Bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp: Chỗ dựa thiết thực của người lao động lúc rủi ro
22/05/2023 09:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước và có khả năng đe dọa sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Để chia sẻ, hỗ trợ người lao động, chính sách Bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN) đã ra đời với nhiều lợi ích thiết thực.
Anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) là công nhân nhà máy sản xuất gạch men ốp lát. Tháng 6/2022, trong quá trình làm việc tại phân xưởng, anh Thủy bị tai nạn lao động khi đang căn chỉnh dây curoa của băng chuyền đỡ gạch.
“Khi dây chuyền lỗi, công nhân vận hành báo, tôi đã đến kiểm tra; đang khắc phục sự cố thì dây chuyền bỗng dưng chuyển động trong khi mình đang thao tác nên ngón tay bị kẹp. May mắn lúc đó có đeo găng tay bảo hộ nên chỉ bị dập đốt ngón tay, không thì đã nặng hơn, phải tháo đốt” - anh Thủy kể.
Anh Nguyễn Văn Thủy: BH TNLĐ-BNN đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, anh Thủy đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn và giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật. Trong biên bản giám định y khoa nêu, anh Thủy bị hạn chế vận động các khớp liên đốt ngón II, bàn tay trái, tỷ lệ tổn thương cơ là 6%.
Do đang tham gia BHXH tại doanh nghiệp, với tỷ lệ tổn thương dưới 31%, anh Thủy được quỹ BH TNLĐ-BNN chi trả chế độ 1 lần. “Lúc đó tôi được BHXH chi trả số tiền là 44 triệu, tương đương với khoảng 4 đến 5 tháng lương của tôi. Trong hơn 1 tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều trong sinh hoạt, thuốc men điều trị. Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH” - anh Thủy tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Tin (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) là nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Vào đêm ngày 15/12/2021, trong khi đang đẩy xe gom rác về điểm tập kết, chị Tin bị một xe ô tô bán tải đâm phải, khiến chị ngã xuống đường bất tỉnh. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe ô tô đã bỏ chạy và đến nay vẫn không xác định được biển kiểm soát và địa chỉ. Vụ tai nạn khiến chị Tin bị chấn thương sọ não.
“Công ty cũng tạo điều kiện cho tôi nghỉ 2 tháng để điều trị và phục hồi. Tuy nhiên, khi đi làm lại được 5 ngày, tôi bị ngất phải đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn. Sau 10 ngày điều trị, tôi làm đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo” - chị Tin kể lại.
Với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật là 31%, chị Tin được hưởng trợ cấp BH TNLĐ-BNN theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hàng tháng chị đều được nhận được số tiền trợ cấp 447.000 đồng. “Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định cũng giúp tôi yên tâm hơn. Được biết, từ tháng 7 năm nay, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì số tiền trợ cấp của tôi cũng cao hơn, lên 540.000 đồng. Tôi thấy rất vui” - chị Tin chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tin: BH TNLĐ-BNN giúp tôi yên tâm hơn
Có thể thấy, TNLĐ-BNN là điều không ai mong muốn và phòng tránh nhưng trong thực tế vẫn xảy ra với những hậu quả rất đáng tiếc. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình. Khi họ bị tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm thì gia đình đều lâm vào cảnh khó khăn. Lúc này, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu cho bản thân chứ chưa nói tới việc còn chi phí cho các thành viên khác trong gia đình.
Vì vậy, một chính sách để hỗ trợ, chia sẻ với người lao động trong hoàn cảnh đó là điều vô cùng cần thiết và chế độ BH TNLĐ-BNN ra đời. Đây là 1 trong 5 chế độ của chính sách BHXH, được quy định trong Luật BHXH. Và từ ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã thông qua và thống nhất, chế độ BH TNLĐ-BHNN một cách cụ thể tại Luật An toàn và vệ sinh lao động.
Khi tham gia, người lao động được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ nếu chẳng may bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gồm:
Trợ cấp 1 lần với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp này, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ BH TNLĐ-BNN, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm 1 năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Trợ cấp hằng tháng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định trên, hằng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ BH TNLĐ-BNN, từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm 1 năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Quy định thế nào là TNLĐ-BNN cũng rất linh hoạt, bao quát. Theo đó, người lao động tham gia BH TNLĐ-BNN được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện gồm:
Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Người lao động tham gia BH TNLĐ-BNN được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện gồm: Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định; Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, quy định hiện hành của Luật An toàn vệ sinh lao động thì đối với những người lao động mà thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BH TNLĐ-BNN. Nếu như người sử dụng lao động mà không đóng BHXH cho người lao động thì khi chẳng may trong các quá trình lao động, người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hàng tháng, 1 lần, trợ cấp phục vụ cho người lao động thay cho cơ quan BHXH.
Hiện nay, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn đã kế thừa và phát triển nhiều cái nội dung mới, ưu việt hơn so với các quy định tại Bộ luật Lao động và Luật BHXH và các quy định trước đây. Trong đó, các quy định hiện hành đã bổ sung quy định trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành nghề công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện ra bị bệnh nghề nghiệp thì người lao động vẫn được đi giám định và đề nghị xem xét giải quyết chế độ. Thứ hai là việc sửa đổi thống nhất mức hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để phù hợp với chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản quy định tại Luật BHXH. Bên cạnh đó, hồ sơ giải quyết chế độ BH TNLĐ-BNN đã có nhiều thay đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết để tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc tham gia thụ hưởng các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
“BH TNLĐ-BNN là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động thế nên khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động hãy chắc chắn người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng BHXH cho mình như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc” - bà Loan khuyến nghị./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?