Quy định về quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế

07/11/2018 04:17 PM


Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 28/2018/TT-BYT, quy định về quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Theo đó, Thông tư này quy định việc quản lý điều trị người nhiễm HIV đăng ký điều trị lần đầu, khám lại, chuyển tuyến và quản lý điều trị người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế.

Thông tư này áp dụng đối với cơ sở điều trị thuốc kháng HIV, cơ sở y tế cấp phát thuốc kháng HIV, người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV và cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan.

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Chẩn đoán, điều trị, kê đơn thuốc kháng HIV điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV

Thông tư quy định việc chẩn đoán, điều trị cho người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV, thực hiện theo Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và Quyết định số 6250/QĐ-BYT ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn bổ sung Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS tạm thời sử dụng thuốc ARV cho trẻ để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (sau đây gọi là Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS).

Kê đơn thuốc kháng HIV điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV thực hiện theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư 18/2018/TT-BYT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và theo quy định tại Thông tư này.

Sử dụng Bệnh án điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Quyết định số 4069/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ, bệnh án (sau đây gọi là Quyết định số 4069/QĐ-BYT) và Hướng dẫn ghi bệnh án ban hành kèm theo Thông tư này.

Kế hoạch cung ứng thuốc kháng HIV

Thông tư quy định, hằng năm, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch điều trị thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này theo nhu cầu trên địa bàn quản lý gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế) tổng hợp và gửi Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS có trách nhiệm: Tổng hợp kế hoạch điều trị thuốc kháng HIV của các địa phương, xây dựng kế hoạch mua sắm, tiếp nhận thuốc kháng HIV được mua từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn do các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt; Phân bổ, điều phối việc phân bổ thuốc kháng HIV cho các địa phương, cơ sở điều trị HIV/AIDS theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

Thuốc kháng HIV được cấp để điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV theo thứ tự ưu tiên: Các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, Khoản 3 Điều 39 Luật phòng, chống HIV/AIDS; Người nhiễm HIV trong trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Những người khác nhiễm HIV.

Thuốc kháng HIV do tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ được cấp điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổng hợp và phân bổ.

Đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm, cấp miễn phí thuốc kháng HIV bao gồm: Người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; Phụ nữ mang thai nhiễm HIV, phụ nữ mang thai có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Người có thẻ bảo hiểm y tế và không điều trị thuốc kháng HIV miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc viện trợ thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Quản lý điều trị người phơi nhiễm với HIV

Quản lý điều trị trẻ phơi nhiễm với HIV: bao gồm trẻ từ dưới 18 tháng tuổi sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; mẹ có kết quả xét nghiệm có phản ứng đối với trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV; trẻ có kết quả có phản ứng đối với trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV tại cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không phải cơ sở điều trị thuốc kháng HIV: Tư vấn về lợi ích và sự cần thiết của việc sử dụng thuốc kháng HIV cho trẻ để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Chỉ định thuốc kháng HIV cho trẻ để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chỉ định và xử trí khi có kết quả xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em theo quy định tại Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Hướng dẫn người chăm sóc trẻ cách bảo quản, lấy thuốc kháng HIV đảm bảo đủ liều theo quy định và cách cho trẻ uống thuốc tại nhà; Giới thiệu, chuyển tuyến trẻ đến chăm sóc, điều trị tiếp tục tại cơ sở điều trị bằng thuốc kháng HIV có quản lý điều trị trẻ nhiễm HIV, phơi nhiễm với HIV khi trẻ được 4 tuần tuổi. Thủ tục chuyển tuyến cho trẻ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 5877/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2017 về việc phê duyệt “Hướng dẫn triển khai điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các cơ sở y tế”. Viết Giấy chuyển tuyến theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Quản lý điều trị trẻ phơi nhiễm với HIV tại cơ sở điều trị thuốc kháng HIV có quản lý điều trị trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV: Lập bệnh án điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Quyết định số 4069/QĐ-BYT và hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này; Đánh giá tình trạng toàn thân, phát triển tâm thần, thể chất của trẻ; tư vấn dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp; Tiếp tục điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Dự phòng nhiễm trùng cơ hội theo quy định tại Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Tư vấn về tuân thủ điều trị, theo dõi tác dụng của thuốc và cách xử trí khi có tác dụng dụng phụ; Chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV và xử trí theo quy định tại Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị HIV/AIDS và Quyết định số 2674/QĐ-BYT ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm HIV; Theo dõi chặt chẽ diễn biến lâm sàng, phát hiện sớm biểu hiện nhiễm HIV của trẻ trong tất cả các lần đến khám; Điều trị bằng thuốc kháng HIV ngay khi trẻ có các biểu hiện lâm sàng nhiễm HIV hoặc có kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử lần 01 dương tính hoặc có xét nghiệm khẳng định HIV dương tính; Ghi chép đầy đủ các thông tin vào Sổ theo dõi phơi nhiễm với HIV theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Quản lý điều trị trẻ trên 18 tháng tuổi và người lớn phơi nhiễm với HIV:

Trẻ trên 18 tháng tuổi và người lớn phơi nhiễm với HIV được xử trí theo quy định tại Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Trường hợp người bệnh cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thì lập bệnh án ngoại trú theo mẫu quy định tại Quyết định số 4069/QĐ-BYT và hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Ghi chép đầy đủ thông tin vào Sổ theo dõi phơi nhiễm với HIV theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Xử trí sau khi kết thúc theo dõi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: Trường hợp người phơi nhiễm với HIV được khẳng định nhiễm HIV thì thực hiện quản lý, theo dõi điều trị theo quy định tại Chương II Thông tư này. Trường hợp người bị phơi nhiễm với HIV được khẳng định không nhiễm HIV thì tư vấn về phơi nhiễm với HIV và dự phòng phơi nhiễm với HIV theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện thành lập và nội dung hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.

Thông tư số 32/2013/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bằng thuốc kháng HIV sao lưu toàn bộ bệnh án đang sử dụng sang Bệnh án điều trị ngoại trú theo mẫu quy định tại Quyết định số 4069/QĐ-BYT và theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

PV