Tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế

13/07/2018 04:49 PM


Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tại cuộc họp đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 vừa được tổ chức ngày 10/7.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm biến động tương đối sát với dự báo trước đó của các cơ quan liên quan. Theo đó, tại phiên họp ngày 29/5 của Ban Chỉ đạo, nhóm giúp việc dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,43- 0,85% và thực tế CPI tháng 6 chỉ tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt lợn tăng trong đó khoảng 0,34%).  Các nhân tố gây tăng giá trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường, hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất hiện từ công tác điều hành của Chính phủ. Trước tình hình lạm phát có dấu hiệu tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm (giá thuốc, giá vật tư y tế thông qua đấu thầu), quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao,...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định lạm phát tháng 6/2018 không có gì bất thường. Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, ở đây không có yếu tố lạm phát theo chu kỳ hay do điều hành vĩ mô. Chính phủ nhắc tới ảnh hưởng chu kỳ 10 năm là để dự phòng chứ không phải xác định để đối phó khi mà chúng ta đã có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn trong điều hành, tổ chức sản xuất.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết lãi suất cơ bản vẫn ở mức thấp (1,35%) và tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017, còn trong 6 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (7,88% so với 9,06%). Bên cạnh đó, cả nước đang xuất siêu 2,7 tỷ USD, thặng dư cán cân thanh toán lên tới 9 tỷ USD, lãi suất ổn định nên không phải là nguyên nhân làm tăng tỷ giá bất thường.

Đối với các loại giá hàng hoá quan trọng tác động tới lạm phát (thịt lợn, xăng dầu, khí hoá lỏng, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, cước vận tải, viễn thông,...), các bộ, ngành cũng đã đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh cụ thể cho từng mặt hàng, trong từng tháng từ nay tới cuối năm để bảo đảm chỉ tiêu lạm phát.

Ngoài ra, Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê cũng độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng chỉ khoảng 4%.

Cụ thể, với kịch bản 1, lạm phát cả năm 2018 dao động từ 3,7- 3,88%. Theo đó, ngay trong tháng 7, lạm phát sẽ giảm 0,2% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế sẽ giảm 0,34%, giá xăng dầu (nếu không điều chỉnh) sẽ giảm 1%, tuy nhiên có yếu tố tăng giá từ giá thịt lợn, điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá gas thế giới.

Từ các tháng 8 cho tới tháng 12, lạm phát sẽ tăng so vói các tháng trước đó do việc tăng giá các mặt hàng thịt lợn, xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai,...

Vẫn các yếu tố giá cả như trên nhưng ở mức tăng cao hơn thì kịch bản lạm phát bình quân của năm 2018 tăng so với năm 2017 là khoảng từ 3,9- 4%.

Để bảo đảm kiểm soát các mặt hàng giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định giá BOT đã ổn định cho các loại phương tiện sau khi Bộ rà soát, quyết toán các trạm. Lĩnh vực vận tải 6 tháng đầu năm có tín hiệu tốt là khối lượng vận tải tăng (hành khách tăng 10,4%, hàng hoá tăng 9,7%) nhưng vẫn giữ chi phí vận tải ổn định do Bộ đã quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực vận tải.

Đối với giá vé hàng không, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng không ổn định giá cả trong bối cảnh xăng dầu thế giới tăng và tỷ giá biến động. Nếu xăng dầu tăng quá mức thì chỉ đạo các hãng tăng giá vé tăng nhẹ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Giao thông vận tải rút kinh nghiệm xem xét lại cách điều hành giá vé hàng không trong thời gian qua, không để thời điểm điều chỉnh giá vé trong lúc người dân đi lại nhiều và đưa nội dung điều chỉnh giá vé hàng không, vé xe bus vào phương án kiểm soát giá của Bộ.

Đối với giá thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thận trọng trong việc tái đàn ồ ạt vì sẽ làm người nuôi thua thiệt. Bên cạnh đó, Bộ phải tính toán, điều hành cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng từ nay tới cuối năm như các mặt hàng khác. “Bộ cần có báo cáo riêng về điều hành giá thịt lợn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Yêu cầu các bộ, ngành và địa phương bám sát kịch bản điều hành giá từ nay tới cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Y tế ngay trong năm 2018 tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung ở Bộ Y tế, BHXH Việt Nam để giảm giá các mặt hàng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế theo các chỉ đạo trước đây của Ban Chỉ đạo; kiến nghị với Chính phủ xây dựng Nghị quyết cho thí điểm BHXH Việt Nam thực hiện đấu thầu vật tư thiết bị y tế do BHYT chi trả; giao Bộ Tài chính làm trọng tài để Bộ Y tế và BHXH Việt Nam rà soát, tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong thời gian tới.

Đối với giá dịch vụ công do Nhà nước định giá thì trong tháng 9 đã điều chỉnh tăng 0,07% học phí thì phải tính toán kỹ điều chỉnh các mặt hàng khác trong tháng này; chưa tính toán điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ nay tới hết tháng 9.

Về các loại giá liên quan tới thị trường thì các bộ, ngành điều hành thông qua dự báo sát cung cầu, có tính toán tới các ảnh hưởng của thiên tai. Ví dụ với giá xăng dầu, Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, không để xảy ra việc tác động tăng lạm phát “kép” đến từ việc tăng tỷ giá và giá xăng dầu thế giới.

PV (Theo VGP)