Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT

20/11/2018 04:56 PM


Ngày 20/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo "Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019" cho 32 tỉnh phía Bắc.

Toàn cảnh hội thảo.

Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Thời gian qua, các kết quả phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã được ghi nhận. Ước tính Việt Nam đã tránh được cho khoảng 400 ngàn người không bị nhiễm HIV, tránh cho 150 ngàn người không tử vong do AIDS. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng có nhiều khó khăn, tình hình dịch HIV có giảm nhưng chưa ổn định, có khả năng quay trở lại nếu không có các giải pháp tích cực hơn nữa; các nguồn hỗ trợ cho phòng chống AIDS, các nguồn ngân sách trong nước đang gặp khó khăn.

Hiện nay, Việt Nam hiện đang chuyển đổi, sử dụng các nguồn tài chính trong nước khác thay thế khi các nguồn viện trợ giảm dần. Một trong các nội dung chuyển đổi là vấn đề điều trị thuốc ARV, sử dụng BHYT trong điều trị HIV/AIDS. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hành động: Tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông; chỉ đạo các địa phương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV; đấu thầu thuốc ARV nguồn BHYT; ký hợp đồng cung ứng thuốc; hướng dẫn cơ sở lập kế hoạch tiếp nhận thuốc, quản lý, sử dụng thuốc; hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV BHYT; quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV; …

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam nỗ lực trong việc đối thoại chính sách và các nỗ lực khác để huy động nguồn tài chính cho điều trị ARV, tăng độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV, thiết kế gói BHYT cho người nhiễm HIV, lồng ghép dịch vụ HIV vào hệ thống y tế và đảm bảo chăm sóc liên tục cho người nhiễm HIV và các quần thể đích. Có rất nhiều bài học mà đã được các chương trình y tế công cộng khác đã học hỏi từ chương trình HIV. Ông cũng cho rằng đây là giai đoạn rất quan trọng cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên của chương trình HIV và tin tưởng rằng đây cũng là cơ hội tốt để tăng cường chương trình HIV trong hệ thống y tế để đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu nhận định, Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch HIV và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng. Dịch HIV ở Việt Nam hiện tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như nhóm người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cả nước đã giảm đáng kể trong suốt một thập kỷ qua nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nhiễm HIV gia tăng ở các nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới ở các khu vực thành thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận.

Trong khi nguồn thuốc ARV viện trợ từ tổ chức quốc tế ngày càng cạn kiệt, việc tiếp tục điều trị ARV thông qua nguồn thuốc do BHYT chi trả là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng virus ở Việt Nam.

Bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, kể từ năm 2017 khi BHXH thanh toán cho các dịch vụ liên quan xét nghiệm, tải lượng virus, công khám, số người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng lên. Đặc biệt từ đầu năm 2018, sau khi Bộ Y tế đưa ra khung kế hoạch mua thẻ BHYT, các địa phương được bố trí ngân sách nên đồng loạt mua thẻ BHYT cho người nhiễm và đến hết năm 2018, con số này sẽ đạt 90%.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV nguồn BHYT, tương ứng hơn 48 nghìn bệnh nhân trong năm 2019. 90% trong tổng số 433 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng, 85% đã thanh toán ít nhất một dịch vụ nguồn BHYT đến hết 31/10/2018.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT chung tại 63 tỉnh, thành phố đạt 89%, trong đó có bốn tỉnh đạt 100% như Ninh Thuận, Lai Châu, Cà Mau, Cao Bằng; có 42 tỉnh đạt hơn 90% và hiện còn khoảng 6 tỉnh đạt từ 70-80%.

Bà Ritu Singh, Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, một trong những điểm mới mà ngành y tế triển khai quản lý, hỗ trợ người có HIV là trong năm 2019 sẽ triển khai hệ thống quản lý bệnh nhân tham gia điều trị ARV gồm quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, hồ sơ bệnh án điện tử; kết nối dữ liệu tối thiểu 432 cơ sở điều trị và lồng ghép hệ thống thanh toán BHYT.

“Hệ thống này sẽ quản lý các bệnh nhân có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT, xác định được danh tính bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân chuyển viện sang các địa bàn, tuyến khác; bảo đảm bệnh nhân nhận nguồn thuốc khác nhau cũng nắm được con số, không bị trùng lắp trong cấp phát thuốc” – bà Dương Thúy Anh nói.

Theo bà Thúy Anh, hiện nay chính sách dành cho người bệnh mắc HIV đã đồng bộ và không có rào cản cho người mắc HIV tiếp cận với nguồn thuốc ARV từ BHYT. Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt một số cơ chế đặc thù cho cung ứng thuốc ARV như: Đấu thầu tập trung cấp quốc gia thuốc ARV nguồn quỹ BHYT; cơ quan BHXH ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung ứng thuốc; giao Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; căn cứ khả năng ngân sách, các địa phương đảm bảo ngân sách cho việc hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV đối với bệnh nhân có thẻ BHYT.

Thực hiện Quyết định số 2188/QĐ-TTg, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH VN ban hành một số văn hướng dẫn liên quan đến tiếp nhận, quản lý, sử dụng thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT và hướng dẫn thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến HIV/AIDS bao gồm: Thông tư số 28/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT và Thông tư số 08/2018/TT-BYT ngày 18/4/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2017/TT-BYT để hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 2188; Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến HIV/AIDS; Thông tư số 28/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 quy định về quản lý điều trị người nhiễm HIV người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế; Công văn số 5789/BYT-AIDS ngày 1/10/2018 hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT.

“Trong giai đoạn chuyển đổi, người bệnh HIV/AIDS phải có trách nhiệm tham gia BHYT. Ngoài thuốc ARV còn có xét nghiệm CD4, tải lượng virus đắt tiền, nếu không tham gia sẽ không được hỗ trợ, bảo đảm chất lượng điều trị” - bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Đến tháng 1-2019, BHYT chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân HIV . Trong thời gian 2-3 năm tới, BHYT sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho toàn bộ bệnh nhân HIV có tham gia BHYT.

Hội thảo “Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019" cho các tỉnh phía Nam sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 22/11 tới.

PV