Thanh kiểm tra BHXH, BHYT: Góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động
06/02/2024 09:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xác định vai trò quan trọng của công tác thanh tra, thông qua đó để chấn chỉnh việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị SDLĐ.
Giảm tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT
Là DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đóng tại KCN Phú Bài, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Công ty CP May mặc Xuất khẩu Impulse Fashion Tae Hee đã ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đơn vị luôn nhận thức việc tham gia BHXH cho NLĐ là vấn đề quan trọng bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua công ty gặp một số khó khăn về đơn hàng nên đã nợ 3 tháng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền nợ gần 2,7 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh ra quyết định thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với đơn vị. Sau khi cơ quan BHXH ra quyết định thanh tra, DN đã chuyển trả đủ số tiền nợ gần 2,7 tỷ đồng, đồng thời cam kết sẽ trả số tiền BHXH các tháng tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như tuân thủ các quy định của cơ quan BHXH…
Đánh giá của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh gia tăng nhiều đơn vị SDLĐ nợ BHXH với số tiền lớn nên cơ quan BHXH tăng cường và chú trọng công tác thanh, kiểm tra nhằm đốc thu, giảm nợ và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Đến nay, BHXH tỉnh đã tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 100 đơn vị SDLĐ; thanh tra liên ngành tại 12 đơn vị SDLĐ và thanh tra đột xuất tại 67 đơn vị SDLĐ; tổ chức kiểm tra tại 15 đơn vị SDLĐ; 2 tổ chức dịch vụ thu; 4 đơn vị nội bộ; 4 cơ sở KCB BHYT và kiểm tra đột xuất đối với 1 cơ sở KCB BHYT. Thông qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan BHXH đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 đơn vị; cưỡng chế 3 đơn vị; lập tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với 1 đơn vị và quyết định cưỡng chế đối với 4 đơn vị. Qua thanh, kiểm tra đã kiến nghị truy thu đối với 643 NLĐ thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức quy định với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH số tiền gần 105 triệu đồng do thanh toán chế độ BHXH ngắn hạn không đúng quy định đối với 483 lượt người. Đồng thời, đã đôn đốc các đơn vị chậm đóng chuyển nộp 16 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi về quỹ BHYT hơn 1,2 tỷ đồng đồng do cơ sở KCB BHYT chi sai quy định.
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương có những chuyển biến tích cực.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong hoạt động thanh kiểm tra; phối hợp, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, đã ban hành, triển khai trong toàn Ngành kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và thanh kiểm tra liên ngành năm 2023. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch; chú trọng thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề, đột xuất các cơ sở KCB có tỷ lệ chi KCB BHYT cao so với dự toán, gia tăng chi phí bất hợp lý; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh kiểm tra; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trường hợp cố tình vi phạm thì lập hồ sơ khởi tố theo quy định… Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ SDLĐ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
BHXH Việt Nam triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động thanh kiểm tra; với lợi thế có hệ thống dữ liệu lớn, xây dựng và thường xuyên hoàn thiện, bổ sung các bộ tiêu chí nhận diện rủi ro, từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm thông qua việc sàng lọc, nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chọn mẫu từ dữ liệu có sẵn để tiến hành thanh kiểm tra với phạm vi rộng, thanh kiểm tra theo phương thức điện tử. Do đó, công tác thanh kiểm tra đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh kiểm tra tại 22.584 đơn vị. Trong đó, thanh kiểm tra theo kế hoạch tại 17.774 đơn vị (đạt 109,33% so với kế hoạch giao), thanh kiểm đột xuất tại 4.810 đơn vị. Qua thanh kiểm tra đã yêu cầu truy thu tiền đóng của 7.234 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT nhưng chưa tham gia với số tiền là 45,8 tỷ đồng; 8.835 lao động đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 57.3 tỷ đồng; 38.820 lao động đóng thiếu mức đóng quy định với số tiền phải truy đóng là 89,4 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh kiểm tra chậm đóng trước khi có Quyết định thanh kiểm tra là 2.321,6tỷ đồng; số tiền chậm đóng các đơn vị đã nộp ngay sau khi kiểm tra là 1.324,4 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 57,05% số tiền chậm đóng các đơn vị phải nộp). Cùng với đó, đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.797 Quyết định xử phạt VPHC về đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền xử phạt là 63,9 tỷ đồng; số tiền xử phạt VPHC đã nộp NSNN là 24,5 tỷ đồng (đạt 38,3% số tiền xử phạt phải nộp NSNN).
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả từ công tác thanh tra
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, nhiều đơn vị ngay sau khi nhận được quyết định thanh kiểm tra của cơ quan BHXH đã có các biện pháp khắc phục ngay đối với các vi phạm về đóng BHXH, BHYT. Phần lớn các đơn vị chấp hành, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của cơ quan BHXH tại các kết luận xử lý sau thanh kiểm tra. Tình trạng trốn đóng, chưa đóng, đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức, chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... dần được khắc phục. Tuy nhiên, qua thực tiễn tổ chức thanh, kiểm tra cho thấy, hoạt động thanh kiểm tra của ngành BHXH còn nhiều khó khăn. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa đủ sức răn đe, trong tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận thanh kiểm tra chưa nghiêm, chưa kiên quyết dẫn đến một số đơn vị SDLĐ coi thường pháp luật, không chấp hành việc xử phạt, vẫn chậm đóng kéo dài qua nhiều năm hoặc trục lợi chính sách. Chính vì vậy, để công tác thanh kiểm tra tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH, góp phần giảm thiểu các vi phạm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh kiểm tra, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyết định sau thanh kiểm tra, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, nâng cao hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH.
Tăng cường thanh kiểm tra BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Cùng với đó, tại Công văn số 4331/BHXH-TTKT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về quản lý thu, thanh tra chuyên ngành (TTCN) và xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đúng trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH. Tổ chức thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật; đồng bộ thực hiện các giải pháp tăng thu, giảm số tiền chậm đóng, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đặc biệt, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị BHXH phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp đôn đốc, kiểm tra, công khai các đơn vị, cá nhân chậm đóng BHXH, BHYT; nghiêm cấm tình trạng cố tình hoặc không phát huy hết tinh thần trách nhiệm để doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng kéo dài.
Tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định và tuân thủ đúng quy trình, quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện. Ưu tiên thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ… Đặc biệt, với những tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt VPHC thì kịp thời ra quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành theo thẩm quyền quy định tại Điều 86, Điều 87, Điều 88 Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự thì kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố theo quy định.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ...
BHXH tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT năm ...
Bản tin Audio số 46 - Tuần 2 tháng 1/2025
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?