Đảm bảo cho nhóm đối tượng là NLĐ bị mất việc, nghỉ việc được chăm sóc sức khỏe theo BHYT
11/11/2021 08:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Bộ trưởng cho biết, năm 2021 số người tham gia BHYT sẽ giảm đi do tác động của đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn này, Bộ Y tế đang phối hợp cùng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát thống kê nhóm đối tượng là NLĐ bị mất việc, nghỉ việc… để có những chính sách hỗ trợ tham gia BHYT và đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khỏe theo BHYT...
Phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Đinh Ngọc Sỹ (Bình Thuận), Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Đinh Văn Đức (Đắk Lắk), Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)... đã chất vấn Bộ trưởng về giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi toàn quốc; tổ chức cách ly F1 tại nhà; quản lý giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; quản lý bệnh viện công; sản xuất kit xét nghiệm trong nước; phân bổ vắc-xin và tiêm vắc-xin cho trẻ em; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tránh chảy máu chất xám; nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến dịch; tham mưu, triển khai chiến lược vắc-xin công bằng; giải pháp đột phá để giảm thiểu chênh lệch chất lượng giữa miền núi và đồng bằng;...
Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trước Quốc hội
Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác... Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.
Về quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua... nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm... Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho DN sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động DN, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, điều chỉnh bất cập và xử lý nghiêm sai phạm…
Về giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng KCB giữa các khu vực, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiến hành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối trên các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; nâng cao số lượng, chất lượng nhân lực cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai đề án KCB từ xa, kết nối hỗ trợ KCB, điều trị trực tuyến...
Phối hợp rà soát có chính sách hỗ trợ BHYT cho NLĐ
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, cần triển khai những biện pháp để nâng cao sức khỏe đặc biệt là khám sàng lọc đối với người dân. Theo Luật BHYT chúng ta chưa được sử dụng nên chính sách của BHYT cho vấn đề về khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm ở cộng đồng đối với người dân để có thể thực hiện việc chăm sóc điều trị một cách tốt hơn. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 20 của BCH Trung ương cũng đã nêu rất rõ để chúng tôi đã xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó làm sau để đảm bảo mỗi một người dân có thể khám sàng lọc sức khỏe ít nhất là một lần. Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục sửa đổi luật BHYT cho để khám sàng lọc xét nghiệm sớm, nhất là các bệnh truyền nhiễm.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự Phiên chất vấn với tư cách là đại biểu khách mời
Về cơ chế tài chính trung tâm y tế huyện đa chức năng, Bộ Trưởng Bộ Y tế cho biết, khi chúng tôi tổng kết lại hàng năm cũng có các báo cáo tổng kết và chi tiêu đối với các trung tâm y tế đối với tuyến xã rất thấp. 75% đợt KCB là được thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã nhưng mà tổng mức chi tiêu chỉ khoảng độ 34%; tuyến xã chỉ 2%. Cho nên, việc cải cách là cải cách vấn đề về cơ chế tài chính đối với y tế tuyến huyện đang đặt ra. Bộ Y tế cũng đang tiến hành rà soát đánh giá tổng thể, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để làm sao đảm bảo đổi mới cơ chế tài chính y tế tuyến huyện theo nhiều phương thức. Trung tâm y tế hiện vừa có chức năng khám bệnh, chữa bệnh vừa có chức năng về mặt dự phòng. Vì thế, phải đảm bảo 2 việc: Có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc theo gói dịch vụ y tế dự phòng vừa theo hình thức KCB của BHYT. Nội dung này chúng tôi tham khảo BHYT và ngành tiếp thu ý kiến đại biểu, đẩy nhanh cải cách cơ chế tài chính của trung tâm y tế tuyến huyện.
Trả lời chất vấn của ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) về giải pháp trước tình trạng NLĐ phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương do dịch vừa qua nhưng họ không được tiếp tục gia hạn thẻ BHYT. Nhiều NLĐ bị gián đoạn nên việc KCB và hưởng BHYT; các cử tri đã có kiến nghị nguyện vọng được giảm, miễn đóng BHYT và tiếp tục được hưởng chăm sóc sức khoẻ theo chế độ BHYT. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt mục tiêu đề ra và chỉ còn gần 10% dân số chưa có thẻ BHYT. Tuy nhiên, năm 2021 số người tham gia BHYT sẽ giảm đi do tác động của đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn này, Bộ Y tế đang phối hợp cùng BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát thống kê nhóm đối tượng là NLĐ bị mất việc, nghỉ việc… để có những chính sách hỗ trợ tham gia BHYT và đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khỏe theo BHYT.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?