Phải tạo nên một “cuộc cách mạng” trong triển khai Đề án 06, thực hiện các dịch vụ công
22/11/2022 02:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 22/11/2022, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội về việc triển khai thí điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trong Đề án 06 của Chính phủ.
Tham gia Đoàn công tác có: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh tham gia Đoàn công tác.
Về phía TP.Hà Nội có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn và đại diện các sở, ban, ngành thành phố. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Làm điểm thay vì làm thí điểm
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đề án 06 của Chính phủ có 25 dịch vụ công, trong đó có 4 dịch vụ liên thông cần kết hợp dữ liệu của nhiều Bộ, ngành. Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ đã chọn một số địa phương làm điểm, trong đó có Hà Nội, bởi thành phố có quy mô dân số đông, độ phức tạp về thành phần cư trú ngang với một số nước trên thế giới.
Nhấn mạnh quan điểm “làm điểm” thay vì làm thí điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thí điểm có thể dừng, nhưng làm điểm là làm cho tới cùng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải làm thật nghiêm túc và có thể tạo nên một “cuộc cách mạng” nếu làm tới cùng.
Theo Phó Thủ tướng, muốn cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phải thay đổi phương thức làm việc, bắt đầu thực hiện từ những dịch vụ ít người dùng để có kinh nghiệm làm những dịch vụ công lớn, phức tạp hơn. Trong đó, việc thu thập dữ liệu cần phải thực hiện quyết liệt. Cần chính thức khởi động việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Trong đó, xây dựng 3 dữ liệu về: Con người; tài chính và doanh nghiệp; đất đai và tài nguyên.
“Trước đây, mỗi đoàn lấy dữ liệu theo Bộ, ngành, giờ đây phải xác định là lấy dữ liệu chung cho Chính phủ. Các bộ, ngành phải ngồi với nhau, xem mỗi ngành cần dữ liệu gì để quản lý công việc của mình. Sau đó, tổ chức lấy dữ liệu một lần hoặc lấy theo nhóm, không lấy dữ liệu lẻ tẻ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh dữ liệu mà không kết nối được giống như “xây các tầng nhà mà không có móng”, Phó Thủ tướng yêu cầu nêu cao quyết tâm, làm hết lực, Hà Nội làm được thì cả nước làm được và cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ đề xuất chính sách riêng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ
Tiếp thu ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất, ngay sau buổi làm việc, các Bộ, ngành ban hành chính thức các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu hướng dẫn thực hiện đối với công dân, công chức bộ phận “một cửa” và các tài liệu phục vụ công tác truyền thông cơ sở, để đội ngũ tình nguyện viên hoặc công chức bộ phận “một cửa” thuần thục trong quá trình hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền công dân trên địa bàn.
TP.Hà Nội cũng đề nghị thống nhất đầu mối triển khai chung qua Văn phòng Chính phủ để kịp thời trao đổi tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; đề nghị sớm triển khai kết nối Giấy chứng sinh điện tử và Giấy báo tử điện tử - cơ sở cho việc thực hiện không giấy tờ thực hiện liên thông và bảo đảm đúng quy trình thực hiện trên thực tế.
Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các bộ, ngành bố trí và phối hợp cùng UBND thành phố tập huấn chuyên sâu và trực tiếp theo hướng "cầm tay chỉ việc" và trực tiếp đối với cán bộ, công chức các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành trước ngày 30/11/2022.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn tiếp thu ý kiến, đề xuất một số vấn đề
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội về tình hình thực hiện Đề án 06, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế... được triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã sẵn sàng các điều kiện liên quan đến việc triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”, gồm: công tác chỉ đạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, công tác thông tin và truyền thông...
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?