Định hướng chính sách về sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế

29/08/2018 10:21 AM


Ngày 28/8, tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, Bộ Y tế phối hợp cùng USAID tổ chức Hội thảo Định hướng chính sách về sửa đổi Luật BHYT. Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam; đại diện Sở Y tế, BHXH và cơ sở KCB các tỉnh, thành phía Nam...

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người có nhiều năm tham gia xây dựng và giám sát thực hiện chính sách BHYT, đã gợi ý những vấn đề cốt lõi cần góp ý, thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chủ trì hội thảo.

Theo ông Tiên, có 5 nhóm vấn đề chính sách cần cân nhắc lấy ý kiến, bao gồm: Mở rộng diện bao phủ, quyền lợi tham gia BHYT, sự thuận tiện trong cung ứng DVYT, cách thức quản lý tốt chính sách BHYT và nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT.

Tại mỗi nhóm vấn đề, ông Tiên đều gợi mở phương án thay đổi so với hiện tại. Cụ thể, để mở rộng diện bao phủ, có thể thêm quy định CBCCVC và NLĐ có trách nhiệm mua thẻ BHYT cho thân nhân, với mức hỗ trợ 30% mệnh giá từ NSNN. Về quyền lợi tham gia BHYT, có thể mở rộng phạm vi chi trả đối với lĩnh vực quản lý sức khỏe, phòng bệnh lây truyền… Đáng chú ý, trong tổ chức và cung ứng dịch vụ KCB BHYT, theo gợi ý của ông Tiên, nếu trạm y tế xã và PK bác sĩ gia đình đạt chuẩn thì có quyền chuyển bệnh nhân theo tình trạng bệnh - như vậy những khó khăn phát sinh trong thông tuyến như hiện nay sẽ được hóa giải.

Liên quan đến Luật BHYT sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, bà Nguyễn Kim Phương- đại diện WHO tại Việt Nam, đã lưu ý về bản chất của BHYT. Theo bà Phương, BHYT không là mục tiêu, mà chỉ là phương tiện để giúp quốc gia đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do đó, để toàn bộ người dân có thể tiếp cận DVYT với chi phí thấp - trong bối cảnh nguồn lực quỹ BHYT có hạn, thì chính sách chi trả BHYT cần phải “liệu cơm gắp mắm”.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Minh họa rõ hơn về vấn đề quan trọng này, bà Phương dẫn ví dụ Australia, Hà Lan, New Zealand… là những quốc gia có nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng để đưa một kỹ thuật điều trị tiến bộ hay một loại thuốc mới hiệu quả hơn vào danh mục chi trả BHYT, họ phải “cân đo đong đếm” hết sức cẩn trọng, nhằm bảo lưu mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Sau những chia sẻ, gợi ý từ ông Nguyễn Văn Tiên và bà Nguyễn Kim Phương cùng thực trạng triển khai chính sách BHYT do Vụ BHYT (Bộ Y tế) và Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) trình bày, các đại biểu tham dự đã thảo luận về nhiều nội dung. Theo đó, vấn đề hoàn thiện y tế cơ sở với các Bác sĩ gia đình là “người giữ cửa” thực hiện vai trò chuyển tuyến được nhiều đại biểu đồng tình, ủng hộ. Riêng phương thức chi trả BHYT ngoại trú theo định suất, nội trú theo DRG (nhóm các bệnh liên quan) cũng được nhiều đại biểu nêu ý kiến ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Luật BHYT trải qua các lần sửa đổi đã ngày càng phù hợp thực tiễn, đi sâu đi sát vào cuộc sống người dân hơn. Tuy nhiên, đời sống xã hội luôn vận động không ngừng, khiến Luật BHYT bộc lộ những bất cập. Vì vậy, ông Tiên bày tỏ kỳ vọng, hoạt động sửa Luật BHYT sắp tới sẽ “bài bản” hơn, đáp ứng mong đợi của xã hội hơn.

Được biết, trước đó, một hội thảo tương tự cũng đã được Bộ Y tế và USAID phối hợp tổ chức, nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp từ các đại biểu thuộc khu vực phía Bắc.

Theo Báo BHXH