Đảm bảo an sinh xã hội bền vững
28/12/2024 09:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đến thời điểm này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các đề án, nội dung liên quan đến việc hợp nhất 2 bộ, đảm bảo tinh thần chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả và nghiêm túc.
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đã quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ban hành quyết định quy định chức năng nhiệm vụ của 16/17 đơn vị quản lý Nhà nước và 1 Văn phòng chuyên trách. Cụ thể, gồm các cục: Trẻ em; Người có công; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Việc làm; Quan hệ lao động và Tiền lương; An toàn lao động; Quản lý lao động ngoài nước; Bảo trợ xã hội.
Các vụ: Kế hoạch - Tài chính; Pháp chế; Bình đẳng giới; Hợp tác quốc tế; Bảo hiểm xã hội; Tổ chức cán bộ. Ngòai ra, còn có Văn phòng; Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; Thanh tra.
Đồng thời, ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bên cạnh đó, đã ban hành 1 quyết định tiếp nhận và 10 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 10 trường cao đẳng, trường trung cấp được tiếp nhận từ Bộ Xây dựng về Bộ quản lý theo Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sắp xếp, kiện toàn các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến ngày 31/12/2023, Bộ có 42 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 2 đầu mối, tương đương 4,54% so với năm 2021.
Sau khi tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trường trung cấp từ Bộ Xây dựng về Bộ quản lý, đến nay có 52 đơn vị sự nghiệp công lập, tăng 8 đơn vị so với năm 2021. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực hiện 3 quy hoạch ngành quốc gia, gồm: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho biết nhìn lại năm 2024 và chặng đường gần 80 năm qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng. Gần 80 năm qua, từ 2 Bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, song các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin tại hội nghị. Ảnh: Tống Giáp.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng trong dòng chảy lịch sử đó có đóng góp rất quan trọng của ngành. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành hoàn toàn có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo.
Những công việc đạt được trong thời gian qua, đặc biệt với những vấn đề mang tính chất thể chế, Bộ trưởng cho rằng đây sẽ là nền móng cho những năm tiếp theo. Những chính sách mà ngành đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”. Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản luật khác cũng xây dựng định hướng tương tự như vậy.
Nhiều thành tựu của ngành không chỉ được Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tháng 10, hội nghị G7 họp, Việt Nam là đại diện duy nhất trong số các nước châu Á được mời dự, báo cáo về công tác chăm sóc người yếu thế.
Còn tại Hội nghị G20 tại Brazil vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo được mời để chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo như một điển hình thành công của thế giới. Việt Nam cũng được mời tham gia Liên minh sáng kiến toàn cầu về phòng chống đói nghèo…
Bước sang năm 2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sẽ có nhiều vấn đề ngành cần tập trung thực hiện. Trước mắt, ngành sẽ tập trung tham mưu chỉ đạo, chuẩn bị tốt nhất để người có công, các đối tượng yếu thế và mọi người dân có Tết Nguyên đán Ất Tỵ đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc.
Toàn cảnh hội nghị.
Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả, nghiêm túc và chất lượng nhất việc hợp nhất giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ. “Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị tinh thần chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả và nghiêm túc. Đến giờ này, tất cả đề án, các nội dung liên quan đến hợp nhất, hai Bộ đã đảm bảo”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Theo đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Bộ, bao gồm Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; 13 trường cao đẳng và 3 trường đại học sư phạm sẽ chuyển giao về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện chức năng quản lý và chỉ đạo điều hành.
Chức năng giảm nghèo bền vững và Văn phòng quốc gia về giảm nghèo chuyển về Ủy ban dân tộc. Ba Cục gồm: Bảo trợ xã hội; Trẻ em; Phòng, chống tệ nạn xã hội, và 7 đơn vị sự nghiệp khối ngành y (gồm 4 bệnh viện và các cơ sở nuôi dưỡng người tật nguyền, người khuyết tật…) sẽ chuyển giao về Bộ Y tế.
Còn lại 35 đầu mối, trong đó có 17 cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước giúp việc cho Bộ trưởng; toàn bộ lĩnh vực lao động, việc làm và người có công sẽ hợp nhất với Bộ Nội vụ.
“Theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, tất cả các công việc của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai mà không mất đi, thậm chí có tăng lên, chỉ khác về mô hình tổ chức”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, mỗi lần hợp nhất đều sẽ không tránh khỏi những tâm tư. Cá nhân ông những ngày qua cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, song càng trong thời điểm này cần bình tĩnh, lắng nghe và chấp hành, với tinh thần làm tốt nhất công việc được giao. “Đến giờ này, dù còn nhiều tâm tư khác nhau, nhưng tôi tin rằng anh em trong ngành cũng cảm thấy an tâm ở cương vị mới, tin tưởng công việc của mình vẫn tiếp tục thực hiện”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Bộ trưởng khẳng định ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, để “những tiếng thơm 80 năm qua của ngành sẽ tiếp tục được lan tỏa”.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng sự kiện hôm nay của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội mang rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Báo cáo khái quát về sự phát triển của ngành suốt 80 năm, cho thấy mọi hoạt động của ngành đều gắn với những truyền thống văn hóa hết sức tốt đẹp của dân tộc, đó là tình tương thân, tương ái, nhân văn và nghĩa tình. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng gắn bó chặt chẽ từ đầu với lịch sử phát triển của đất nước trong thời đại mới.
Theo Phó Thủ tướng, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", là tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trọng như đúc kết của cha ông là "nghệ phải tinh".
Ngành cũng đã cố gắng hoàn thiện chính sách tiền lương và xây dựng quan hệ lao động hài hòa. “Cái khó ở đây là làm sao bảo đảm được sự hài hòa, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, nhưng phải tiệm cận được với tiêu chuẩn của thế giới. Điều này không phải dễ, phải đảm bảo làm sao tiền lương tối thiểu, chính sách lao động việc làm không phân biệt đối xử, để hàng hoá của chúng ta bán được ra thị trường nước ngoài", Phó Thủ tướng nói.
Về chính sách an sinh xã hội, ngành đã quan tâm đến những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ được thụ hưởng chính sách tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết khi ông đi tiếp xúc cử tri, đi đến cơ sở, gặp gỡ người dân, mọi người đều quan tâm đến mức độ thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công là bao nhiêu, hay "liệu có thêm tiền hay không".
"Tôi có trả lời là sẽ trao đổi với Bộ trưởng, với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng bào cứ yên tâm rằng đất nước chúng ta có điều kiện hơn thì các anh, các chị ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu để chúng ta có được phần nhiều hơn", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những hạn chế, khó khăn vướng mắc mà ngành đã chỉ ra. Bởi có những chính sách trong ngành đã và đang thực hiện phụ thuộc nhiều vào thu nhập, điều kiện phát triển của đất nước, nên "ở mặt này hay mặt khác thì chưa đáp ứng được hết mong muốn của người dân". Đây cũng là ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, các đối tượng chịu ảnh hưởng rất rộng.
KHÔNG ĐỂ GIÁN ĐOẠN VIỆC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ
Đồng tình với các giải pháp mà ngành đề ra cho năm 2025 và những năm tới, song Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2025 cũng là năm mà cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện 3 công việc lớn cùng lúc, đó là: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 7% để tạo đà cho những năm sau.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước, về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hỗ trợ người nghèo… thì hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của các đối tượng này.
Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy là việc cả hệ thống chính trị đang làm, chính sách không thay đổi, còn việc ai làm ở đơn vị nào sẽ có sự phân công cụ thể.
Với tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt là thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới.
"Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại đầy đủ để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sắp xếp, bộ máy, Phó Thủ tướng nói ít nhiều không tránh khỏi tâm tư, song ông mong cán bộ, nhân viên trong ngành yên tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Từ đó, để các việc chúng ta đã và đang làm trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đạt thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới.
Vũ Thu
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung quyết tâm hoàn ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?