Triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW: Cần sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị
21/04/2017 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/3/2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Từng bước lớn mạnh Tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế TW Vương Đình Huệ nhấn mạnh BHXH và BHYT là hai chính sách lớn, trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 26/5/1997, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về “Tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH”, ngày 07/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng. - Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT đã được tăng cường. Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy Đảng quan tâm thì tình hình thực hiện các chế độ BHXH, BHYT tốt hơn, số nợ tiền BHXH, BHYT tốt hơn. - Việc thể chế hóa các quan điểm của đảng thành các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT được quan tâm, hệ thống các văn bản khá đầy đủ. Quốc hội đã thông qua Luật BHXH, Luật BHYT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều nghị định, quyết định và thông tư hướng dẫn. - Số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. - Quỹ BHXH được hình thành độc lập với ngân sách nhà nước, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội; Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối thu chi. Đến cuối năm 2012, Quỹ BHXH tự nguyện có số dư là 984,8 tỷ đồng; Quỹ BH thất nghiệp có số dư là 24.315,7 tỷ đồng; Quỹ BHYT đã cân đối thu chi, bù đắp phần chi của những năm trước đó và đến hết năm 2012 có kết dư khoảng 12.891 tỉ đồng. - Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về thực hiện chế độ BHXH, BHYT từng bước được tăng cường. Hằng năm, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, và thanh tra sở Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT. - Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý BHXH Việt Nam được hình thành và phát triển cơ bản đáp ứng thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Năm 2002, sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam, hệ thống BHXH Việt Nam hoạt động với mô hình tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất. Bên cạnh đó, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ được thành lập để thực hiện chế độ, chính sách, chế độ BHXH cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức của các lực lượng này. Thẳng thắn nhìn nhận yếu kém
Sau hơn 50 năm thực hiện BHXH và 20 năm thực hiện BHYT, quỹ BHXH được hình thành, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế xã hội. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu chi và có kết dư. Hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam được hình thành và phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém cần phải khắc phục. Việc phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chế độ, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu rộng, có nơi còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung ương và địa phương nên hiệu quả còn thấp. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn thấp, thấp hơn so với yêu cầu và quy định của Luật. Số người tham gia BHXH mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động. Số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 67% dân số. Đặc biệt tỉ lệ tham gia của nhóm tự nguyện đóng BHYT rất thấp, mới trên 20% tổng số đối tượng, trong đó đa số là những người mắc bệnh mãn tính, bị bệnh hiểm nghèo. Vấn đề mất cân đối Quỹ hưu trí, tử tuất trong tương lai đáng báo động; Quỹ BHYT luôn tiền ẩn nguy cơ thâm hụt. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp do hai hệ thống cơ quan thực hiện nên gặp khó khăn, thậm chí gây phiền hà cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT là vấn đề rất đáng lo ngại. Ở tất cả các tỉnh, thành phố đều có tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT. Đến cuối năm 2012, số nợ BHXH là 4.639 tỉ đồng, giảm 232 tỉ đồng so với năm 2011 và bằng 6,26% số phải thu, trong đó có trên 100 tỉ đồng thuộc diện khó đòi. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện; tính ổn định của chính sách BHXH chưa cao, một số chế độ thường xuyên thay đổi; công tác thanh tra, kiểm tra còn yếu, nhất là ở các địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn gây bức xúc cho người bệnh; năng lực và trách nhiệm của một số cán bộ giám định y tế còn yếu. Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ BHXh chưa chặt chẽ. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT còn yếu kém. Quản lý hệ thống BHXH, BHYT chưa được hiện đại hóa và còn thiếu chuyên nghiệp; cơ quan bảo hiểm chưa chủ động tiếp cận với các đối tượng tham gia bảo hiểm. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Để khắc phục những hạn chế và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020.
Mục tiêu lớn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Với quan điểm BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết đặt ra mục tiêu nhằm đảm bảo công bằng và phát triển bền vững BHXH, BHYT. Đó là: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính cần phải quan tâm thực hiện: Giải pháp đầu tiên nghị quyết đưa ra là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền, cơ quan BHXH và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT. Giải pháp thứ hai: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được thực hiện theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng Quỹ. Có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT. Nâng cao hiệu quả sử dụng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo. Đa dạng sản phẩm dịch vụ BHYT phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, điều chỉnh các mức phí, mức hưởng đi đôi với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao… Sớm ban hành Chiến lược phát triển BHXH, BHYT đến năm 2020. Từng bước thực hiện nguyên tắc “đóng – hưởng”, gắn với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giải pháp thứ ba là: Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền. Giải pháp thứ tư là: Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, BHYT. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở. Củng cố và tăng cường quản lý Quỹ BHXH, Quỹ BHYT bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng Quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT. Khẳng định vai trò của cấp ủy và chính quyền địa phương Tại hội nghị, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thảo luận một số nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết 21 như: Hướng dẫn số 64 ngày 10-12-2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị; dự thảo kế hoạch của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị khóa XI và những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện BHXH, BHYT tại các địa phương hiện nay. Các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết số 21 nhằm làm cơ sở cho sự phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết đặt ra là nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải có các giải pháp tích cực để thực hiện. Lãnh đạo các bộ, ngành và BHXH đều cho rằng vai trò chỉ đạo, thực hiện chính sách BHXH, BHYT của cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 21 đặt ra. Dự thảo kế hoạch của Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội quán triệt và thể chế hóa Nghị quyết thành các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác quản lý về BHXH. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định Bộ sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai từng công việc và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các Ủy ban của Quốc hội và các địa phương triển khai thực hiện trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần đưa chỉ tiêu phát triển BHXH và BHYT vào trong kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng như thuế, KHĐT, LĐTB-XH, liên đoàn lao động phối hợp thực hiện tốt chính sách bảo hiểm. Tại hội nghị, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT an toàn, hiệu quả; nghiên cứu việc đóng BHXH phải phù hợp với thực tế để người lao động khi về hưu đảm bảo được cuộc sống, khuyến khích người dân có cuộc sống dưới mức trung bình tham gia BHYT, có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi trốn đóng BHXH...
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã có chương trình, kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Đồng chí Lê Hồng Anh, nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, công tác an sinh xã hội càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó BHXH, BHYT là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Nghị quyết số 21 đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đề nghị đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 21, tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết 21 tới toàn thể đảng viên, nhân dân để người dân thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT; Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT... Nghiên cứu những chế tài đủ mạnh, nghiêm minh răn đe những hành vi làm sai quy định BHXH, BHYT. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ BHXH, BHYT, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; quản lý và sử dụng hiệu quả và bảo đảm cân đối quỹ BHXH, BHYT. Đồng chí Lê Hồng Anh cũng yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương Đảng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, tổng hợp báo cáo định kỳ kết quả thực hiện với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21 của BHXH Việt Nam tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên cơ sở cụ thể hóa 04 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết.
1. Giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT được đặc biệt nhấn mạnh nhằm phổ biến sâu rộng hai chính sách này đến với đông đảo người lao động và nhân dân.
2. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT;
3. Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng, chống thất thu, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT;
4. Tăng cường quản quản lý và giải quyết tốt các chế độ BHXH;
5. Giám sát chặt chẽ các chi phí khám, chữa bệnh, chống lạm dụng, trục lợi, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, bảo đảm quỹ BHYT được cân đối và có kết dư để dự phòng;
6. Quản lý tài chính chặt chẽ, đầu tư quỹ BHXH hiệu quả;
7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý của Ngành;
8. Không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới;
9. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân;
10. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?