Kon Tum: Nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm soát chi phí KCB BHYT

18/10/2018 04:47 PM


Hệ thống thông tin giám định BHYT (TTGĐ BHYT) triển khai từ tháng 10/2016, Kon Tum đã hoàn toàn kết nối 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, tới nay vừa tròn 2 năm, hệ thống này thật sự tỏ rõ hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong giám sát việc thực hiện các dịch vụ y tế từ phía cơ sở y tế và người tham gia BHYT, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT.

Chỉ đạo rà soát hồ sơ KCB BHYT trên Hệ thống ở Bộ phận Thường trực BHYT tại TTYT huyện Đăk Tô

Hiện nay tỉnh Kon Tum có 123 cơ sở KCB BHYT công lập, trong đó, 04 cơ sở tuyến tỉnh, 18 cơ sở tuyến huyện và 101 cơ sở tuyến xã. Từ ngày 01/10/2016, đã kết nối Internet từ tuyến xã trở lên và 100% cơ sở đã thực hiện liên thông dữ liệu lên Hệ thống giám định quốc gia. Từ ngày 01/01/2017 đã triển khai giám định điện tử trên Hệ thống giám định tại tất cả các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh. Tính từ ngày 01/01/2017 đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh có 1.741.230 hồ sơ KCB BHYT được tiếp nhận qua Hệ thống TTGĐ BHYT điện tử, với tổng chi phí KCB đề nghị thanh toán là 627,6 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, Hệ thống đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 1.403 hồ sơ đề nghị thanh toán không đúng quy định và tự động từ chối thanh toán tổng số tiền 400,35 triệu đồng.

Hệ thống cũng đã kịp thời cảnh báo các bất hợp lý trong chỉ định thuốc, dịch vụ y tế, giúp các cơ sở KCB nhận biết được những sai sót của mình để chủ động khắc phục và qua đó cũng giúp giám định viên của cơ quan BHXH thực hiện tổ chức giám định tại cơ sở đảm bảo chính xác theo đúng quy định. Nhờ đó, ngoài việc từ chối thanh toán tự động 400,35 triệu đồng từ Hệ thống TTGĐ BHYT điện tử thì cơ quan BHXH tỉnh còn tiến hành rà soát theo cảnh báo của hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2018 đã từ chối chủ động thêm trên 3,03 tỷ đồng.

Phó Trưởng phòng Giám định BHYT thuộc BHXH tỉnh Kon Tum Lê Minh Phương cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác KCB BHYT tiết kiệm thời gian chờ đợi của người bệnh, cơ sở KCB chỉ cần quét mã vạch hoặc nhập mã thẻ của người bệnh thì toàn bộ thông tin hành chính, lịch sử KCB các lần trước của người bệnh sẽ được tự động cập nhật, không phải nhập, tra cứu thủ công như trước đây. Triển khai Hệ thống TTGĐ BHYT liên thông được dữ liệu KCB, thuận lợi cho việc quản lý tập trung, giúp cơ quan BHXH quản lý được chi phí KCB theo từng ngày tại từng cơ sở KCB; ngăn chặn tình trạng người bệnh lạm dụng chính sách thông tuyến để đi KCB tại nhiều cơ sở KCB trong cùng một ngày nhằm mục đích trục lợi quỹ BHYT; kịp thời phát hiện những cơ sở có chi phí bất hợp lý để chấn chỉnh, thực hiện thanh toán chi phí KCB đúng theo quy định, ngăn chặn bội chi quỹ BHYT, tạo điều kiện giúp ngành BHXH giám sát, kiểm tra, quản lý chi phí KCB BHYT hiệu quả, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người bệnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy tiến trình BHYT toàn dân./.

Thái Đông Hải