Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong chỉ định dịch vụ y tế quá mức cần thiết và trục lợi Quỹ BHYT
22/12/2023 05:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những yêu cầu của Quốc hội được nêu tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.
Nghị quyết số 109/2023 quyết nghị, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy phát triển DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh; tập trung phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Tập trung ưu tiên, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội…
Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tiếp tục chuyển dịch phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Phấn đấu trong năm 2024, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại các thôn, bản đã có điện thuộc các xã có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK, xã đảo, huyện đảo. Tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý báo chí, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, đặc biệt là tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, tạp chí điện tử, mạng xã hội. Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Quản lý hiệu quả các nền tảng số nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy phát triển các nền tảng số trong nước, nhất là các nền tảng số quốc gia. Đẩy nhanh việc thực hiện và chú trọng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với báo chí khi thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Về lĩnh vực LĐ-TB&XH, nghị quyết yêu cầu, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện đồng bộ các chính sách, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục tăng cường số hóa dữ liệu về LĐ-TB&XH; đổi mới và nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách xã hội, gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, xử lý kịp thời và có hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các sàn giao dịch việc làm công khai, minh bạch, kết nối cung- cầu lao động. Khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng, chuyên nghiệp; có chính sách, giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức. Tăng cường chia sẻ thông tin và liên kết Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cân đối nguồn lực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và nguồn nhân lực trong nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân nhưng không gây thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước, đặc biệt tại các KCN của các tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH và tình trạng nợ BHXH, BH thất nghiệp; sớm nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để cập nhật thường xuyên các công ty nợ, chậm đóng BHXH; có giải pháp phù hợp giảm tình trạng rút BHXH một lần…
Về lĩnh vực y tế, Nghị quyết nêu rõ, khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật BHYT để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư các cơ sở KCB, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nơi đông dân cư, địa bàn khó khăn, các KCN, khu công nghệ cao. Thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng. Từng bước khắc phục tình trạng chất lượng KCB chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền, khu vực trong cả nước. Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở KCB. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, khu, cụm công nghiệp… Đặc biệt, trong năm 2024, có phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động và có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Bảo đảm đủ vắc- xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% đối với tất cả các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng KCB BHYT và quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT. Trong năm 2024, nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân KCB BHYT phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan BHXH nợ thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế, chỉ định sử dụng dịch vụ y tế quá mức cần thiết trong KCB và trục lợi Quỹ BHYT.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?