Xử lý dứt điểm, không để khiếu nại tố cáo kéo dài, phức tạp, bảo đảm quyền lợi của người dân
14/09/2022 09:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021". Chiều 13/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Kiến nghị kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo
Trình bày Báo cáo tóm tắt, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, từ 1/7/2016 đến 1/7/2021, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khiếu nại, tố cáo cũng diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong một số năm gần đây nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực; chuyển đổi mô hình chợ, thực hiện dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung...
Qua làm việc với các cơ quan, Đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến việc thu hồi đất tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp. Ngoài ra, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống...
Về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, ông Dương Thanh Bình nêu rõ: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân ngày càng chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp và chưa đảm bảo khả thi trong thực tiễn. Việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát với các cơ quan hành chính các cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Đoàn giám sát cũng nhận thấy, một số nội dung chưa được quy định chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện; việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; đơn tố cáo hành chính với đơn tố giác tội phạm. Tiến độ giải quyết một số vụ án hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết chưa cao; vẫn còn một số bản án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của thẩm phán...
Từ những hạn chế này, Đoàn giám sát kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đối với một số ngành, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành có liên quan trong quá trình thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại để đảm bảo thống nhất với các văn bản cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại; trong đó tập trung đánh giá về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân trực tuyến...
Bộ Tài nguyên và Môi trường khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai cần tập trung quan tâm những nội dung phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ chế định giá đất... đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ thực tiễn để quy định các điều khoản chuyển tiếp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Đoàn giám sát với báo cáo công phu, đầy đủ. Cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn bối cảnh đất nước trong thời kỳ giám sát (1/7/2016 - 1/7/2021), đặc biệt là ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, dịch bệnh, thiên tai liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo; đánh giá sâu sắc hơn kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Phương châm của Đảng là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Quốc hội cũng đang xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những thành tố quan trọng để thực hiện phương châm này. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết được ban hành sau khi tiến hành giám sát sẽ tạo nền nếp, chuyển biến cơ bản, có cơ sở giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong Nghị quyết cần phải chỉ rõ việc gì phải làm, ai làm, ai chịu trách nhiệm, làm theo hướng nào, bao giờ xong và cơ chế để báo cáo việc này như thế nào?
Về tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem lại các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nêu rõ: Trách nhiệm người đứng đầu không chỉ tiếp công dân, mà còn phải đối thoại như đối thoại với nông dân, công nhân, viên chức, thanh niên... Tuy nhiên, trên thực tế, trách nhiệm bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, huyện, xã tiếp công dân hầu như không thực hiện được. Do đó, cần làm rõ việc quy định pháp luật phù hợp nhưng không thực hiện được hay quy định pháp luật không phù hợp?
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong Báo cáo cần bổ sung rõ địa chỉ, trách nhiệm, vụ việc liên quan đến việc tiếp công dân; đề cao trách nghiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình quản lý nhà nước thi hành công vụ, nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có được thực hiện đúng không? Bên cạnh đó là việc kịp thời giải quyết có lý, có tình khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo (tóm tắt). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Giải quyết triệt để từng vụ việc khiếu nại, tố cáo
Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ chiều 13/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm 2021, số vụ việc giảm 19,3%, số đoàn đông người giảm 32,7%. Về công tác tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, so với năm 2021, số đơn các loại gửi tới các cơ quan hành chính giảm 4%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 5,3%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 0,6%.
Đối với kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 84,9% số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đôn đốc, kiểm tra tại các địa phương; đang trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, phối hợp rà soát, thống nhất phương án, trên cơ sở đó có lộ trình để các địa phương giải quyết dứt điểm từng vụ việc và đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp phù hợp đối với những vụ việc cụ thể có nguyên nhân vướng mắc do chính sách, pháp luật.
Trong kỳ báo cáo, Chính phủ đã xem xét xử lý, giải quyết 75,9% số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, các vụ việc còn lại đang tiếp tục xem xét xử lý, giải quyết. Công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thúc đẩy; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 84,9%, cơ bản đạt yêu cầu và cao hơn nhiều so với năm 2021 (76,3%), nhất là các bộ, ngành Trung ương (93,8%) và nhiều địa phương cũng có tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
Trình bày báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân năm 2022, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán đều được các Tòa án quan tâm giải quyết kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao. Các Tòa án đã giải quyết 91,7% số đơn khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng.
Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết 41,5% số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm, đã khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị.
Báo cáo về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí thông tin: Trong năm 2022, số lượt công dân tới khiếu nại, tố cáo tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giảm 23,4%. Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại đạt 96,3%. Với đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, số đơn đủ điều kiện thụ lý giảm 31,6% so với năm 2021; đã giải quyết 79,5% số việc có hồ sơ, đạt 40% số việc thuộc thẩm quyền phải giải quyết.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đối với công tác tiếp công dân, so với năm 2021, năm 2022 dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhưng số người đến các cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh lại giảm mạnh cả về số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người, trong đó, ở các bộ, ngành giảm rất mạnh (trên 50% về số lượt và số người, trên 65% về số vụ việc, 40% về số đoàn đông người). Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ lý do của việc giảm này là do công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn hay vì lý do nào khác để có giải pháp phù hợp.
Thẩm tra các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 41,5%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (từ 60% trở lên). Qua giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, có 160 đơn khiếu nại đúng, 164 đơn khiếu nại đúng một phần, cho thấy Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục có các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng các quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng trong các vụ án, vụ việc.
Đối với ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, số lượng đơn đã tiếp nhận, số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát giảm so với năm trước nhưng số đơn tố cáo tăng 50,5%; số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Hiện tượng công dân khiếu nại vượt cấp có chiều hướng gia tăng. Xuất hiện phổ biến hơn việc tố cáo về hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ngay sau khi khiếu nại, tố cáo không được chấp nhận; nhiều vụ việc đã được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng đương sự không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại kéo dài. Ngoài ra, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số đơn thụ lý mới trong năm 2022 là 39,8%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 60%.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, hành chính, dân sự...
Về vấn đề đơn thư nhiều lần khiến tăng số lượng khiếu nại tố cáo, cần đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo. Trong giải quyết vừa xử lý dứt điểm, không để khiếu nại tố cáo kéo dài, phức tạp, đông người, vượt cấp, đồng thời vừa phải bảo đảm quyền lợi của người dân. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu giải quyết từng việc cụ thể, triệt để giải quyết những vụ việc cũ, không để phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới.
PV (T/h)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?