Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua chính sách BHYT

22/07/2024 09:02 AM


Trong những năm qua, BHYT tại nước ta đã có sự phát triển bền vững và hiệu quả. Nếu như 2008 trước khi có Ngày BHYT Việt Nam (1/7), cả nước mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số; thì đến năm 2009, năm đầu tiên triển khai Ngày BHYT Việt Nam, cả nước có hơn 50 triệu người tham gia BHYT (tăng hơn 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số. Hết năm 2023, cả nước có hơn 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số.

Truyền thông – “sợi dây” kết nối chính sách BHYT đến Nhân dân 

Những kết quả nổi bật trên là sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày càng sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế từ đó chủ động, tích cực tham gia.

Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có hơn 2.120 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng số tiền hơn 993 nghìn tỷ đồng. Hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời, có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phối hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai sử dụng đa nền tảng khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân, ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số và ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Đến nay, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân. Với việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, người bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần sử dụng căn cước công dân để làm thủ tục khám, chữa bệnh, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia…

Phát huy hơn nữa tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế trong tình hình mới

BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện để chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân. Luật Bảo hiểm y tế của Việt Nam, bản chất là BHYT xã hội nhằm chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh và tạo nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Luật Bảo hiểm y tế quy định nguyên tắc của BHYT xã hội là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở; mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT; chi phí khám bệnh, chữa bệnh có BHYT do Quỹ Bảo hiểm y tế và người tham gia BHYT cùng chi trả.

Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội khóa XII ban hành năm 2008, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất về BHYT.

Gần 30 năm thực hiện, đến nay có thể khẳng định BHYT là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, chính sách BHYT đã chứng minh được tính ưu việt.

Nắm trong tay tấm thẻ BHYT, người sử dụng có thể yên tâm nếu gặp rủi ro y tế, chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai và không thể đoán trước được. Chi phí điều trị khi đó sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài tính nhân văn và an sinh xã hội, bảo hiểm y tế còn là nguồn tài chính giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Việc tham gia bảo hiểm y tế là sự chia sẻ gánh nặng về tài chính trong cộng đồng cho người bệnh. Khi bạn khỏe mạnh, số tiền bạn đóng bảo hiểm sẽ được chi trả cho những người bệnh tật. Và khi bản thân ốm đau, lúc đó chính bạn sẽ hưởng lợi từ sự đóng góp của cộng đồng.

Hiện nhiều kỹ thuật cao, nhiều loại thuốc tốt đã được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế, giúp những người nghèo có cơ hội được tiếp cận. Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm y tế còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh phục vụ bệnh nhân.

Xuất phát từ tính nhân đạo của chính sách, Nhà nước đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Vì vậy, Nhân dân càng ngày nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT là một trong những yếu tố góp phần giảm nguy cơ đói nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. 

Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phấn đấu hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bao phủ chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị

Nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, phát triển BHYT đòi hỏi phải bền vững với hai yêu cầu cơ bản: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Năm 2024, Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam lần thứ 15, với chủ đề truyền thông "Sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở", Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Quỹ Bảo hiểm y tế là một quỹ ngắn hạn, huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn quỹ này đóng vai trò quan trọng trong sự bền vững của chính sách. Điều này cần được đặc biệt quan tâm hơn khi quyền lợi, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng, nâng cao.

Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo hiểm y tế, nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo hiểm y tế. Kinh phí được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; bảo đảm phục vụ kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của ngành.

Việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tối ưu sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất các chi phí bất hợp lý, lãng phí, từ đó có nguồn lực dành cho những nhiệm vụ thiết thực, phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh nặng và mãn tính.

Có thể khẳng định, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên thực tế cho thấy, để phát triển bảo hiểm y tế bền vững, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế, gắn với việc bảo đảm an toàn và sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cũng như phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Lương Thảo