Quan tâm hơn đến lao động phi chính thức, giảm thiểu nguy cơ 'lọt lưới an sinh'
18/08/2022 11:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện, có tới 97% số lao động phi chính thức không tham gia BHXH, đây được xem là một bài toán đòi hỏi cách làm cụ thể và hiệu quả để sớm đưa nhóm người lao động này vào lưới an sinh, để phòng ngừa tương lai nhóm lao động này không còn khả năng lao động.
Nguy cơ “lọt lưới an sinh”
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có gần 1,1 triệu người thất nghiệp, nhiều người trong số họ vốn là công nhân ở các khu công nghiệp, vùng công nghiệp trọng điểm lớn đã phải rời bỏ các trung tâm, đô thị về quê, chuyển sang làm việc trong khu vực lao động phi chính thức, khiến số lao động tự do tăng cao.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có 53,4% lao động phi chính thức là người làm công ăn lương (tương ứng với 9,6 triệu người), có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Trong tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức đó, chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không có loại bảo hiểm nào. Tỷ lệ này trái ngược hoàn toàn với lao động khu vực chính thức (có hợp đồng lao động) khi có tới 80,5% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh cho biết, người lao động lựa chọn, dịch chuyển khu vực doanh nghiệp, làm việc theo hợp đồng lao động sang khu vực phi chính thức (gồm người lao động không có quan hệ lao động, giao kết hợp đồng lao động hoặc người tự tạo việc làm). Đây là nguy cơ dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở một phần đông dân số, đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động, không được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hưởng các chế độ an sinh khi còn trong độ tuổi lao động.
Đối với người lao động khi hết tuổi lao động, nghỉ hưu sẽ không có các khoản hỗ trợ như lương hưu, BHYT để chăm sóc y tế. Tất cả những quyền lợi này khi tham gia bảo hiểm xã hội sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và bản thân người lao động khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho xã hội.
Cần chính sách đặc thù để lao động tự do tham gia BHXH
Để giảm tỷ lệ lao động phi chính thức, ông Lê Văn Thinh cho rằng, cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bảo hiểm tự nguyện, nhà nước cũng cần hoàn thiện các chính sách quản lý kinh tế nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp.
Thêm vào đó, nhà nước quy định và tổ chức loại hình tham gia BHXH tự nguyện mà người lao động phi chính thức khi tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Đồng thời, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH có nêu: "BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội".
Như vậy, người lao động ở khu vực phi chính thức vẫn được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để tham gia BHXH nhằm mục đích mở rộng độ bao phủ BHXH đến mọi tầng lớp người lao động, góp phần ổn định đời sống xã hội nói chung.
Còn theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế (Economica Việt Nam), hiện đang có một bộ phận ngày càng lớn lao động không bao giờ có quan hệ lao động được thể hiện qua hình thức hợp đồng lao động có tính ổn định, dài hạn. Ðồng thời, những lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao, lao động trên các nền tảng công nghệ ngày càng đông đảo về số lượng. Do vậy, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để họ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có hợp đồng lao động.
"Với giải pháp này, cách tiếp cận người lao động cần tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phục vụ người tham gia với các sản phẩm, chế độ lợi ích phù hợp hơn, hấp dẫn hơn và đa dạng hơn... Chế độ BHXH, sản phẩm và dịch vụ BHXH sẽ là nền tảng để mở rộng mức độ tham gia bảo BHXH tự nguyện và bắt buộc" - Tiến sĩ Lê Duy Bình phân tích.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?