Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Bước tiến quan trọng của ngành BHXH Việt Nam vì lợi ích người tham gia
31/08/2024 11:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 31/8, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Hội nghị, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, BHXH Việt Nam là một trong số bộ, ngành đã triển khai rất tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Cụ thể, hiện nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN. Hằng năm có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động là gần 100 triệu hồ sơ giao dịch điện tử).
Khi thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (KCB BHYT), người dân có thể lựa chọn sử dụng ứng dụng VssID, VNeID hoặc thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip, giúp ngành BHXH Việt Nam cắt giảm được tối đa chi phí in ấn thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chíp, VNeID, VssID, chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB BHYT, thay vì mất tối thiểu 10 phút như trước đây.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng.
Người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm phục vụ của ngành BHXH Việt Nam
Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có tham luận làm rõ hơn các kết quả này. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đây là 2 trụ cột hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ nhằm hướng tới chăm sóc tốt nhất sức khỏe Nhân dân. Ngành BHXH Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, BHXH Việt Nam luôn xác định việc chuyển đổi số và thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, đến nay, BHXH Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Một là, đến nay, 100% người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thu thập thông tin trong CSDL về Bảo hiểm. Và cơ quan BHXH Việt Nam là đơn vị được giao chủ trì về CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Và đã xác thực hơn 98,2 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 87,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 98,2% tổng số người tham gia và được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Hai là, 100% quy trình nghiệp vụ của ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử các kết quả được số hóa toàn diện. Các quy trình nghiệp vụ được tái cấu trúc một cách triệt để nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Tính đến năm 2024, BHXH Việt Nam đã giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 25 thủ tục hành chính (giảm 78%). Số giờ thực hiện thủ tục hành chính đã giảm 86%. Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành. Từ đó, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
Ba là, 100% các DVC được cung cấp trực tuyến trong đó 100% DVC đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ DVC trực tuyến toàn trình. Hiện nay, có khoảng 621 nghìn tổ chức, doanh nghiệp, người SDLĐ đang giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua các cổng DVC. 100% người dân có tài khoản định danh (VneID) mức độ 2 có thể thực hiện các DVC trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam. Có khoảng 13 nghìn cơ sở y tế kết nối, liên thông trực tiếp với BHXH Việt Nam để thực hiện DVC thanh toán chi phí KCB BHYT cho khoảng 170 triệu lượt người KCB BHYT trung bình một năm.
Bốn là, 100% người hưởng các chế độ ốm đau thai sản, dưỡng sức và trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; 74% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị đang được cơ quan BHXH chi trả qua tài khoản ngân hàng. Đối với nội dung này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp rất chặt chẽ của Bộ Công an nên vừa qua, việc chi trả lương hưu, các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân đã đạt được từ dưới 50% tăng lên 74% từ tháng 7 năm 2024.
Năm là, 100% cơ sở KCB BHYT có thể KCB bằng thẻ CCCD gắn chip hoặc sử dụng ứng dụng VneID hoặc ứng dụng VSSID. “Chưa bao giờ người dân đi KCB thuận lợi như hiện nay” do CSDL về BHYT với CSDL quốc gia về dân cư đã được đồng bộ 100%. Và người bệnh chỉ cần sử dụng CCCD gắn chip hoặc VneID để làm thủ tục KCB, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chip hoặc với hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VneID, VssID chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB.
Sáu là, việc chia sẻ hạ tầng, sử dụng chung nền tảng số, BHXH Việt Nam sử dụng nền tảng tiếp nhận dữ liệu KCB của hệ thống Giám định để hỗ trợ, chia sẻ với Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử để triển khai các DVC trực tuyến toàn trình như: Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 2 nhóm TTHC liên thông Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng. Và sắp tới đây, nền tảng sử dụng chung để BHXH Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai Hồ sơ sức khoẻ và Sổ sức khoẻ điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VneID.
Bẩy là, triển khai đầy đủ các phương án, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin theo hướng dẫn của Bộ TT-TT và Bộ Công an. Trong đó tập trung vào việc phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Bước tiến quan trọng của ngành BHXH Việt Nam vì lợi ích người dân và doanh nghiệp
Những kết quả nổi bật mà BHXH Việt Nam đạt được trong công tác chuyển đổi số và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của ngành BHXH Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cấp từ Trung ương đến BHXH cấp tỉnh, cấp huyện, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. BHXH Việt Nam luôn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu là thước đo để đánh giá hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số và thực hiện đề án 06. Ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Toàn Ngành luôn xác định, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm để phục vụ; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. BHXH Việt Nam cũng chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động trong công cuộc chuyển đổi số. Đối với cán bộ của ngành, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cụ thể hóa hành động trong khi xây dựng quy trình nghiệp vụ phải được thực hiện trên môi trường số. Đối với người dân, đẩy mạnh công tác truyền thông, tận dụng tối đa lợi ích của cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các kênh truyền thông mạng xã hội của Ngành (Fanpage, Zalo BHXH Việt Nam) để đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường mạng xã hội (video đồ họa, infographic, motion graphic…) làm cho người dân tin tưởng, dần dần hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam. Thiết lập các kênh trao đổi thông tin công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân để hoàn thiện quy trình nghiệp vụ của ngành.
Thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tái cấu trúc, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính đưa 100% dịch vụ công có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công toàn trình. Nghiên cứu các công nghệ tiên tiến hiện đại trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), Điện toán đám mây (Icloud),… để khai thác tối đa Cơ sở dữ liệu hiện có nâng cao công tác quản trị của ngành BHXH Việt Nam, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.
Phạm Chính
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
Sóc Trăng phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính ...
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh làm việc tại BHXH tỉnh Long ...
Lương hưu – Nền tảng cho cuộc sống ổn định khi về già của ...
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành BHXH ...
Bình Thuận đạt và vượt chỉ tiêu chi trả các chế độ BHXH, ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?