BHYT – Yếu tố quan trọng để chống nghèo hóa do y tế
10/07/2017 10:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong Chương trình “BHYT toàn dân – Chung tay vì sức khỏe Cộng đồng” do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức tối ngày 30/6.
Các khách mời tham gia giao lưu
Phần Giao lưu của Chương trình có sự tham gia của các khách mời: ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bác sĩ Dương Đức Hùng- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp- Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh nhân Cao Thanh Lịch, hiện ở số 5A, ngách 575/10 phố Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội; ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế; ông Nguyễn Đức Hòa- Phó Giám đốc phụ trách BHXH Thành phố Hà Nội và bà Dương Thị Hải Yến- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, đồng thời cũng là đại diện đại lý thu BHYT của xã Liên Hà.
Giải cứu bệnh nhân nghèo
Chia sẻ về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của BHYT, ông Nguyễn Văn Tiên nói: “Chúng ta cứ xem trên bản đồ thế giới, tất cả các nước phát triển, hầu như dân số 100% tham gia BHXH BHYT. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi vì, BHYT là cơ chế chi trả trước, để chi trả cho người bệnh khi ốm đau mà không biết là bao nhiêu tiền. Rất nhiều người nói, nộp 600 nghìn nhưng mà chi có thể lên đến 10 triệu, hai mươi triệu, thậm chí có thể lên đến hàng tỷ đồng. Đây là yếu tố rất quan trọng để chống nghèo hóa do y tế”.
Ông Nguyễn Văn Tiên đưa dẫn chứng, thực tế thì ở Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy có khá nhiều các cuộc giải cứu trong nông nghiệp, trong các ngành khác, nhưng chưa có cuộc giải cứu nào cho bệnh nhân nghèo và các trường hợp khó khăn trong KCB. Vì chúng ta có quỹ BHYT giải cứu cho, giúp cho Chính phủ rất nhiều. Đặc biệt giúp cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân đỡ phải chi tiền cho các tỉnh trong lĩnh vực y tế. Vì quỹ BHYT đã làm rất tốt. Nhờ quỹ BHYT mà người bệnh đóng hơn 600 ngàn nhưng được chi trả kinh phí rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, Ngành Y tế hiện nay rất nhiều bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện, tới 80 – 90% trong nguồn thu là từ bệnh nhân BHYT. Có nguồn tiền này, bệnh viện phát triển rất tốt. Điều rất quan trọng với y tế đó là nguồn tiền chi cho y tế được kiểm soát một cách rất minh bạch và mang lại lợi ích rất lớn. Nguồn tiền rất ít, nhưng đồng tiền chi cho y tế hiệu quả nên tuổi thọ và các chỉ số khác ngày càng cao hơn.
Đánh giá về sự công bằng trong thực hiện chính sách BHYT, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, BHXH cũng là chia sẻ nhưng tham gia BHXH thì đóng bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu. Nếu tham gia BHXH là tính dài hạn, thì tham gia BHYT là tính ngắn hạn, hưởng theo từng năm. BHYT có tính rất đặc biệt là đóng theo thu nhập và hưởng thì theo nhu cầu KCB, dù là người giầu hay người nghèo thì khi tham gia BHYT đều được hưởng một mức độ như nhau. Như vậy, đây là một hình thức rất công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tham gia Chương trình, bệnh nhân Cao Thanh Lịch, hiện ở số 5A, ngách 575/10 Phố Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, anh có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại bệnh viện đa khoa Xanh - pôn và bị bệnh máu khó đông từ nhỏ. Vì bệnh nặng, phức tạp, nên tuy đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện Xanh – Pôn nhưng anh được chuyển đến Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương điều trị theo đúng chuyên khoa từ 13 năm nay. Với bệnh tình của anh, BHYT phải trả chi phí chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị rất cao. Tính riêng trong năm 2016, anh đã được Quỹ BHYT đã chi trả hơn 1,1 tỷ đồng tổng chi phí khám và điều trị.
“Không có BHYT có lẽ tôi đã không sống được đến ngày hôm nay vì với một người làm công việc tự do như tôi, thu nhập thấp và không ổn định, lo để ăn sống hàng ngày còn khó. Việc khám, làm các xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh đã tốn rất nhiều tiền, chưa kể chi phí điều trị bệnh máu vô cùng tốn kém và lại kéo dài hàng năm” – Anh Lịch nói.
Anh Cao Thanh Lịch cũng chia sẻ, khi có bệnh phải đi khám và điều trị mới nhận thấy rõ ràng là việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Tại bệnh viện, rất nhiều bệnh nhân khác được quỹ BHYT chi trả đến hàng tỷ đồng. Anh Lịch nhắn nhủ tới những ai chưa tham gia BHYT thì hãy tham gia để đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật, tai nạn.
Bác sĩ Dương Đức Hùng - BV Bạch Mai cho biết, Bạch Mai là BV tuyến cuối nên đại đa số bệnh nhân điều trị nội trú ở đây là bệnh nhân nặng ở các tuyến dưới chuyển lên. Quá trình chẩn đoán cũng như điều trị ở đây đòi hỏi những vật tư, thuốc, DVYT kỹ thuật cao với mức chi trả hết sức đắt tiền. Nếu như không có BHYT, nhiều người bệnh sẽ không kham nổi. Hàng năm, BV đã bỏ ra số tiền không nhỏ để miễn giảm cho bệnh nhân nghèo, không có BHYT.
Bên cạnh đó, mức chi trả của BHYT ngày càng tăng, cho phép các bệnh nhân được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền như: đặt stent mạch vành, các kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, điều trị ung thư, thuốc men,… đã giúp cho cứu sống được rất nhiều bệnh nhân.
Trả lời về vấn đề có sự đối xử phân biệt giữa những bệnh nhân BHYT và những bệnh nhân tự thanh toán 100% bằng tiền túi của họ không, bác sĩ Dương Đức Hùng cho rằng đây là một quan niệm hoàn toàn không đúng mà phải hiểu ngược lại mới chính xác. “Các bác sĩ chúng tôi là những người trực tiếp điều trị, bên cạnh hỏi triệu chứng người bệnh thường sẽ hỏi thêm là người bệnh có BHYT hay không? Tại sao như vậy? Là khi có BH, gần như là chúng tôi rất yên tâm trong quá trình điều trị, có bảo lãnh trong quá trình chi trả” – ông Dương Đức Hùng nói.
Thực tế, nhiều người mà không có BHYT, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chi trả. Nói BHYT là cứu cánh là một ví dụ hết sức tốt cho việc tham gia BHYT. Cùng với việc Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu bắt đầu từ 1/7, mức chi trả trong KCB BHYT cũng tăng lên và tuyệt đại đa số lợi ích này là vào phía người bệnh. Điều này, cũng tạo cho Ngành Y tế có điều kiện tốt hơn trong công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Còn nhiều khó khăn
Chia sẻ về vấn đề hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT chung của cả nước đã đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ bao phủ BHYT, ông Lê Văn Khảm (Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế) cho rằng có một số nguyên nhân chính: Vẫn còn một bộ phận dân cư chưa có đầy đủ thông tin về chính sách BHYT nên còn dè dặt, chưa tham gia, chưa hiểu đầy đủ lợi ích của BHYT mang lại; nhiều khu vực người cận nghèo, người có mức sống trung bình, người có hoàn cảnh khó khăn chưa thể tham gia BHYT; vẫn còn một bộ phận người sử dụng lao động, người lao động trong các DN chưa có ý thức trách nhiệm đầy đủ về việc tuân thủ pháp luật BHYT cho nên chưa tham gia; trong một chừng mực nào đó nhất định, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Người dân chưa đảm bảo được tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại chỗ kịp thời và có chất lượng.
Các khách mời tham gia giao lưu.
Ông Lê Văn Khảm cũng cho biết, chất lượng dịch vụ y tế vừa là phương châm, hành động, vừa là mục tiêu của Ngành Y tế. Bộ Y tế đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Khi nói đến chất lượng dịch vụ y tế, có nhiều yếu tố thuộc nhiều phương diện. Thứ nhất là chất lượng chuyên môn. Chất lượng chuyên môn ở đây là người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, việc chẩn đoán là chính xác, việc chữa trị theo đúng bài bản và hiệu quả phải cao. Xét về khía cạnh tổ chức quản lý thì cần phải cải cách thủ tục hành chính, cần đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian chờ đợi. Việc này Bộ Y tế cùng với sự phối hợp của BHXH Việt Nam và chính quyền các địa phương, chỉ đạo công tác KCB đang thực hiện rất tốt, công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Đặc biệt quan trọng nữa là đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của Ngành Y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc phụ trách BHXH Hà Nội cho biết, khó khăn đầu tiên chính là về phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đến nay, tỉ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đã đạt 81,4% dân số toàn Thành phố. Gần khoảng 18% dân số còn lại của Thành phố chưa có thẻ BHYT chủ yếu thuộc nhóm 1 số DN chưa chấp hành Luật Lao động, chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; hộ gia đình nông nghiệp có mức sống trung bình, hoặc cư dân thành thị lao động tự do, có thu nhập không ổn định. Sự khó khăn về kinh tế của các nhóm đối tượng này là rào cản tiếp cận với BHYT. Một rào cản nữa là chất lượng KCB tuy có nâng cao nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của người dân.
Thứ hai, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra khá phổ biến đã ảnh hưởng đến quyền lợi BHYT của người lao động.
Thứ ba, đó là chất lượng dịch vụ y tế của tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu KCB của người dân nên chưa thu hút được người dân đến với BHYT nếu không phải là các nhóm được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT 100%;
Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT thời gian vừa qua đã được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền thành phố, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan BHXH thành phố, ngành y tế và các cơ quan liên quan nhưng để đạt được hiệu quả tuyên truyền, thay đổi nhận thức về BHYT của cả cộng đồng thì cũng cần có thêm thời gian chứ không thể một sớm, một chiều…
Để người dân tiếp tục tham gia và tham gia bền vững, ông Nguyễn Đức Hòa đưa ra một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng KCB; tiếp tục sự hài lòng của người bệnh; cải cách thủ tục hành chính để người dân được thuận lợi trong mua thẻ BHYT; khám, chữa bệnh BHYT; đào tạo đội ngũ đại lý hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, để làm sao tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của BHYT, không phải cho bản thân mình mà trách nhiệm cho cả động đồng; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về chính sách BHYT để mỗi người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHYT…
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho biết: Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung rất quan tâm tới việc thực hiện chính sách BHYT và đã chỉ đạo nhiều biện pháp, trong đó có nâng cao chất lượng KCB BHYT; đặc biệt là hỗ trợ 100% mức đóng cho hộ cận nghèo. Thời gian tới sẽ hỗ trợ thêm cho hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, cũng như người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hòa bày tỏ sự tin tưởng, chắc chắn Hà Nội sẽ hoàn thành trên 90% bao phủ BHYT trước năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố Hà Nội.
Trong chương trình giao lưu, bà Dương Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã trong việc vận động hộ gia đình tham gia BHYT. Đến tháng 5/2017, Đại lý thu Hội phụ nữ xã Liên Hà đã vận động được 3.500 người dân mua BHYT theo hộ gia đình. Toàn xã Liên Hà hiện nay đã đạt trên 85% dân số có BHYT.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?