm vừa qua của đất nước có phần đóng góp của Việt kiều tại Hoa Kỳ. Người đứng đầu Nhà nước hoan nghênh và mong muốn người Việt tại Hoa Kỳ tích cực về Việt Nam để chứng kiến thực tiễn và những đổi thay của đất nước. Chủ tịch nước nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, người Việt ở Hoa Kỳ về Việt Nam chắc chắn sẽ vui mừng trước những thay đổi của đất nước thời gian qua.
Lắng nghe bài phát biểu và phần trao đổi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại CFR, Giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman - một học giả uy tín, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó có tác phẩm nổi tiếng: X6 – Điệp viên hoàn hảo, do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành bản Tiếng Việt, đã dành cho phóng viên TTXVN một cuộc phỏng vấn nhanh. Theo nhà nghiên cứu này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có một buổi trao đổi rất thành công, trả lời thẳng thắn những câu hỏi “chạm đến những vấn đề cốt lõi” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Giáo sư Larry Berman nói: “Tôi nghĩ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm rất tốt".
Đáng chú ý, trao đổi với các học giả CFR và cả trong các cuộc gặp gỡ, tiếp chính khách, doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cập nhiều lần đến một kiến nghị rất cụ thể để Tuyên bố chung giữa hai nước được triển khai đầy đủ, thực chất. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị trên tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với đó, Hoa Kỳ cần sớm tháo gỡ việc xếp Việt Nam trong nhóm nước hạn chế xuất khẩu chíp, chất bán dẫn.
Nội dung này cùng với thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được Chủ tịch nước trao đổi sâu, xuyên suốt các hoạt động tại California trong chương trình chuyến công tác.
Trong các cuộc gặp Thống đốc bang California, Phó Thị trưởng Los Angeles và lãnh đạo hai hãng công nghệ hàng đầu là Boeing và Apple, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh giữa hai nước. Đặc biệt, Chủ tịch nước mong muốn và đề nghị lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động kết nối giao lưu, đầu tư thương mại với các địa phương thế mạnh của Việt Nam, coi đây là một hướng đi đột phá nhằm triển khai Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ.
Kết nối địa phương, hợp tác công nghệ cao cũng là nội dung của hàng loạt các biên bản hợp tác được ký kết tại cuộc Tọa đàm bàn tròn giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước. Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước cho rằng, các thỏa thuận và hợp tác cấp cao chỉ thành hiện thực và tạo kết quả khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và địa phương hai nước. Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như sản xuất chip, chất bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt….
Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ John Neuffer cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Ông John Neuffer đánh giá cao chính sách hiện nay của Việt Nam về vấn đề này và hy vọng Việt Nam sẽ sớm có những bước đi cụ thể để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ về lĩnh vực này.
Có thể nhận thấy, các hoạt động song phương của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại bang California, Hoa Kỳ thể hiện sự coi trọng và nỗ lực của cả hai bên trong việc tăng cường, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc, thực chất; mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và thế giới.
Đánh giá cao kết quả chuyến công du 4 ngày của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hoa Kỳ với hàng loạt các hoạt động song phương và đa phương, Giáo sư Larry Berman cho rằng, chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và triển khai các hoạt động song phương với Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định vị trí đặc biệt của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời cho thấy sự cấp thiết của việc triển khai các cam kết của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Giáo sư Giáo sư Lary Berman nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải biến những cam kết thành hành động”.
Theo TTXVN
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?