Xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động khám, chữa bệnh từ xa
11/08/2022 10:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với chuyên đề: Quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đồng chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu chủ trì hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với chuyên đề: Quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Hồ Long
Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa đã từng bước được triển khai và áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung lớn của dự thảo Luật, như hệ thống tổ chức và việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá chất lượng cũng như cơ chế tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, thời gian qua, hoạt động này đã từng bước được triển khai và áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước.
Đầu năm 2021, có 26 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 81%); kết nối với 1.261 bệnh viện tuyến dưới. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, hình thức này càng được phổ biến rộng rãi, góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, nội dung này mới được quy định tại một điều trong dự thảo Luật, chưa làm rõ điều kiện thực hiện, danh mục bệnh được phép khám, chữa bệnh từ xa cũng như trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia, yêu cầu chuyên môn trong chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và cơ chế thanh toán dịch vụ, hợp đồng hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa...
Giới thiệu quy định về khám, chữa bệnh từ xa tại Điều 76 trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, các trường hợp khám, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa gồm: khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với người bệnh theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; hỗ trợ chữa bệnh từ xa giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác...
Mặc dù nhiều nước hiện đã chấp nhận khám, chữa bệnh từ xa như một phương thức cung ứng dịch vụ, nhưng thực tế việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa ở hầu hết các nước vẫn vẫn còn ở dạng hẹp và ít dịch vụ.
Các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa chủ yếu là theo dõi, tư vấn hỗ trợ sau khi khám bệnh trực tiếp hoặc lâu dài với bệnh mạn tính. Dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với khám, chữa bệnh trực tiếp.
Trong đợt dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa càng được phổ biến rộng rãi, góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh từ xa
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng, chăm sóc sức khỏe từ xa không phải là khái niệm mới mà đã được biết đến trong nhiều thập kỷ qua. Có nhiều lợi ích khi áp dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, như cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu rủi ro, thuận tiện, linh hoạt và trong nhiều trường hợp sẽ giảm chi phí.
Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ này không phải không có thách thức, như chất lượng cung ứng dịch vụ, bảo mật thông tin, chi phí đầu tư lớn…
Việc khám, chữa bệnh từ xa cũng chưa có hành lang pháp lý, đòi hỏi cần xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, như khai thác thông tin, các kỹ thuật ghi nhận triệu chứng, chẩn đoán hình ảnh…; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện tuyến cơ sở, cung cấp trang thiết bị cho người dân còn thiếu, đường truyền kết nối không ổn định, nhất là tại các nơi vùng cao khi đường truyền học trực tuyến đã cho thấy hạn chế trong thời gian diễn ra dịch COVID-19...
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện./.
PV (theo Suckhoedoisong.vn)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?