Hướng dẫn chi BHYT và các chế độ ưu đãi đối với người có công, người trực tiếp tham gia kháng chiến

30/11/2018 09:40 PM


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 101/2018/TT-BTC về Quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; trong đó, quy định về các khoản chi thực hiện chế độ ưu đãi nói chung, BHYT nói riêng đối với người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến.

Ảnh minh họa.

Thông tư này quy định về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào, người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý từ nguồn ngân sách trung ương đảm bảo, bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thông tư này không áp dụng đối với kinh phí thực hiện các khoản chi do ngân sách địa phương đảm bảo hoặc ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Trong đó, kinh phí thực hiện chế độ BHYT và mai táng phí đối với các đối tượng theo quy định tại các Quyết định: Số 290/2005/QĐ-TTg, số 188/2007/QĐ-TTg, số 142/2008/QĐ-TTg, số 38/2010/QĐ-TTg, số 53/2010/QĐ-TTg, số 62/2011/QĐ-TTg, số 40/2011/QĐ-TTg, số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh và Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP; Chế độ mai táng phí đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP .

Theo Thông tư 101/2018/TT-BTC, các nội dung chi thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia kháng chiến bao gồm chi chế độ trợ cấp, phụ cấp; chi đóng BHYT; chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khoẻ; chi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; chi thanh toán chí phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa; chi chế độ ưu đãi khác; chi hỗ trợ hoạt động của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở đón tiếp người có công với cách mạng và thân nhân do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; chi hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ; chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; chi hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; chi phí quản lý; chi trả chế độ cho người thụ hưởng thông qua tổ chức dịch vụ chi trả.

Trong đó, về chi đóng BHYT, Thông tư 101/2018/TT-BTC quy định đóng BHYT đối với người đang hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng quy định tại Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16/07/2012 (trừ những người đồng thời đang tham gia BHXH bắt buộc, hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp BHTN hàng tháng); đối tượng không hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp thẻ BHYT theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg. Hằng quý, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ danh sách đối tượng đóng BHYT đã được rà soát theo quy định, đối chiếu với cơ quan BHXH làm thủ tục rút dự toán kinh phí tại Kho bạc Nhà nước để chuyển kinh phí vào Quỹ BHYT. Số tiền đóng, phương thức đóng BHYT hằng quý thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT.

Về các chế độ ưu đãi khác, Thông tư 101/2018/TT-BTC đề cập đến các khoản chi trực tiếp cho người thụ hưởng, bao gồm cấp tiền mua Báo Nhân dân cho người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng Khởi nghĩa 19/08/1945; quà tặng của Chủ tịch nước; hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, Tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tích, thương tật (tổn thương cơ thể), bệnh tật từ 81% trở lên với mức chi 200.000 đồng/người/ngày, số ngày được hỗ trợ theo số ngày lễ, Tết được cấp có thẩm quyền quyết định; trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo theo quy định của Chính phủ; trợ cấp mai táng; trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ; trợ cấp thờ cúng đối với liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Các khoản chi giao cho cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, bao gồm khám bệnh, chữa bệnh thông thường tại cơ sở; thuốc đặc trị và các điều trị đặc biệt khác không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT cho đối tượng người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, mức chi theo hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp; hỗ trợ tiền ăn và tiền tàu xe cho người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại cơ sở khi đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định thương tật, về thăm gia đình; chi đón tiếp thân nhân của người có công với cách mạng (không quá 03 người, một năm không quá 02 lần) đến thăm người có công với cách mạng đang nuôi dưỡng tại cơ sở. Còn các khoản chi giao cho cơ quan được giao chủ trì thực hiện, bao gồm chi phí báo tử liệt sĩ; chi thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ; chi khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định về truy thu, truy lĩnh đối với các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Về truy thu, trường hợp đúng đối tượng được hưởng nhưng phải điều chỉnh giảm mức trợ cấp thì đối tượng phải nộp trả ngân sách Trung ương phần chênh lệch đã hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp được điều chỉnh theo quyết định điều chỉnh mức trợ cấp của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để được hưởng chế độ không đúng quy định thì đối tượng phải nộp trả ngân sách Trung ương toàn bộ số tiền đã được hưởng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc thu hồi, xử lý các khoản trợ cấp của đối tượng đã hưởng không đúng quy định theo quyết định của cấp có thẩm quyền vào ngân sách Trung ương, báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo quyết toán hằng năm của cơ quan gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, gửi Bộ Tài chính.

Về truy lĩnh, trường hợp đối tượng chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ mức trợ cấp thì được truy lĩnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả một lần cho đối tượng vào tháng liền sau với tháng ghi trong quyết định điều chỉnh mức trợ cấp; kinh phí thực hiện truy lĩnh trợ cấp từ nguồn kinh phí thực hiện chính chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp dự toán được giao không đảm bảo để thực hiện chi trả, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị bổ sung dự toán gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Bộ Tài chính./.

PV