Bài 4. Vì sao phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình?
31/05/2019 09:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cả hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được đề xuất đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: đến năm 2026 Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ). Vậy vì sao phải thực hiện lộ trình này - PV Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội…
PV: Thưa Tiến sĩ, một trong những quy định tại Dự án Bộ luật Lao động Sửa đổi đang trình Quốc hội tại kỳ họp này được dư luận hết sức quan tâm là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, xin Tiến sĩ cho biết rõ hơn về nội dung này?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Thực ra đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn thảo từ khi trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng lúc đó chưa có sự đồng thuận cao. Lần này được đưa ra xem xét là xuất phát từ quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số ở nước ta trong tương lai. Tuy thời gian có gấp gáp, nhưng đã có sự chuẩn bị từ trước, Dự án Bộ luật Lao động Sửa đổi bước đầu đã được tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan; đặc biệt, các bên trong quan hệ lao đông, cũng như ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý thông qua các Hội thảo khoa học, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và khu vực thấy rằng đến lúc chúng ta phải chuẩn bị cho lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển đất nước khi dân số già.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo Dự án đưa ra 2 phương án và đều theo lộ trình là có cơ sở, nhằm tránh giảm sốc cho thị trường lao động:
Phương án 1: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cả hai phương án này đều thực hiện theo nguyên tắc có lộ trình và tuy bước đi của từng phương án có nhanh – chậm khác nhau, song theo chúng tôi đều khá hợp lý. Cá nhân tôi đồng thuận với đề xuất của Chính phủ và nghiêng về lựa chọn phương án 1; tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao nên tiếp tục lấy ý kiến và có thể lấy cả ý kiến Nhân dân.
PV: Một số người lao động đã gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng được tiếp tục làm việc nhưng nếu thực hiện như lộ trình thì thời gian làm việc thêm không đáng kể có thắc mắc: Tại sao không thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngay như một số quốc gia khác đã làm mà phải thực hiện theo lộ trình, thưa Tiến sĩ?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một vấn đề vĩ mô của nền kinh tế, cần được tính toán và thực hiện trên cơ sở điều tiết các chính sách chung về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo nghề,… và nhiều chính sách xã hội khác, do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng, không thể dựa theo ý muốn chủ quan của một vài nhóm cá thể.
Chính vì có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế cũng như có thể mang lại những hệ quả lớn về mặt xã hội nên việc thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện có lộ trình. Ở đây, tôi xin đề cập đến hai vấn đề lớn.
- Một là, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tránh gây "sốc" cho thị trường lao động
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, không phải là chính sách ngắn hạn. Kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động. Lộ trình thường thấy ở các nước là 1 năm tăng 3 tháng hoặc một số nước quy định 1 năm tăng 6 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 1 năm tăng 1 tháng hoặc 1 năm tăng 2 tháng.
Việc điều chỉnh dần dần không chỉ cần thời gian cho người lao động và doanh nghiệp thích nghi mà còn cần để thị trường lao động điều tiết những vấn đề nội tại của chính nó. Việc tăng nhanh, đột ngột sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội.
Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 ngàn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn. Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 ngàn người, và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn đang dồi dào nên lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ chỉ làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại đôi chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh.
- Hai là, lộ trình điều chỉnh tuổi chậm có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động, và cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Do đó, phương án điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới, không gây sốc cho cả doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Cả hai phương án đề xuất trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Tuy nhiên, theo tôi, Phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
PV: Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực lao động, tiền lương và chính sách xã hội, theo Tiến sĩ, chúng ta cần có những bước đi như thế nào để lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được thực hiện thành công nếu như được Quốc hội thông qua?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là công việc khó khăn, phức tạp do đây là vấn đề tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân khẩu học. Để đảm bảo thành công trong việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần quyết tâm chính trị rất cao, sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và của cả hệ thống chính trị.
Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế phổ biến được thực hiện ở nhiều nước từ những năm 2010 đến nay nhằm ứng phó với quá trình già hóa dân số. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn (50 năm hoặc dài hơn), bảo đảm sự ổn định của quốc gia, nhưng phải được thực hiện sớm theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động. Nhật Bản là ví dụ điển hình của việc trì hoãn tăng tuổi nghỉ hưu, khi dân số già, bên cạnh việc nới lỏng chính sách nhập cư, Nhật Bản đang phải xem xét tăng tuổi nghỉ hưu với số tuổi tăng cao và hết sức đột ngột, từ 65 lên 74 tuổi.
Một kinh nghiệm nữa trong việc triển khai chính sách, pháp luật nói chung và một chính sách có nhiều tác động đến nhiều phía như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng, đó là cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự hiểu biết và đồng thuận xã hội, hạn chế thấp nhất những hệ lụy xấu xảy ra. Trên thực tế, hầu hết các nước khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều không nhận được sự ủng hộ của người dân do người dân luôn mong muốn sớm được hưởng hưu trí trong khi họ vẫn có thể tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập bên cạnh lương hưu nếu vẫn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, vì lợi ích tổng thể và lâu dài của quốc gia, các nước vẫn phải đưa ra quyết định. Ví dụ đơn cử nhất là mới đây, tháng 07/2018, mặc dù có hơn 90% người dân Nga phản đổi chính sách tăng tuổi nghỉ hưu nhưng ngày 21/07/2018 với số phiếu ủng hộ áp đảo, dự luật tăng tuổi nghỉ hưu đã được Duma Quốc gia Nga thông qua.
Cũng từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài. Vào thời điểm này của Việt Nam, khi chúng ta đang bước dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm.
Một điều nữa mà chúng ta cần xem xét, đó là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, bao gồm cả việc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần tiền lương hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh sa thải lao động sau 35-40 tuổi; sử dụng một phần quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để chủ động phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc giúp kéo dài tuổi nghề của người lao động./.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Bài tiếp theo: Bài 5. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải nằm trong “bài toán” tổng thể các chính sách lao động, việc làm, xã hội (đăng ngày 01/6/2019).
Tuệ Anh (thực hiện)
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam tháng ...
Bản tin Audio số 38 - Tuần 3 tháng 11/2024
Sóc Trăng phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính ...
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh làm việc tại BHXH tỉnh Long ...
Lương hưu – Nền tảng cho cuộc sống ổn định khi về già của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?