Chủ trương miễn học phí- Quyết sách thể hiện tầm nhìn chiến lược trong nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực

18/07/2025 10:44 AM


Miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 là chủ trương lớn của Đảng, là quyết sách có ý nghĩa to lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tạo hiệu ứng tích cực về kinh tế, xã hội của quốc gia.

1- Hiệu ứng về kinh tế

Thứ nhất, giảm gánh nặng tài chính cho hộ gia đình, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp và trung bình

Chủ trương miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập có tác động trực tiếp đến từng hộ gia đình, đặc biệt là gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Theo Tổng cục Thống kê (năm 2020), mỗi hộ gia đình ở khu vực thành thị chi trung bình 10,7 triệu đồng/năm/học sinh, gấp 2,1 lần so với hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Nhóm thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/năm cho giáo dục, trong khi nhóm thu nhập thấp nhất chỉ chi 2,5 triệu đồng, chênh lệch gấp 6,2 lần. Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn phải chi một khoản cho con học thêm, chiếm 32% tổng chi phí giáo dục ở bậc tiểu học, 42% ở trung học cơ sở và 43% ở trung học phổ thông(1).

Việc miễn học phí sẽ giúp hộ gia đình Việt Nam giảm bớt áp lực tài chính, đồng thời cho phép họ phân bổ lại “ngân sách” gia đình vào các nhu cầu thiết yếu, như y tế, dinh dưỡng, đầu tư vào giáo dục bổ sung hoặc tiết kiệm cho tương lai. Đặc biệt, chủ trương này hết sức ý nghĩa đối với hộ nghèo và cận nghèo, giúp họ duy trì điều kiện sống ổn định, giảm nguy cơ rơi vào vòng xoáy đói nghèo. Thực tế cho thấy, chi phí học tập là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chưa thành niên, nhất là người chưa thành niên ở vùng sâu, vùng xa phải bỏ học. Khi rào cản tài chính được xóa bỏ, trẻ em, học sinh có điều kiện thuận lợi để đến trường, hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Như thế, miễn học phí không chỉ giúp giảm áp lực tài chính cho hộ gia đình, tăng tỷ lệ hoàn thành giáo dục phổ thông, tăng tỷ lệ tiếp cận giáo dục, mà còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Thứ hai, tăng sức mua và kích thích tiêu dùng nội địa

Ngoài tác động tích cực đến tài chính hộ gia đình, thu nhập khả dụng tăng lên khi không phải chi trả học phí cũng góp phần kích thích tiêu dùng, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế. Khi bớt được một khoản chi cố định, hộ gia đình có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào thực phẩm, sản phẩm phục vụ gia đình và sản phẩm dịch vụ, du lịch.

Không chỉ dừng lại ở mức tiêu dùng cá nhân, việc tăng chi tiêu cũng kích cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần tăng trưởng GDP và bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Như vậy, quyết sách này không chỉ hỗ trợ an sinh xã hội, mà còn là một chính sách kích cầu kinh tế hiệu quả, giúp tăng tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất và mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn

Chủ trương miễn học phí không chỉ bảo đảm công bằng trong giáo dục, mà còn góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong môi trường quốc tế. 

Khi rào cản tài chính được xóa bỏ, tỷ lệ hoàn thành giáo dục phổ thông sẽ tăng, đặc biệt ở khu vực điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, giúp người học có nhiều cơ hội học lên bậc học cao hơn, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Về lâu dài, chủ trương này góp phần tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao, giúp tăng năng suất lao động, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thuộc hàng thấp nhất châu Á(2), một phần do chất lượng nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Khi chất lượng giáo dục được nâng cao, lực lượng lao động sẽ dễ dàng tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu suất sản xuất và thu hút nhiều doanh nghiệp FDI vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. 

Thứ tư, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp

Cách đây 12 năm, Nghị quyết số 46/NQ-CP, ngày 29-3-2013, của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01-11-2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngay sau đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngày 22-12-2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được ban hành. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW, chúng ta rất cần một nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ trương miễn học phí chính là động lực mạnh mẽ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế đổi mới, tạo tiền đề đào tạo một thế hệ trẻ tập trung vào sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển đổi số mà không bị áp lực tài chính chi phối. Từ đó, người học có thời gian đầu tư vào học tập, nghiên cứu, phát triển kỹ năng và thực hiện ý tưởng kinh doanh đột phá, góp phần xây dựng một nền kinh tế Việt Nam sáng tạo, năng động và bền vững.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia có mức độ giáo dục phổ cập cao như Phần Lan và Đức đã tận dụng chính sách này để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động. Phần Lan nổi tiếng với mô hình giáo dục khuyến khích sáng tạo, giúp người học phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Trong khi đó, Đức miễn học phí cho cả sinh viên quốc tế, tạo điều kiện để người học tập trung vào nghiên cứu và phát triển ý tưởng kinh doanh, góp phần tạo nên một môi trường khởi nghiệp mạnh mẽ với sự ra đời hàng loạt doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo từ trường đại học.  

Thứ năm, tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế

Trong thời đại số hóa, khoa học, công nghệ phát triển, một lực lượng lao động có trình độ cao và kỹ năng công nghệ vững vàng là yếu tố quyết định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Khi đó, đầu tư vào giáo dục không chỉ trang bị cho người lao động kỹ năng phù hợp với thị trường, mà còn giúp người lao động thích ứng nhanh với sự đổi mới của công nghệ và xu hướng kinh tế toàn cầu.

Nhiều quốc gia đã tận dụng chính sách giáo dục phổ cập ở mức độ cao để bứt phá về kinh tế. Hàn Quốc là một điển hình, sau chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Hàn Quốc tập trung mạnh mẽ vào cải cách giáo dục, coi đây là nền tảng để phục hồi và phát triển kinh tế. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, chính sách phổ cập giáo dục đã giúp 86% học sinh theo học bậc cao đẳng và đại học, tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao, thúc đẩy Hàn Quốc vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á. Nhật Bản cũng sớm có chiến lược tương tự từ thời Minh Trị, coi giáo dục là công cụ then chốt để hiện đại hóa đất nước, giúp xây dựng một nền công nghiệp vững mạnh, đưa Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế. Bài học từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy, một nền giáo dục phổ cập ở mức độ cao và chất lượng tốt là chìa khóa cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

2- Hiệu ứng về xã hội

Một là, thúc đẩy công bằng và bình đẳng trong giáo dục

Chủ trương miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập là một bước tiến quan trọng trong tiếp cận giáo dục, trong việc thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, thể hiện tính ưu việt của đất nước. Khi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về miễn học phí, không phải đóng học phí, hỗ trợ học phí... được triển khai, tất cả người học, từ mầm non đến trung học phổ thông, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế, đều có thể tiếp tục học tập, tạo cơ hội học tập bình đẳng và góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng hơn.

Chủ trương này sẽ giúp tăng tỷ lệ người học được đi học tại nhiều khu vực khó khăn, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính cho hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, giúp ngăn chặn hiện tượng người học không thể đến trường vì gia đình không đủ tiền đóng học phí - một vấn đề còn hiện hữu ở một số địa phương trong cả nước. Tất cả người học đều có cơ hội hoàn thành chương trình đào tạo từ mầm non đến tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo nền tảng cho xã hội phát triển bền vững.

Hai là, giảm thiểu tỷ lệ người lao động chưa thành niên, tăng tỷ lệ hoàn thành phổ cập giáo dục

Chủ trương miễn học phí của Đảng và Nhà nước không chỉ giúp gia tăng số người tiếp tục được đến trường, mà còn giảm tỷ lệ người lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động, đặc biệt là trong gia đình có thu nhập thấp. Thu nhập bình quân mà người lao động chưa thành niên tạo ra khá thấp. Trong khi đó, việc phải đi làm cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của người lao động chưa thành niên.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở 99%, nhưng trung học phổ thông chỉ còn 95%. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận học sinh không thể học tiếp và một trong các nguyên nhân là gia đình không bảo đảm được nguồn tài chính. Do vậy, khi học phí được miễn, gánh nặng tài chính của hộ nghèo và cận nghèo sẽ giảm, nhiều người chưa thành niên tiếp tục được đi học thay vì phải lao động sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ba là, nâng cao sự ổn định xã hội

Thực hiện chủ trương miễn học phí, tỷ lệ người chưa thành niên đến trường sẽ tăng lên; người lao động có cơ hội học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội hơn, góp phần giảm tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật và tăng cường gắn kết xã hội. Trong môi trường học tập, người chưa thành niên được tiếp cận kiến thức, định hướng nghề nghiệp và phát triển kỹ năng sống, từ đó giảm nguy cơ có hành vi vi phạm pháp luật. Thực tiễn cho thấy, khi giáo dục dễ tiếp cận hơn, nhiều người chưa thành niên có cơ hội phát triển tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ rơi vào vòng xoáy vi phạm pháp luật do thiếu cơ hội học tập và không làm việc. 

Bên cạnh đó, miễn học phí tạo nên một nền giáo dục phổ cập và công bằng, chất lượng, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế gia đình, góp phần hình thành một tầng lớp trung lưu vững chắc, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển dài hạn của xã hội. Khi hệ thống giáo dục phát triển bền vững, mức độ gắn kết xã hội cũng cao hơn, người dân có ý thức trách nhiệm công dân mạnh mẽ hơn, từ đó tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động cộng đồng. Rõ ràng, miễn học phí có tác động làm giảm tỷ lệ tội phạm thông qua nâng cao dân trí, tăng cường sự gắn kết xã hội, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, công bằng và phát triển bền vững.

Bốn là, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống giáo dục

Chủ trương miễn học phí mang lại lợi ích trực tiếp cho người học và gia đình, tiếp tục góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống giáo dục. Mười năm qua, kể từ khi triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 14-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo luôn ở mức từ 15% - 19%, tuy chưa năm nào đạt mức 20%(3), tương đương 5% GDP cho giáo dục như mục tiêu của Nghị quyết đề ra, nhưng cũng thể hiện rõ ràng đây là một sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước dành cho giáo dục.

Chủ trương miễn học phí góp phần củng cố hệ thống giáo dục. Khi các trường được đầu tư bài bản, đầy đủ hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và phương pháp giảng dạy, phụ huynh sẽ ngày càng tin tưởng vào hệ thống giáo dục.

Một nghiên cứu của Đại học Đà Lạt chỉ ra rằng, ở nhiều quốc gia, khi giáo dục được củng cố, chất lượng giáo dục được bảo đảm, sẽ góp phần hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tạo môi trường học tập công bằng hơn cho tất cả người học. Vì thế, miễn học phí không chỉ là một chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, mà thành một chiến lược dài hạn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Năm là, góp phần thực hiện chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước

Đây là bước đi cụ thể trong việc thực hiện chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư vào con người như một nguồn lực quan trọng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng giáo dục và đào tạo là tương lai của dân tộc(4), cần được ưu tiên phát triển và đầu tư đi trước các lĩnh vực khác. Việc miễn học phí chính là bước đi quan trọng cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng. Hướng đến một nền giáo dục phổ cập và chất lượng cũng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Chủ trương miễn học phí là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc lấy giáo dục làm nền tảng cho sự thịnh vượng và tiến bộ lâu dài.

3- Thách thức cần vượt qua

Chủ trương miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh trung học phổ thông công lập mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức về chất lượng giáo dục, do đó cần có giải pháp cụ thể để giải quyết thách thức. 

Giải quyết thách thức từ “gánh nặng” ngân sách nhà nước. Việc miễn giảm học phí có thể tạo áp lực lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều nhu cầu chi tiêu cấp bách khác, như y tế, hạ tầng và an sinh xã hội. Để khắc phục, cần đa dạng hóa nguồn tài chính dành cho giáo dục thông qua xã hội hóa, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác công - tư (PPP), từ đó giảm tải cho ngân sách. Đồng thời, việc tăng cường hiệu quả quản lý chi tiêu giáo dục, hạn chế lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực cũng là giải pháp quan trọng. Một hướng đi khác cần đề cập là thành lập quỹ học phí, quỹ này sẽ nhận hỗ trợ từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và một số tổ chức quốc tế, giúp bổ sung kinh phí và duy trì tính bền vững của chính sách.

Giải quyết thách thức từ số lượng người học gia tăng. Khi miễn học phí, các trường phải đối mặt với số lượng người học gia tăng kéo theo áp lực lên đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, có nguy cơ làm giảm chất lượng giáo dục nếu không có sự chuẩn bị tốt. Để bảo đảm chất lượng, cần đầu tư mở rộng và nâng cấp hệ thống trường lớp, chất lượng nhà giáo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi điều kiện học tập, cơ sở vật chất còn hạn chế. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cải thiện chế độ, chính sách tiền lương, đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong ngành giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, phát triển mô hình giáo dục trực tuyến và trường học thông minh nhằm giảm áp lực lên hệ thống giáo dục truyền thống, nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Giải quyết thách thức trong bảo đảm công bằng đối với đối tượng hưởng lợi từ chủ trương, chính sách. Nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, có thể xảy ra tình trạng lạm dụng hoặc phân bổ không hợp lý, khiến một số đối tượng dễ bị bỏ sót hoặc không được hưởng lợi đầy đủ. Để ngăn chặn tình trạng này, cần xây dựng hệ thống giám sát minh bạch, bảo đảm chính sách được triển khai đúng đối tượng, đồng thời hỗ trợ người học ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và triển khai chủ trương, chính sách, bảo đảm nguồn lực giáo dục được phân bổ hợp lý, không để xảy ra tình trạng bất cập hoặc thiếu hụt nguồn lực cục bộ.

Chủ trương miễn học phí chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài, nhưng đi kèm sẽ đặt ra thách thức không nhỏ. Để triển khai hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần đề ra chiến lược toàn diện, kết hợp giữa tài chính bền vững, quản lý hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu thực hiện đúng hướng, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một nền giáo dục công bằng, phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Theo Tạp chí Cộng sản