Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Lợi ích thiết thực, vì sự phát triển bền vững của thế hệ trẻ
06/09/2024 09:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) đã và đang là một phần quan trọng trong hệ thống y tế và giáo dục ở nước ta. Với mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước, chính sách này không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho cá nhân HSSV mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của thế hệ trẻ.
Với quy mô gần 1/4 dân số Việt Nam, nhóm HSSV luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm khi xây dựng và thực hiện các chính sách BHYT. Việc tham gia BHYT không chỉ đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các em mà còn góp phần giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Hơn nữa, chính sách này là “bước đệm” để các em có ý thức tự bảo vệ sức khỏe, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc đời.
Bảo hiểm y tế Học sinh, sinh viên: Lợi ích thiết thực, vì sự phát triển bền vững của thế hệ trẻ
“Lá chắn” bảo vệ sức khoẻ
Được triển khai từ năm học 1994-1995 theo Thông tư liên tịch số 14/TTLB của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, chính sách BHXH HSSV ngày càng hoàn thiện và phát triển qua từng giai đoạn. Đặc biệt, theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, HSSV trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.
HSSV là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại bệnh tật do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và thói quen sinh hoạt chưa khoa học. Những thay đổi về môi trường học tập, lối sống xa gia đình và áp lực học tập đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, từ những bệnh lý đơn giản như cảm cúm, viêm phổi, đến các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm ruột thừa hoặc các vấn đề liên quan đến tâm lý.
Trong trường hợp mắc bệnh, các chi phí khám, chữa bệnh có thể trở thành gánh nặng tài chính lớn cho gia đình các em. Vì vậy, khi tham gia BHYT, HSSV sẽ được hỗ trợ chi trả phần lớn các chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo các em có thể tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời mà không phải lo lắng về kinh phí.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến năm học 2023-2024, đã có khoảng 19,1 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97,8% tổng số HSSV trên toàn quốc. Đáng chú ý, một số địa phương như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT tới 100% HSSV. Điều này cho thấy chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh và các em học sinh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, quỹ BHYT đã chi trả chi phí khám chữa bệnh cho hơn 4,05 triệu lượt HSSV, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có 517 trường hợp HSSV mắc các bệnh hiểm nghèo như suy thận, ung thư, tim mạch đã được BHYT thanh toán chi phí từ 100 triệu đến hơn 500 triệu đồng. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình các em mà còn giúp các em yên tâm điều trị và phục hồi sức khỏe.
Giảm gánh nặng tài chính và thúc đẩy ý thức bảo vệ sức khỏe
Có thể thấy, một trong những lợi ích lớn nhất của chính sách BHYT HSSV là khả năng giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người tham gia khi không may mắc bệnh hoặc tai nạn. Với BHYT, các gia đình chỉ cần chi trả một phần nhỏ trong tổng số chi phí y tế, phần còn lại sẽ do quỹ BHYT hỗ trợ. Đây là một biện pháp hữu hiệu giúp nhiều gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không phải lo lắng về chi phí khám chữa bệnh cho con em mình.
BHYT HSSV giúp giảm gánh nặng tài chính và thúc đẩy ý thức bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ
Không chỉ vậy, BHYT còn đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích HSSV hình thành thói quen tự bảo vệ sức khỏe và nhận thức về việc phòng bệnh. Tham gia BHYT, các em được tiếp cận với các chương trình khám sức khỏe định kỳ, tư vấn y tế và các hoạt động phòng chống bệnh tật. Thông qua đó, các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời nhận thức được rằng việc phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.
Việc tham gia BHYT còn giúp HSSV hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với sức khỏe bản thân và cộng đồng. Hệ thống BHYT hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, tức là những người khỏe mạnh sẽ đóng góp để giúp đỡ những người không may mắc bệnh. Đây không chỉ là một hình thức bảo hiểm mà còn là một bài học sâu sắc về lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội mà các em sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.
Để khuyến khích HSSV tham gia BHYT, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ về mặt tài chính. Theo quy định, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho HSSV, và tại một số địa phương, chính quyền còn trích ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm phần đóng góp này. Hiện tại, đã có 27 tỉnh, thành phố triển khai chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ lớn như: Hà Giang hỗ trợ 70% mức đóng; Hưng Yên, Bà Rịa- Vũng Tàu hỗ trợ 30% mức đóng; Quảng Ngãi hỗ trợ từ 20-30% mức đóng; Bắc Kạn, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc hỗ trợ 20% mức đóng… Điều này không chỉ giúp giảm áp lực tài chính cho gia đình mà còn khuyến khích HSSV tham gia BHYT một cách tự nguyện và chủ động hơn.
Thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay sẽ trở thành lực lượng lao động chủ chốt trong tương lai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho HSSV là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ của ngành Y tế, ngành BHXH Việt Nam mà còn của toàn xã hội. Việc tham gia BHYT giúp HSSV được chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển về thể chất và tinh thần, giúp các em có thể học tập và rèn luyện tốt nhất./.
Phạm Chính
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?