Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ
16/11/2023 04:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành công văn số 100/TCTCCTTHC về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Nam Định. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN
Một số kết quả tích cực
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2022 - 2025, các bộ, cơ quan ngang bộ phải sửa đổi, bổ sung để ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 232 văn bản quy phạm pháp luật phân cấp 699 thủ tục hành chính; các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định danh mục thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý, công bố, công khai và rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả cụ thể. Về phân cấp thủ tục hành chính theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg, 13/21 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp 139 thủ tục hành chính, tuy nhiên mới đạt 20% đã được phê duyệt phương án phân cấp. Về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg, 21/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 61/63 địa phương đã công bố danh mục 4.028 thủ tục hành chính nội bộ thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong nội bộ từng bộ, địa phương; 5 địa phương đã rà soát tổng số 117 thủ tục hành chính nội bộ, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính nội bộ. Kết quả nêu trên còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Còn 8 bộ, cơ quan chưa thực hiện phân cấp, trong đó nhiều phương án phân cấp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được các bộ chủ động thực thi; một số phương án phân cấp đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành. Một số bộ, cơ quan, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của thủ tục hành chính nội bộ; dẫn đến nhận diện chưa đúng, công bố thiếu thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý. Còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động trong rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ. Tiến độ rà soát đối với các nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên còn chậm so với yêu cầu (trừ Bộ Giao thông vận tải), kết quả rà soát chưa bảo đảm chất lượng, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Theo đánh giá của một số vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thủ tục hành chính nội bộ trên một số lĩnh vực còn chưa phù hợp, là rào cản, là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước chưa cao, làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý, trong đó có một số vướng mắc chậm được tháo gỡ. Thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính nội bộ ngay trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật Để tiếp tục thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, góp phần khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu cao trách nhiệm và tinh thần chủ động trong thực hiện các phương án phân cấp đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg; phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2024, hoàn thành phân cấp đối với các phương án phân cấp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã được phê duyệt hiện chưa được thực thi; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính ngay trong quá trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính để phân cấp theo thẩm quyền. Rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, tham mưu ban hành và các công việc mà bộ, cơ quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để công bố bổ sung đầy đủ các thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý; công khai 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 12/2023. Rà soát đối với ít nhất 50% trên tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 12/2023; 50% thủ tục hành chính còn lại hoàn thành trong năm 2024. Các bộ, cơ quan cần tham vấn, lấy ý kiến Tổ công tác triển khai Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong quá trình rà soát, để bảo đảm chất lượng của phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính nội bộ ngay trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật; quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính nội bộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, Kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của bộ, cơ quan. Phát huy tốt vai trò điều phối, đánh giá, rà soát độc lập của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, cơ quan; vai trò chủ trì rà soát của các vụ, cục, đơn vị tham mưu ban hành thủ tục hành chính nội bộ; vai trò của các chuyên gia độc lập; cũng như vai trò phối hợp của các cơ quan, đơn vị là đối tượng thực hiện thủ tục hành chính nội bộ. Rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, quyết định phân cấp đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm việc phân cấp phù hợp, khả thi nhằm giảm tầng nấc, khâu trung gian, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành và các công việc mà địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để công bố bổ sung đầy đủ các thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý; hoàn thành trong tháng 12/2023. Rà soát đối với ít nhất 50% trên tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 12 năm 2023; 50% thủ tục hành chính còn lại hoàn thành trong năm 2024. Thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính nội bộ ngay trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật; quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính nội bộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, Kế hoạch của địa phương. Phát huy tốt vai trò điều phối, đánh giá, rà soát độc lập của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính tại các địa phương; vai trò chủ trì rà soát của các sở, ngành, đơn vị tham mưu ban hành thủ tục hành chính nội bộ; vai trò của các chuyên gia độc lập; cũng như vai trò phối hợp của các đơn vị là đối tượng thực hiện thủ tục hành chính nội bộ. Chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực mà địa phương là đối tượng thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trong quá trình rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính này để bảo đảm phương án cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp, khả thi. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm ưu tiên Các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg và Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 6/8/2023, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa; bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 12 năm 2023. Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ; tổng hợp kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lồng ghép trong Báo cáo công tác cải cách thủ tục hành chính trình Chính phủ. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản này; định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện vào Báo cáo công tác cải cách thủ tục hành chính gửi Văn phòng Chính phủ.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?