Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sử dụng tài chính y tế hiệu quả thông qua BHYT

18/05/2023 07:55 PM


Ngày 18/5, BHXH Việt Nam phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng danh mục thuốc và VTYT BHYT, đấu thầu, đàm phán giá và quản lý giá thuốc, VTYT thanh toán BHYT.

Chi phí thuốc và VTYT thay đổi theo hướng tích cực

Đây là một hoạt động thực hiện theo khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực BHYT giữa BHXH Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN trong giai đoạn 2022-2024. Hội thảo có sự tham gia của Ủy ban Xã hội và Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, các Vụ Cục liên quan thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, cùng một số Sở Y tế, BHXH địa phương; Đại sứ quán Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ lĩnh vực y tế và khoa học đời sống.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam- Đào Việt Ánh chia sẻ kỳ vọng của BHXH Việt Nam là các kinh nghiệm quốc tế sẽ cho chúng ta cách nhìn, cách tiếp cận mới về quy trình mua sắm, xây dựng danh mục thuốc, VTYT cũng như phương pháp kiểm soát giá thuốc, VTYT... . Từ đó, làm cơ sở để tham gia trong quá trình tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách về thuốc, VTYT được Quỹ BHYT chi trả, quyền lợi cho người bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, được tiếp cận với thuốc, VTYT mới; quỹ BHYT được đảm bảo, bền vững; nâng cao chất lượng ngành y tế tại Việt Nam. Đặc biệt là trong bối ảnh quỹ BHYT cũng đang đối diện với nhiều thách thức: nguồn lực tài chính có giới hạn; nhu cầu KCB của người dân về điều trị các bệnh hiếm, các bệnh nan y với chi phí điều trị cao khi sử dụng các thuốc mới, đắt tiền, VTYT chi phí cao; thách thức trong mua sắm thuốc, sử dụng thuốc và VTYT...

Khẳng định hội thảo được tổ chức vào thời điểm không thể thích hợp hơn”, nguyên Đại sứ Michael Michalak- Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho biết: đây cũng là năm quan trọng đối với lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam khi nhiều dự án luật quan trọng được xây dựng như Luật Dược và Luật Đấu thầu. Một trong những chủ đề bao quát của chúng tôi là tài chính cho Y tế sáng tạo và Bền vững. Với nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc sức khoẻ và áp lực căng thẳng tương ứng đối với ngân sách y tế công cộng, các chính phủ ASEAN đang ngày càng hướng tới các mô hình chăm sóc sức khoẻ bền vững và dựa trên hiệu quả. Các nhà cung cấp được hưởng lợi khi đã giúp bệnh nhân cải thiện sức khoẻ và sống khoẻ mạnh hơn trong khi vẫn duy trì chi phí hợp lý trong toàn bộ vòng đời điều trị”, ông Michael Michalak nói. Đồng thời ông cũng khuyến nghị: để đáp ứng nhu cầu của bối cảnh chăm sóc sức khỏe đang thay đổi, khu vực tư nhân có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam để khuyến khích các chính sách y tế công dựa trên bằng chứng và hỗ trợ các chương trình đổi mới và bền vững trong một môi trường dựa trên giá trị...

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT là 92% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng, được tiếp cận thêm nhiều thuốc, VTYT tốt, dịch vụ kỹ thuật cao trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Trong vòng 12 năm, chi trả thuốc BHYT đã tăng từ 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên hơn 40,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, chi trả VTYT tăng từ khoảng 750 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 13,5 nghìn tỷ đồng năm 2022.

Với các hình thức mới trong đấu thầu như đàm phán giá thuốc, đấu thầu tập trung cấp quốc gia (theo Luật đấu thầu số 43, Nghị định 63), thuốc chất lượng tốt nhưng giá thuốc giảm đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh và giảm tải cho quỹ BHYT, có thêm nguồn lực tài chính đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Tỷ lệ chi thuốc giảm từ 60-62% những năm 2010 xuống 54,5% vào năm 2013 và hiện nay giảm xuống khoảng 34% tổng chi KCB BHYT; Tỷ lệ chi VTYT tăng từ 4% những năm 2010 lên 8% năm 2018 và 11,18% năm 2022.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội thảo

Thách thức thực hiện mục tiêu BHYT bền vững

Làm rõ những thách thức trong thực hiện chính sách BHYT hiện nay, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) phân tích một số điểm mâu thuẫn giữa thực tế và mục tiêu thực hiện chính sách. Về nguồn lực tài chính: mặc dù tỷ lệ bao phủ đã đạt 92% dân số, nhưng mức đóng BHYT thấp, dẫn đến quỹ BHYT có giới hạn nhưng nhu cầu KCB của người dân càng ngày lớn, nhu cầu được tiếp cận với các thuốc mới, các VTYT có hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh.

Một trong những vấn đề phức tạp hiện nay là mua sắm thuốc, sử dụng thuốc. Hiện, việc mua sắm thuốc đã được áp dụng hình thức đàm phán giá, đấu thầu tập trung quốc gia, bước đầu triển khai đã đạt được các kết quả như giảm giá thuốc, có sự cung ứng ổn định, các cơ sở KCB được điều tiết thuốc, tránh thiều thuốc. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức mới triển khai nên vẫn còn nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Nhiều thuốc BDG chưa triển khai được đàm phán giá thuốc. Nhiều thuốc BDG vẫn có sự chênh lệch lớn giữa giá thuốc BDG và giá thuốc Generic nhóm 1. Nhiều cơ sở KCB tự đấu thầu hoặc đấu thầu tập trung cấp địa phương có giá chênh lệch lớn. Nhiều cơ sở KCB lựa chọn sử dụng thuốc chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực tài chính. Ông Phúc đưa ra dẫn chứng cụ thể là chỉ định sử dụng thuốc Cefoxitin. Trong khi giá thuốc 1 lọ 2g thấp hơn giá thuốc 2 lọ 1g, tuy nhiên với liều chỉ định đa số là 2g/lần, thì nhiều tỉnh, nhiều BV vẫn sử dụng hình thức cấp phát 2 lọ 1g, không thực hiện cấp phát 1 lọ 2g, gây lãng phí trong sử dụng thuốc...

Bên cạnh đó, thách thức trong mua sắm VTYT là chưa có thông tư hướng dẫn chuyên sâu về đấu thầu VTYT, đang được đấu thầu như hàng hóa thông thường. Chưa có các cơ chế mua sắm mới như đàm phán giá thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia, chưa quy định rõ về đấu thầu tập trung cấp địa phương. Việc mua sắm VTYT tại các cơ sở KCB, các địa phương còn nhiều khó khăn. Một số VTYT có chi phí lớn, dải giá rộng chưa quy định mức thanh toán tối đa hoặc điều kiện thanh toán; chưa ứng dụng HTA trong xác định danh mục VTYT, mức thanh toán BHYT...

Đại diện BHXH Việt Nam kiến nghị: để đảm bảo cân đối quỹ BHYT cũng như phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững, việc xây dựng Danh mục thuốc, VTYT hiệu quả, an toàn, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát giá thuốc, VTYT thông qua các cơ chế mua sắm khác nhau từ cấp TW đến từng cơ sở KCB và các phương pháp kiểm soát sử dụng, giá thuốc, VTYT sử dụng từ quỹ BHYT cũng đóng vai trò quan trọng để cơ đảm bảo việc sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả

Xây dựng danh mục thuốc BHYT hiệu quả: cách nào?

Chia sẻ chủ đề thảo luận “Áp dụng đánh giá công nghệ y tế (HTA) trong việc tăng cường tiếp cận thuốc biệt dược phát minh”, TS. Nguyễn Khánh Phương- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhấn mạnh: đảm bảo tiếp cận thuốc, bao gồm thuốc mới là một nội dung thiết yếu để thực hiện bao phủ CSSK toàn dân. Chuyên gia này khuyến nghị cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ để tăng cường tiếp cận thuốc mới bao gồm 3 trụ cột: thúc đẩy thuốc phát minh, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt và đổi mới cơ chế tài chính. Đẩy mạnh HTA cung cấp bằng chứng cho quá trình xây dựng danh mục và đàm phán giá thuốc biệt dược phát minh. Tiếp tục tạo điều kiện phát huy các chương trình hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận thuốc ung thư, bệnh hiếm. Nên nghiên cứu thí điểm áp dụng sáng kiến Gia nhập thị trường được quản lý tạo thêm cơ hội tiếp cận thuốc mới chi phí cao, đồng thời thúc đẩy sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào tăng cường CSSK.

Bên cạnh đó, rà soát lại chính sách quản lý giá, mua sắm và chi trả liên quan đến cung ứng thuốc biệt dược gốc để xác định các nội dung cần điều chỉnh nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nhóm thuốc này. Nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế trong triển khai một số công cụ chính sách giúp tăng cường quản lý thuốc biệt dược gốc như: đàm phán giá, tham chiếu giá quốc tế, ứng dụng đánh giá công nghệ y tế, thỏa thuận chia sẻ rủi ro. Việc áp dụng cơ chế mới cần dựa vào kinh nghiệm quốc tế kết hợp phân tích, đánh giá đầy đủ trên thực tế Việt nam cũng như xác định các điều kiện thực hiện phù hợp.

Ông Tokuaki Shobayashi- Chuyên gia Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; cố vấn chính sách y tế cho Bộ Y tế Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quy trình phê duyệt danh mục thuốc thanh toán BHYT. Đặc biệt là đánh giá các tiêu chí về lựa chọn/bổ sung/loại bỏ thuốc trong danh mục BHYT, tập trung vào khả năng tiếp cận thuốc hiếm, thuốc được cấp bằng sáng chế có hiệu quả cao và chi phí cao. Cụ thể như tại Nhật Bản, các loại thuốc mới được phê duyệt vào danh mục thuốc BHYT với tần suất 4 lần/năm. Nếu loại thuốc mới này tương ứng hiệu quả với một loại thuốc tương tự đã có trong danh mục, thì giá thuốc mới sẽ được điều chỉnh theo giá của loại thuốc tương tự nhất trên quan điểm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Trường hợp loại thuốc mới được chứng minh khách quan là có tính hiệu quả cao hơn so với các loại thuốc tương tự thì một khoản phí bổ sung sẽ được cộng vào khoản tiền trên. Mức bổ sung này sẽ được phân chia theo nhiều mức khác nhau (từ 10-120%) tùy thuộc vào việc sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu như: Có cơ chế hoạt động mới, hữu ích về mặt lâm sàng; Được chứng minh một cách khách quan là có hiệu quả hoặc an toàn cao so với các loại thuốc tương tự hoặc các phương pháp điều trị hiện có; Sản phẩm mới được đưa vào danh mục chứng minh khách quan được về sự cải tiến trong phương pháp điều trị bệnh hoặc thương tích được chi trả bảo hiểm. Các loại thuốc và thiết bị y tế có quy mô thị trường lớn hoặc đơn giá cao đáng kể sẽ chịu sự đánh giá (trừ các mặt hàng sử dụng cho các bệnh hiếm gặp, và trẻ em). Kết quả đánh giá được sử dụng để điều chỉnh giá sau khi sản phẩm đó đã được đưa vào danh mục trên thị trường bảo hiểm.

Người dân mong muốn được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn, sử dụng thuốc và thiết bị y tế chất lượng cao; đồng thời cũng không hy vọng đóng thêm phí bảo hiểm y tế. Trong khi đó, ngành dược và trang thiết bị y tế cũng kỳ vọng phát triển được thuốc, trang thiết bị y tế chất lượng cao phục vụ sức khỏe người dân và công tác quản lý. Chúng ta cần phải quyết định giá thuốc, đồng thời có cân nhắc tới việc cân đối giữa giảm chi phí y tế và phát triển các loại thuốc và thiết bị y tế tốt hơn”,  ông Tokuaki Shobayashi chia sẻ.

Tại hội thảo, các báo cáo viên, huyên gia đến từ Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC); Ngân hàng Thế giới (WB); Cơ quan Đánh giá và Giám định BHYT Hàn Quốc (HIRA) và Tổ chức BHYT Quốc gia Hàn Quốc (NHIS); Cơ quan BHYT quốc gia Thái Lan (NHSO); Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế ISSA... cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng danh mục thuốc, VTYT được quỹ BHYT thanh toán; về đấu thầu, đàm phán giá và quản lý giá thuốc, vật tư y tế trong thanh toán BHYT... Các chuyên gia đề cập nhiều điểm cần lưu ý trong các hoạt động này, đặc biệt là mua sắm dự trên giá trị- hiệu quả; đưa lợi ích của người bệnh vào quy trình HTA...

Ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành Khu vực kiêm trưởng Đại diện tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh US-ASEAN khẳng định: đây là hoạt động triển khai biên bản hợp tác giữa Hội đồng và Việt Nam và kế hoạch hành động đã được ký kết. Rất nhiều vấn đề đã được thảo luận, nhưng còn chưa đề cập hết những vấn đề cần giải quyết trong thực hiện chính sách BHYT. Hội đồng mong muốn sẽ tiếp tục cùng BHXH Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tương tự, góp sức tháo gỡ những nút thắt trong bài toán thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam.

Chung đánh giá này, ông Nguyễn Tiến Thành- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (BHXH Việt Nam) cũng đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác và các chuyên gia, nỗ lực đóng góp những ý kiến đáng ghi nhận để xây dựng chính sách BHYT. Hội thảo diễn ra kết nối hơn 130 điểm cầu trực tuyến đã lan tỏa nhiều thông tin đáng giá. Các bài trình bày của các chuyên gia đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng của chăm sóc sức khỏe toàn dân, chính sách BHYT. Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp này, coi đó là “đầu vào” hữu ích để tham gia xây dựng Luật BHYT sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu lấy người dân làm trung tâm”...

 

PV

  • TIN BÀI LIÊN QUAN