Tiếp tục đồng hành, quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế
24/02/2023 04:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Y tế năm 2023. Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế, góp phần đưa ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cùng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Y tế năm 2023 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Năm 2022, ngành Y tế đã vượt và đạt cả 3 chỉ tiêu Quốc hội giao
Theo Bộ Y tế, năm 2022, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp hơn so dự báo; khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động lớn đến phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.
Trên thế giới, từ đầu năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Việc bao phủ vaccine và có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và tỉ lệ mắc. Do vậy, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Tại Việt Nam, dịch bệnh đã được kiểm soát. Cả nước chuyển sang giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Tuy nhiên, có sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... Hệ thống y tế còn những tồn tại chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hậu COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng phấn đấu vượt khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Y tế, công tác y tế năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, ngành Y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, chỉ tiêu số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ, thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh, thực hiện là 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao; tỉ lệ tham gia BHYT đạt 92% dân số, thực hiện được 92,03% dân số, đạt chỉ tiêu được giao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh. Ngành y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và ban hành nhiều văn bản quan trọng khác. Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến ngành Y tế như các luật về bảo hiểm y tế, dược, dân số, trang thiết bị y tế.... Hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án lớn, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển ngành.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đều được cung cấp ở cấp độ 4. Hoàn thành kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về y tế với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành; số ca mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021, không ghi nhận ổ dịch tập trung. Y học cổ truyền được quan tâm, đầu tư, phát triển, nhất là vùng trồng dược liệu.
Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tích cực triển khai Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó có chủ trương về tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số; đã điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên mức 100%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tham luận làm rõ thêm các kết quả của ngành Y tế trong năm 2022. Phát biểu tham luận, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã thường xuyên, chủ động tham gia; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế các cấp từ Trung ương đến địa phương để triển khai kịp thời và hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, việc phát triển người tham gia BHYT trong năm 2022 được triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và những thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục tham BHYT so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên đến hết năm 2022, độ bao phủ BHYT đạt 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP), là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, phối hợp hiệu quả của 2 Ngành và sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các địa phương.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng thông tin, làm rõ thêm một số kết quả nổi bật qua công tác phối hợp giữa 2 Ngành trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về BHYT và các chính sách có liên quan; đánh giá tác động và đề xuất sửa đổi hoàn thiện chính sách BHYT; chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT; đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong công tác KCB BHYT; đặc biệt là việc phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác KCB BHYT trên toàn quốc mang lại những kết quả rất tích cực, đảm bảo phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất để Nhân dân khám bệnh, chữa bệnh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tham luận tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của ngành Y tế như tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra...
Nhận diện khó khăn, thách thức, năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được giao tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh…
Đối với công tác quản lý dược, cơ sở hạ tầng y tế, Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, bảo đảm thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc. Xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.
Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, bảo đảm chất lượng thuốc, dược liệu, trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, dược liệu, trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế. Tiếp tục triển khai quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm trên cả nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hoàn thành và đưa vào sử dụng để tăng thêm số cơ sở y tế, số giường bệnh. Đôn đốc các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện và hoàn thành các dự án đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), thay mặt Chính phủ và với những tình cảm chân thành nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tham dự Hội nghị, cũng như tới toàn thể đội ngũ những người “chiến sĩ áo trắng” trên toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng khẳng định, đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước trong năm 2022 có những kết quả hết sức cụ thể của ngành Y tế; ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần “Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật” của đội ngũ y, bác sĩ và những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên bên cạnh thành tích đạt, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần phải quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả.
Với mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết số 20, 21 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm điều hành sau: phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; “thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, "Thầy thuốc như mẹ hiền", xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Thay mặt Chính phủ và với tình cảm chân thành nhất, Thủ tướng gửi tới toàn thể cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Phải có tư duy, phương pháp tiếp cận mới để phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện, đồng đều cả y tế công lập và y tế tư nhân, y tế hiện đại và y tế dân tộc, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực phát triển ngành Y tế nhanh, bền vững, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.
Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào.
Triển khai công tác một cách tổng thể, bài bản nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; xác định những việc quan trọng, cấp bách, có tính chiến lược cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể.
Ngành y tế phải khắc ghi và hành động theo lời thề Hippocrates, 12 điều y đức trong khi triển khai nhiệm vụ; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật; đẩy mạnh hơn nữa phong trào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chuyên sâu. Phản ứng chính sách phải nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả, toàn diện, tổng thể.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung:
Thứ nhất, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng, sửa đổi các Luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ; đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Thứ ba, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó từng loại bệnh, từng thời kỳ; tiếp tục triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có giải pháp bảo đảm duy trì hiệu lực của vaccine; tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp...; thực hiện hiệu quả kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, các khu vực tập trung đông người, mùa lễ hội…
Thứ tư, triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư; phải cân đối, hài hòa trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với mục tiêu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ tính mạng của nhân dân, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Thứ năm, khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.
Thứ sáu, triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Lão Khoa cơ sở 2...
Thứ bảy, triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai Sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa…
Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược; công nghiệp hóa dược; nghiên cứu phát triển công viên dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam để sản xuất các loại vaccine, thuốc từ dược liệu; nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu; ngành Y tế phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có ngành dược; thực hiện hiệu quả, Chương trình phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; phát triển, xây dựng thương hiệu đối với một số lĩnh vực y học hiện đại và y học cổ truyền mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh phát triển du lịch chữa bệnh.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần "Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" của đội ngũ y bác sĩ và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thứ chín, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”; tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch; khắc phục tâm lý “sợ sai”, “làm ít sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.
Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng, miền, đối tượng, địa bàn...
Thứ mười, làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế; để người dân thấu hiểu, chia sẻ và đóng góp hoàn thiện chính sách y tế; đồng thời, củng cố hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam.
Thứ mười một, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, tăng cường hợp tác quốc tế.
Nhân hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và Nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế, góp phần đưa ngành Y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?